Cây mù u và tuổi thơ tôi

Cập nhật, 15:38, Thứ Sáu, 25/08/2017 (GMT+7)

Mù u! Tên không đẹp, nhưng cũng đi thơ, nhạc, ca dao... và cho tôi thật nhiều kỷ niệm đẹp. Xuồng mù u giúp chúng tôi qua sông hái bần, trái mù u cho chúng tôi những trò chơi trẻ thơ trong những ngày nghỉ học, những buổi tắm sông... Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc tuổi thơ tôi...

Bông mù u nở đẹp không thua gì bông mai trắng.
Bông mù u nở đẹp không thua gì bông mai trắng.

Cây mù u thường mọc hoang ở vùng đất ẩm thấp vùng ĐBSCL, ở các vườn hoang dọc bờ sông, rạch. Ở thôn quê, mù u thường mọc theo bờ sông, rạch.

Đây là cây thân mộc lớn chậm với tán rộng. Chiều cao từ 8- 20 m. Lá cứng, gân phụ rất nhiều và song song. Hoa trắng to, rộng 25mm, nhụy vàng trông rất tinh tươi.

Hoa thường nở vào cuối mùa Xuân và cuối mùa Thu thì trái đã lớn. Trái rất tròn, có đường kính 2- 3 cm, có vỏ mềm màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng bao lấy nhân gỗ cứng và có nhân màu vàng nhạt. Nhân có chứa một chất dầu, màu vàng lục, mùi riêng biệt gọi là dầu mù u.

Dầu mù u được dùng để trị bỏng, các bệnh ngoài da và được dùng để điều chế thuốc trị bệnh phong. Ngoài ra trái mù u khi khô dùng làm rọi để thắp sáng do khả năng bắt lửa cao.

Khoảng từ năm 1985 trở về trước, vườn nhà tôi có nhiều cây mù u lắm. Cây nào cây nấy bự cả ôm người lớn. Ba tôi thường đốn cây lấy gỗ đóng xuồng, đóng bàn ghế và cả làm xiên, kèo, cột nhà...

Những đoạn thân cây lớn nhưng không suông, thẳng thì ba tôi cưa ngang từng miếng mỏng làm tấm thớt để má tôi mần cá, chặt thịt. Rất tuyệt!

Ngoại tôi thì hàng ngày lấy rổ ra những con khém, con rạch vớt mù u về đem làm rọi thắp sáng thay đèn dầu.

Mù u vớt về phơi khô rồi đập phần vỏ lấy nhân đem ủ trong các lu, khạp sành khoảng 4- 5 ngày, sau đó đem ra quết chung với bông gòn rồi nắn vào cọng trúc, cọng tre vót nhỏ dài khoảng 5 tấc, phía dưới chừa khoảng 1 tấc để cắm.

Sau khi nắn xong đem phới 2- 3 nắng là khô đốt cháy rất bền bỉ đến khi hết mới thôi. Để làm đồ cắm rọi, ngoại tôi nắn cục đất khối vuông, hình chữ nhật, hình thang có chứa lỗ ở giữa.

Mỗi đêm chỉ cần khoảng 10 cây là đủ cho cả nhà xài. Lúc còn nhỏ, chị em chúng tôi đêm đêm học bài cũng nhờ ánh sáng từ những cây rọi mù u của ngoại.

Trái mù u còn xanh mướt, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng, rồi nâu đỏ.
Trái mù u còn xanh mướt, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng, rồi nâu đỏ.

Với chúng tôi, lũ trẻ miền quê chỉ chơi những đồ chơi làm bằng vật dụng "cây nhà lá vườn" như chóng chóng lá dừa, ống thụt bằng trúc, làm súng bằng cọng chuối, súng bặp dừa...

Còn trái mù u, chúng tôi thường dùng để làm vo vo… chơi hết sẩy. Làm vo vo thì lựa những trái mù u sọ (trái lớn, tròn đều), cạo sạch lớp vỏ mềm bên ngoài, còn lại sọ mù u láng bóng.

Dùng mũi dao khoét lỗ 2 đầu, lỗ tròn đường kính khoảng 5mm, ở giữa 1 lỗ nhỏ chỉ khoảng 1mm, dùng cây đinh nhọn móc lấy hết phần nhân bên trong ra. Sau đó, vót 1 que tre dài khoảng 1 tấc, đường kính nhỏ hơn lỗ hai đầu sọ mù u, lấy một miếng tre dày khoảng 1mm, dày khoảng 1mm, ngang 1,5cm khoan lỗ gắn vào đầu que tre tạo thành cáo chong chóng.

Dùng dây chỉ cộng và que tre, luồn đưa sợi chỉ vào lỗ giữa và cho que tre xiên qua 2 lỗ ở hai đầu. Sau đó, chỉ cần se que tre cho một phần chỉ quấn vào, rồi chỉ việc còn lại là kéo mạnh sợi chỉ, chong chóng quay rồi buông nhẹ, chỉ lại quấn vào, cứ kéo rồi buông.

Chong chóng quay liên tục kêu vo... vo... rất mát tai. Những buổi trưa nóng nực, cả đám rủ nhau tắm sông, rồi chia phe ra lượm trái mù u trôi nổi trên mặt nước chọi nhau.

Còn những trái mù u đèo đẹt nhỏ xíu cỡ ngón chân cái trẻ con cũng lấy cạo sạch bóng vỏ làm đạn chơi bắn bi cũng thú vị lắm...

Đêm đến, lũ trẻ từng nhóm trong xóm chia nhau tứ phương đốt rọi mù u vừa có ánh sáng vừa nghêu ngao: “Đom đóm ơi, mầy xuống đây chơi, tao may quần lãnh áo nhiễu mầy mặc”, để trêu các chú đom đóm đang lập lòe trên cây chót vót... Tiếng hát rộn ràng khắp thôn vắng.

Đó là trò chơi các trẻ nhỏ nông thôn. Nhựa cây mù u thì chúng tôi làm dụng cụ bắt ve sầu. Lấy nhựa cây mù u rất đơn giản, chỉ cần dùng dao chặt một vết phần phần da cây, chờ khoảng 10 phút, nhựa chảy ra, dùng cọng lá dừa quẹt một chút nhựa, gắn cọng dừa vào dầu cây trúc, vậy là đã được dụng cụ bắt ve. Những chú ve sầu mãi kêu gọi bạn, chúng tôi nhè nhẹ chấm đầu cọng dừa có nhựa mù u vào cánh ve, thế là chúng khó thoát...

Nói cây mù u mà không nhắc đến bông mù u là một thiếu sót. Bông mù u từng chùm trắng nõn, lúc nở hoa thì thơm phức xòe 4 cánh, từng chùm bông mù u trắng muốt, nhụy vàng, được các em gái cài hoa chơi trò cưới hỏi. Ngày xưa,  ông bà ta thường tặng cô dâu đôi bông mù u bằng vàng làm kỷ vật trong đời sống vợ chồng.

Bây giờ thời buổi công nghiệp hóa, nhà nhà thắp sáng bằng điện, đất vườn không còn hoang vu, muốn tìm trái mù u làm rọi, làm vo vo chơi cũng đỏ con mắt.

Các em thành thị lẫn nông thôn bây giờ nhiều em không biết bông, trái mù u là gì. Còn đối với tôi, trái mù u đong đầy bao kỷ niệm. Cảm ơn trái mù u cho tôi tuổi thơ ềm đềm, cho tôi ánh sáng cây rọi mù u của ngoại làm, để ngồi học bài đêm đêm thời còn cắp sách đến trường...

Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH