Má Bảy sống với người con dâu ở làng, bởi má nhất định không chịu lên thành phố sống với người con trai duy nhất còn lại sau chiến tranh.
Má Bảy sống với người con dâu ở làng, bởi má nhất định không chịu lên thành phố sống với người con trai duy nhất còn lại sau chiến tranh.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Chồng má chết trào chống Mỹ. Bấy giờ tôi vừa tròn chín tuổi. Hôm đó tôi qua bắn trao trảo (chao chảo) bên vuông vườn của má.
Trời trưa, khát nước, tôi đến khạp nước vục đầy một gáo dừa, tu ừng ực. Uống vừa xong, thốt nhiên tôi thấy má chạy từ trong nhà ra ngoài sân, đầu tóc xõa xượi, hai mắt chỏng lơ.
Má quơ tay lên trời, kêu “ông ơi”, rồi ngã chúi nhủi xuống sân. Chừng tỉnh giấc, má thổn thức nói với chòm xóm, “tui thấy ổng máu me cùng mình, nhìn tui trân trối”.
Sau này xã nhận được giấy báo tử của đơn vị, rằng bác trai đã hy sinh đúng vào ngày hôm ấy. Chuyện linh thiêng, không biết đâu mà nói.
Năm mười bảy tuổi, tôi vào du kích xã, cùng tiểu đội với hai người con trai của má. Người con lớn tên Hai Toàn. Người con thứ tên Ba Thắng. Hai Toàn hơn tôi hai tuổi.
Ba Thắng bằng tuổi tôi. Tiểu đội tôi có Ba Cúc, nhỏ con mà tròn lẳn, rất có duyên. Hai Toàn với Ba Cúc yêu nhau. Má Bảy biết vậy, có miếng gì ngon cũng tìm cách gởi cho Ba Cúc. Vậy mà Hai Toàn và Ba Cúc cùng hy sinh một lượt trong trận chống càn ở đồng Một Trăm.
Gọi đồng Một Trăm, bởi cánh đồng đó rộng chừng trăm công. Bữa đó tiểu đội chúng tôi đang băng đồng thì đụng tao ngộ chiến. Trời tối hù tối hịt.
Chúng tôi nằm rạp giữa đồng trống, bắn văng mạng ra tứ phía. Chừng ngớt tiếng súng, mạnh ai nấy rút về cứ. Tới nơi, điểm quân mới biết thiếu Hai Toàn và Ba Cúc.
Chúng tôi bám đồng trở lại, tìm được xác hai người. Má Bảy như người mất hồn, gục xuống xác con trai, ngất xỉu. Xã đội trưởng cho chôn hai người hai ngôi mộ song song trong vuông vườn của má.
Tối nào má cũng lặng lẽ thắp nhang trước hai nấm mộ. Và hình như từ đó, má không ngủ được thì phải.
Gần cuối năm 1974, Ba Thắng bị địch phục kích bắt được ở Giồng Ké. Cảnh sát Hồng, nghe đâu đang tra khảo Ba Thắng, bất ngờ bị anh dùng đầu húc hạ bộ, té lăn cù trên bờ kinh.
Điên tiết, nó dí khẩu côn vào màng tang anh bóp cò. Nhờ mấy má ở làng kéo lên đấu tranh mới lấy được xác Ba Thắng đem về chôn cùng chỗ với anh trai.
Người con út của má lúc đó là Tư Trận, mười sáu tuổi, nhào vô du kích với nỗi thù căm cắm thằng Hồng, thề độc bắt được Hồng sẽ moi gan ăn tái.
Tư Trận đánh đồn, lận lưng được khẩu julô, thường lén phục đường đón lỏng thằng Hồng. Có hôm anh giả làm thằng nhỏ chạy ghe bí lên chợ quận, ngồi cắm quán rình thằng Hồng cả buổi.
Xã đội trưởng dọa kỷ luật mấy lần, nhưng Tư Trận chứng nào tật nấy, vẫn không hề rung rinh ý định trả thù.
Cuối cùng rồi Tư Trận cũng thộp được thằng Hồng, khi hắn bỏ đồn đi o mèo ngoài chợ quận. Hôm đó, Tư Trận neo chiếc ghe nhỏ chở dừa, ngồi trên ghe rình thằng Hồng từ chiều.
Nhá nhem, thằng Hồng dẫn hai đứa đàn em ra quán Tư Béo kêu mồi nhậu. Tư Trận lợi dụng bóng đêm, lẻn vô buồng Tư Béo núp sẵn dưới gậm giường. Tụi lính nhậu ngả ngớn tới giác chín giờ tối thì hai thằng lính say gục tại bàn.
Thằng Hồng chừng đó mới lôi Tư Béo vào buồng. Hắn lột quần áo và khẩu côn để ngay mép giường. Tư Trận núp dưới giường, thò tay kéo được khẩu côn, lừng lững đứng vụt dậy, dí súng vào màng tang thằng Hồng bóp cò. Hồng té vập xuống người Tư Béo một đống.
Tư Trận vọt ra, khỉa nốt hai viên vào đầu hai thằng lính say gục trên bàn, tiện tay vơ luôn hai khẩu AR15 và mấy dây đạn, chạy biến vào bóng tối. Lính trong đồn quận nghe động, bắn hỏa châu đỏ trời, nhưng không thằng nào dám ló ra dò xét.
Sau bận đó, xã đội bắt Tư Trận phải đi học trường thiếu sinh quân của tỉnh. Kế tới hòa bình, Tư Trận lại được cử đi học trường bổ túc văn hóa tập trung của tỉnh. Hết lớp 12, Tư Trận được điều về làm cán bộ kinh tài của huyện.
Hai bên dòng họ gia đình má Bảy đều tham gia kháng chiến. Chết cũng nhiều mà sống cũng nhiều. Người chết, có người tìm được xác đưa về nghĩa trang, có người không tìm lấy được một lóng xương.
Người sống, có người làm cán bộ lớn trên huyện, trên tỉnh, trên thành, có người cũng chỉ về làm vườn làm ruộng. Tư Trận bấy giờ chỉ là cán bộ loàng xoàng, anh về quê cưới Út Đẹp làm vợ.
Út Đẹp mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Một trái bom rơi trúng nhà cô vào giữa bữa cơm chiều. Hôm đó Út Đẹp qua nấu thuốc cho ngoại nên sót lại.
Từ khi về làm dâu nhà má Bảy, Út Đẹp không bao giờ ra khỏi làng. Cô cùng mẹ chồng chăm nom mấy công vườn và chục công ruộng. Ruộng vườn ràng rịt cô thì ít mà mẹ chồng ràng rịt cô thì nhiều.
Không phải là má Bảy thúc ép gì cô, nhưng bởi má Bảy không chịu xa bốn cái mộ trong vườn; thậm chí má còn không chịu để xã đem hài cốt các con ra nghĩa trang của huyện. Má cứ vậy mà già đi bên nấm mồ những người đã khuất.
Tội nhất là những lần làm đám giỗ cho chồng, bao giờ má cũng nước mắt lưng tròng, níu kéo ủy ban, van vái họ tìm giùm xác chồng đem về cho má.
Lúc Tư Trận lên tỉnh công tác, anh bàn với những người bà con ở cùng trong xóm, kiếm đại một cái quách, để vào đó một vài di vật của cha, đem về an táng trong vườn cho mẹ an lòng.
Cuối cùng rồi mọi người cũng đành làm theo cách đó để an ủi người mẹ đang mỗi ngày mỗi héo hon trong đau khổ.
Lúc Tư Trận còn ở huyện, Út Đẹp đeo bầu, nhưng chỉ sanh được cái thai trứng. Lúc Tư Trận lên tỉnh, Út Đẹp lại đeo bầu, nhưng lần này cái thai bị chết non.
Lần có bầu thứ ba thì Tư Trận đã là Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu. Anh đưa vợ lên thành để tiện chăm sóc thai nhi. Má Bảy gởi nhà cửa, ruộng vườn cho chòm xóm, theo nuôi con dâu thai nghén. Nhưng rồi tới tháng thứ tám, cái thai cũng chết trong bụng mẹ.
Má Bảy với con dâu lại về quê. Thời kỳ này công ty của Tư Trận làm nên ăn ra sao đó mà báo chí đăng tin ca ngợi rầm rầm.
Mỗi lần coi ti vi, thấy con trai vung tay múa chân trên màn hình, má Bảy không vui mà buồn. Nhiều lần má nói với Út Đẹp:
- Út à, bây lên với chồng bây, giữ chồng bây cho má yên tâm.
Út Đẹp không dứt được khỏi mẹ chồng. Cô thấy mình không thể xa được mẹ. Đã nhiều lần cô bắt gặp mẹ ngồi câm lặng hàng giờ trước mấy ngôi mộ trong vườn.
Bà lầm rầm nói chuyện với người bên kia như nói với người còn sống. “Ông ơi! Ông sống khôn chết thiêng, ông độ cho hai đứa nó có mụn con, ông ơi!”
Út Đẹp nghe vậy, chỉ biết nằm lặng trên giường mà khóc. Hai mẹ con sống ở làng cứ quắt quéo theo thời gian, cỗi cằn theo năm tháng.
Nhưng rồi Út Đẹp lại có bầu lần nữa. Tin cho Tư Trận hay, Tư Trận chỉ thư về, dặn ráng giữ gìn cẩn trọng, cần nhiêu tiền cứ nói, chứ anh lu bu công việc bù đầu không về được.
Tội nghiệp người mẹ già. Lụm cụm ngoài bảy mươi mà cứ giành hết công việc về mình. Bà lo cho dâu, cho cháu. Tối nào bà cũng thắp nhang trong nhà, ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài mấy nấm mộ trong vườn. Lửa nhang cháy rưng rưng. Nước mắt hai mẹ con cũng cháy rưng rưng.
Ngày Út Đẹp gần chuyển bụng, má nhờ ủy ban xã điện cho con trai. Con trai cử tài xế đánh xe về chở mẹ và vợ lên bệnh viện tỉnh, gởi nhờ khoa nhi săn sóc dưỡng thai. Còn anh, anh bận lu bu công việc xuất nhập bù đầu trên thành không về được.
Viện tỉnh còn nghèo, sản phụ lại đông, má Bảy mua manh chiếu trải nằm ngoài hành lang, lúc nào cũng dỏng tai phòng hờ nghe con dâu trở mình thột giấc, không lúc nào dám rời con dâu một bước. Gặp ai má cũng nhờ, có gì thì giúp má một tay.
Út Đẹp nằm dưỡng thai đến ngày thứ bảy thì xã cử người lên nhắn má Bảy về gấp dự lễ tuyên dương Mẹ Việt Nam anh hùng.
Cán bộ bệnh viện và những người đi nuôi sản phụ, ai cũng khuyên má cứ yên tâm về một vài hôm, có gì họ sẽ lo chu tất giùm cho. Nhưng má lắc đầu trước hết thảy mọi lời khuyên. Má hồi hộp đợi chờ dòng máu của dòng họ chồng ra đời.
Ngày Út Đẹp chuyển bụng, nghe Út la khóc trong phòng sanh, má Bảy quýnh quáng, quỳ sụp ngay trước cửa phòng sanh khấn vái. Út càng la khóc má càng quýnh, quýnh tới mức chạy quáng quàng qua lại dọc theo hành lang.
Thấy giỏ đồ của ai có bó nhang, má chụp ngay một nắm, xòe lửa hộp quẹt châm lên, rồi túm lấy trái bưởi của ai đó cặm ngay vào để cầu trời khẩn phật. Chừng nghe tiếng trẻ khóc oa oa, má từ từ sụm xuống, chết giấc tới nửa tiếng đồng hồ.
Vào cái ngày đứa bé ra đời, cơ quan của Tư Trận bị khởi tố về tội làm thất thoát hàng tỷ bạc. Không ai dám báo cho má Bảy tin này, họ sợ má sẽ bị nhồi máu cơ tim.
Nhưng rồi tới phiên tòa thì… dù cần thiết phải báo cho má biết, nhưng ngay cả đảng ủy, ủy ban xã cũng không dám cho má hay tin. Họ thấy đau cho má Bảy quá. Tư Trận biết đánh giặc, chứ làm ăn kinh tế lại là chuyện khác.
Bí thư đùn cho chủ tịch. Chủ tịch đùn cho công an. Đùn đẩy mãi không được, mọi người đành ủ ê kéo tới sắp hàng cúi đầu trước má. Ai dè má là người nói trước.
- Bây thương, bây đưa tao đi dự phiên tòa.
Té ra má biết hết, biết từ lâu.
Lần đó má ngồi coi ti vi, tình cờ thấy người ta luận tội con trai của mình về việc yếu kém năng lực, buông lỏng cho cấp dưới làm ăn sai nguyên tắc; má ngồi chết lặng cả tiếng đồng hồ.
Rồi má sực nhớ con dâu đưa đứa bé đi chích thuốc sắp về, liền lật đật tắt ti vi, kiếm thanh tre mỏng thọc vô lỗ hở, quậy cho nó hư đi. Má sợ Út Đẹp nghe được như má, sẽ hoang mang lo lắng mà mất sữa nuôi con.
Sáng hôm ra đi, má Bảy dậy sớm, nói thác với con dâu là có việc phải đi thăm người bà con. Út Đẹp nghe vậy, sụp xuống chân má oà khóc.
- Má! Má để con bồng cháu lên với ảnh! Má đừng đi! Thương tâm lắm má ơi! Má làm sao chịu đựng nổi phiên tòa!
Trời ơi, con dâu của má! Thì ra nó cũng biết, cũng giấu má, âm thầm chịu đựng nỗi đau riêng mình như má. Vậy là hai mẹ con ôm nhau khóc ròng cho tới lúc xuống ghe.
Khi tòa tuyên án Tư Trận hai mươi năm tù giam, người ta thấy có hai người đàn bà khẳng khiu bồng một đứa bé, dìu nhau lảo đảo bước về phía vành móng ngựa.
Người đàn bà tóc bạc trắng là má Bảy. Má bồng đứa cháu trên tay, đưa cao đứa bé về phía người con trai vừa bị còng, khóc mếu máo:
- Con bây nè Tư!
Đôi mắt ráo hoảnh của Tư Trận thốt giàn giụa.
Người ta thấy Tư Trận từ từ sụm xuống, lả ra như tàu lá chuối. Cả phiên tòa lặng hẳn đi, tưởng đã đông cứng lại tới ngộp thở.
HỒ TĨNH TÂM (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin