Bút ký

Người nữ trạm trưởng giao bưu (1)

Cập nhật, 06:08, Thứ Hai, 23/08/2021 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

(VLO) Ngày ấy, tôi là nữ sinh trung học Sa Đéc (Đồng Tháp) lần đầu tiên bước vào vùng giải phóng. Mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ: những căn hầm trú ẩn, con đường mòn, những người nông dân bám trụ trong mưa bom lửa đạn,... Ngày đầu tiên tôi được tiếp đón rất ân cần. Một bác nông dân mời tôi về ở nhà nói:

- Cháu ở với con gái bác, vài hôm sẽ có người của giao bưu đến đón.

Tôi chưa hiểu giao bưu là gì cả, là du kích hay bộ đội?

Hai hôm sau, cô con gái con chủ nhà đi đâu về dẫn theo một thanh niên khoảng trên dưới hai mươi tuổi, người cao ốm, đội chiếc nón vải (sau này tôi mới biết là nón tai bèo). Anh đưa cho tôi mùng mền nói là bà con xã Phú Hựu gởi tặng, nhắn thêm lời bà con mong tôi bền lòng chặt dạ với quê hương.

Tôi rất xúc động trước tình cảm bà con quê hương dành cho tôi và cũng xúc động qua lời nói mộc mạc chân tình của anh thanh niên giao bưu.

Tôi bắt đầu đi theo anh giao bưu độ ba tiếng đồng hồ đến trước một căn chòi nhỏ, bên trong chỉ vẻn vẹn có một tấm ván gõ, vách che chung quanh toàn cây rừng và phần nhiều là cây chuối. Tôi nhìn kỹ hơn thấy mỗi cành cây chiếc lá đều có dấu vết của bom đạn.

Anh thanh niên giải thích thêm đó là dấu vết của trận đánh lớn Tổng tấn công năm Mậu Thân 1968. Ánh nắng hoàng hôn chiếu xuống mặt nước dòng kinh Mới làm lộ những chùm bông lục bình bị miểng bom xén một nửa.

Thấy tôi tư lự, anh thanh niên giao bưu nói:

- Xứ này là như vậy, không một thân cây cành lá nào không bị trúng một miểng bom miểng pháo.

Thấy tôi trố mắt, anh cười nói tiếp:

- Nhưng con người không dễ bị như vậy đâu- rồi anh nháy mắt với tôi nửa đùa nửa thật- Em biết tại sao không? Là nhờ các anh chị giao bưu biết đưa khách đi lúc nào, đến đâu để tránh các cạm bẫy của tụi giặc.

Những lời anh nói tôi không hiểu mấy, tôi còn bỡ ngỡ lạ lẫm lắm, chờ được giải thích thêm nhưng anh bận phải đi vì có đoàn khách đang chờ, tôi ở đợi đây sẽ có người tới đón.

Tôi đứng nhìn theo bóng anh khuất sau khóm lá. Phút chốc tôi đứng lại chơ vơ một mình giữa bờ kinh bốn bên là các lùm cây rậm rạp hoang vắng, không có một bóng người.

Tôi đang trong tâm trạng sợ sệt, hoang mang thì nghe tiếng động, rồi trồi lên khỏi dòng nước là một khuôn mặt người phụ nữ với đôi mắt mở to. Chị nhìn tôi, cất giọng nói:

- Em gái là người mới đến đó phải không?

- Dạ phải- tôi đáp.

- Em ăn cơm chưa?

- Dạ chưa.

- Để chị mang nồi, gạo sang cho em nấu.

Tôi nhìn xung quanh căn chòi không hình dung mình phải nấu nướng như thế nào, bèn nói:

- Thôi chị à, em không đói đâu.

Vẫn ở dưới nước chị cười:

- Không đói là sao? Em gái vụng không biết nấu chớ gì? Thôi vô chòi đi để chị tính cho.

Chị lại trầm mình xuống nước trở lại bên kia sông.

Trời tối, tôi sợ không dám vào chòi, vẫn đứng trên bờ kinh ngắm những tia nắng đang tắt dần trên ngọn cỏ, nhìn những hố bom chung quanh chưa phủ kín cỏ, hẳn là vết tích của trận Mậu Thân vừa qua.

Trong bóng đêm vây quanh, tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi, người đã hy sinh cả đời nuôi con cái cho chồng đi kháng chiến. Giờ đến lượt tôi.

Tôi hình dung giờ này hẳn mẹ tôi đang ngồi bên bờ sông Sa nhìn theo những tà áo dài trắng phấp phới nhớ thương đến đứa con gái thân yêu của mình. Lòng thổn thức, tôi gọi khẽ: “Mẹ ơi!”

Lát sau, người phụ nữ lúc nãy trầm mình trở sang đem thức ăn cho tôi. Tôi thấy thương người nữ giao bưu tôi gặp đầu tiên ấy biết bao! Chị lên khỏi mặt nước một cách nhanh nhẹn đưa tô cơm còn nguyên vẹn đến trước mặt tôi, có cả cá lóc kho bầu.

Thật tình cờ, đây là món ăn thích nhứt của gia đình tôi vào những lúc nhà có đông người. Lại là dịp tôi bồi hồi nhớ đến mẹ tôi, nhớ đến bà, đến các em.

Tôi biết rằng rồi đây suốt cả cuộc đời tôi sẽ không quên tô cơm cá lóc kho bầu này, hình ảnh người con gái bưng tô cơm lội qua sông mà vẫn giữ nguyên vẹn hơi nóng ấm. Tôi ăn cơm, cắn môi để khỏi bật tiếng khóc.

Chị vỗ về tôi:

- Em ăn cơm đi để đủ sức đêm nay chúng ta “qua lộ”.

Tôi nói:

- Chị cho em sang ở bên trạm của chị được không? Ở đây em sợ lắm!

- Sang trạm phải lội sông, em không quen, bị cảm lạnh chết. Thôi để chị ở đây với em chờ đoàn đến rồi cùng đi luôn.

Tôi mừng quá nắm chặt tay chị. Chị cũng siết chặt tay tôi:

- Tụi chị quen rồi, có chị ở đây em không phải lo gì hết.

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau quên thôi. Chị hỏi tôi đủ thứ chuyện, gia đình tôi thế nào, học hành ra sao, tại sao tôi thoát ly vào vùng giải phóng…

Lát sau có chiếc xuồng cặp bến, một thanh niên bận bộ đồ xanh đen với hai khẩu súng trên vai cầm chiếc đèn pin nhỏ bước lên. Nhìn thấy chúng tôi, anh nói ngay:

- Báo cáo trạm trưởng, mọi chuyện đã chuẩn bị xong, mình đi thôi.

Vậy ra chị là trạm trưởng phụ trách cả một đầu mối giao liên đấy! Chị nhanh nhẹn cầm lấy khẩu súng quàng qua vai một cách thành thạo, sau này tôi biết đó là khẩu các-bin, lấy luôn chiếc khăn rằn choàng vào cổ, trông thật gọn gàng thanh lịch làm tôi thèm muốn quá chừng.

Giá tôi có bộ quần áo như vậy, khẩu súng và chiếc khăn rằn như vậy và mong mẹ tôi nhìn thấy để người kêu lên: “Ôi con gái mẹ oai làm sao!”

Đoàn đi gồm ba chiếc xuồng nhỏ, chiếc thứ nhứt đi đầu với bốn anh chị, ai cũng đội nón tai bèo, mang súng. Chiếc thứ hai, thứ ba không có ai mang súng. Tôi đi chiếc thứ hai.

Trên đường đi, mọi người tuyệt đối im lặng, chỉ nghe tiếng xuồng lướt trên mặt kinh, tiếng dầm khuấy nước. Đến ngã ba sông, giữa cánh đồng mênh mông, dưới một tàn cây trơ trọi, thân có ít lá lại có nhiều trái cong cong như những chiếc lưỡi hái, cả ba chiếc xuồng chụm lại dưới gốc cây.

Trời tối, gió lùa trên ngọn lúa lao xao. Im lặng một lúc rồi chị trạm trưởng đứng dậy tay cầm súng nói giọng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát:

- Tùng và Trung cảnh giới bên trái điểm bắt ám hiệu. Nam và Thanh cảnh giới bên phải. Hương ở lại hướng dẫn khách qua lộ khi được ám hiệu và mật khẩu. Phần chị sẽ lên lộ bắt ám hiệu báo lại cho Hương. Nếu có địch phục kích, Hương mau dẫn khách về nơi an toàn.

Nói xong chị cùng các nhóm vũ trang nhảy ra khỏi xuồng lội xuống sông, băng đồng đi về hướng lộ cái. Cả đoàn khách chúng tôi hồi hộp chờ đợi.

Đêm dần về khuya, sương xuống càng lúc càng nhiều, đoàn khách thấm lạnh ngồi co ro trùm người trong những miếng vải dù.

Khoảng nửa giờ sau, chị Hương trở lại nói:

- Không bắt được ám hiệu, chắc tụi giặc đang phục kích trên lộ.

Mọi người tiếp tục chờ đợi trong sự im lặng nặng nề. Một lúc sau, hai tổ vũ trang cũng lần lượt quay trở lại. Anh Tùng nói:

- Địch phục kích bên kia, chắc ta không qua lộ được.

Chị Thanh lo lắng nhìn quanh:

- Chị trạm trưởng đâu rồi? Sao nãy giờ chị chưa trở lại? Chắc chị gặp chuyện gì rồi!

Anh Tùng nói:

- Không sao đâu, chị trạm trưởng giỏi lắm, rành đường đi nước bước của tụi giặc, chị sẽ biết phải hành động như thế nào- rồi anh nói tiếp- Thôi gần mười hai giờ khuya rồi, đêm nay chắc mình không qua lộ được đâu, phải trở lại thôi.

Nhưng đoàn khách vẫn tiếp tục im lặng chờ đợi.

Một trái pháo sáng vọt lên từ phía Ba Càng, sáng rực cả một vùng chung quanh chỗ tập kết, mọi người lần đầu tiên nhìn rõ mặt nhau, lộ rõ vẻ lo sợ, cùng với cái lạnh làm run rẩy.

Chị Hương chỉ ánh pháo sáng nói:

- Có pháo sáng, chắc tụi giặc ở đâu gần đây.

Rồi có tiếng tiếp theo:

- Và có lẽ chúng cũng đoán ta ở gần đây!

Một người phụ nữ chừng bốn chục tuổi đeo súng ngắn khăn rằn quấn cổ nói. Chị đứng thẳng, dáng thật oai vệ như một hình tượng khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Và rồi chị trạm trưởng xuất hiện trên nền lúa non cùng tổ vũ trang. Pháo sáng tắt, đêm tối đen trở lại. Chị nói:

- Địch phục kích bên kia lộ, trạm bên kia không đưa khách sang đây nên không thể đón chúng ta. Tuy nhiên tôi có nhiệm vụ phải đưa cô Năm sang bên kia.

Chị trạm trưởng nói và chỉ thị chị phụ nữ bốn mươi tuổi tôi ngưỡng mộ lúc nãy, rồi nói tiếp:

- Bây giờ là mười hai giờ, chúng ta trở lại cũng rất mệt, tôi đề nghị anh chị em đoàn khách cùng tôi cương quyết đi tiếp. Tùng, Trung, Thanh, Nam tiếp tục cảnh giới. Hương đợi ở đây, sau khi chúng tôi qua lộ rồi tất cả quay về trạm. Nghe rõ chưa?

- Cho em theo với- Hương nói:

- Không được. Đây là nghị quyết tất cả phải chấp hành- chị trạm trưởng nói tiếp- Sau khi dứt các đợt pháo sáng, chúng ta sẽ qua lộ. Chúng ta đi theo đường vòng, tôi đi trước, mỗi người đi cách nhau hai bước. Khi lên đến lộ tôi sẽ bọc lót phía sau. Em gái này (tức tôi) đi ở giữa, em Út (người thanh niên đi cạnh cô Năm) đi đầu khi sang bên kia lộ.

Mệnh lệnh đã rõ ràng, ai nấy đều chấp hành, tôi cảm thấy thật hồi hộp và lo sợ. Đây là chuyến đi đầu tiên trong đời tôi đi qua lộ cùng với giao bưu. Chúng tôi đi trong im lặng, giữ đúng khoảng cách, đi len lỏi qua một xóm nhà dân trước khi lên mặt lộ. Làng xóm đang yên giấc, có tiếng ru của người mẹ dỗ con nhỏ đâu đó. Tôi lại bồi hồi xao xuyến lại nhớ đến mẹ, nhưng liền sau đó có tiếng thúc giục:

- Mau lên cô gái…

Khoảng hai giờ sáng chúng tôi đến trạm bên kia, trời tối đen. Chị trạm trưởng bấm đèn pin cho từng người đi và nói lớn vào trong nhà:

- Dậy đi, dậy đi tụi bây!

Nghe giọng quen thuộc, mọi người trong nhà trở dậy chạy ra đón chúng tôi. Ai nấy lăng xăng hỏi:

- Làm sao qua được đây? Tụi giặc đang phục kích mà, tụi tôi đi không được mới trở lại đây.

Chị trạm trưởng cười nói:

- Thì chị cứ “dùi” qua chớ sao.

- Chị gan quá!

- Chị nghiên cứu kỹ rồi mới dám đi chớ- rồi chị quay lại với chúng tôi- Thôi anh chị em mình tranh thủ rửa chân đi ngủ đi, khuya lắm rồi.

Chị quay sang tôi:

- Em gái giăng mùng đi, tối nay chị ngủ với em.

Nói xong, chị trút từ trong chiếc bòng mang trên lưng ra một chiếc chiếu nhỏ, một đống thư, vừa đếm vừa căn dặn:

- Đây là thư “công”, đây là thư “cá nhân”, nhớ đừng để rớt mất chiếc nào, quan trọng lắm đó. Anh mình đi kháng chiến nhận được lá thư gia đình “lên tinh thần” dữ lắm đó.

Một người đàn ông lớn tuổi bước vào, lớn tiếng nói:

- Con Thủy đưa khách sang phải không? Con nhỏ này giỏi thật! Tụi giặc phục kích vậy mà vẫn đưa sang được. Nhưng cũng đừng có liều quá nghen không? Phải cẩn thận đấy cháu à!

Chị trưởng trạm cười nói:

- Cháu nắm chắc tình hình mới dám đi chớ chú! Cháu có nhiều cơ sở trong bà con chòm xóm mà.

Sau đó, tôi mới biết “ám hiệu” là tiếng ru con giữa đêm khuya lúc nãy, càng khâm phục chị
trạm trưởng.

Người đàn ông lớn tuổi mới tới lại nói tiếp với chị trạm trưởng:

- Chú đến đây để rước cô Năm về căn cứ, nhưng có chuyện kẹt là có người y sĩ cũng cần được đưa đi gấp. Cháu bố trí người đưa giúp chú được không?

Chị trạm trưởng không suy nghĩ gì cả coi đồng hồ nói ngay:

- Được thôi, nhưng phải đi liền bây giờ, nếu không bị “lòi lưng” thì chết.

Người đàn ông lớn tuổi gọi vào trong một chiếc mùng giăng trong nhà:

- Chú Bảy ơi, chuẩn bị đi đi!

Chị trạm trưởng cũng quay lại tôi:

- Thôi chị phải đi, em ở lại ngủ một mình nghen!- rồi chị nói tiếp giọng thương mến- Ráng bền lòng chặt dạ với kháng chiến nghen cô học trò nhỏ của chị!

Chị trạm trưởng lại dẫn người y sĩ ra đi không một phút nghỉ ngơi sau cả một cuộc hành trình gian lao vất vả. Tôi cố nhìn theo nhưng bóng chị đã khuất trong màn đêm. Pháo sáng lại tiếp rọi bóng trên nền trời. Một loạt đạn rền vang khiến tôi giật mình lo lắng. Chị trạm trưởng quả là gan dạ giỏi giang nhưng đi hoài như thế có tránh được bom đạn của kẻ thù không?

Nằm mãi nhớ về chị, tôi không ngủ được. Hình ảnh chị sẽ mãi mãi in sâu vào trong ký ức của tôi, cùng với câu căn dặn “bền lòng chặt dạ” thương yêu tin tưởng của chị…

[Trích trong “Như là huyền thoại” (Những kỷ niệm sâu sắc về ngành bưu điện khu vực miền Nam thời kỳ 1930- 2000) tập 2- NXB Bưu điện- 2002}

Chú thích:

- Chị trạm trưởng trong truyện là chị Trương Thị Lẽ- Trạm trưởng giao bưu tỉnh Vĩnh Long trên tuyến Bình Minh- Tam Bình qua lộ Vĩnh Long- Cần Thơ. Chị nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Vĩnh Long.

- Người dẫn đường đầu tiên là đồng chí Sáu Bi- nguyên là Trưởng Phòng Công sản của Sở Tài chính- Vật giá tỉnh Vĩnh Long.

- Cô Năm trong truyện là cô Năm Việt- nguyên là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Vĩnh Long, sau giải phóng là Bí thư Quận ủy Quận 3- TP Hồ Chí Minh.

- Thời điểm xảy ra là sau Tổng tấn công năm Mậu Thân 1968.

ĐẶNG HUỲNH MAI

(1) Bài viết đạt giải C khu vực miền Nam, giải khuyến khích ngành.