Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Thực hiện thường xuyên, rộng khắp và hiệu quả

Cập nhật, 04:45, Thứ Sáu, 30/06/2017 (GMT+7)

Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), việc thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Các nội dung quy ước, hương ước, nhất là những quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đồng thuận, hưởng ứng, góp phần hạn chế mê tín dị đoan, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát huy tốt thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện theo nghi thức truyền thống.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện theo nghi thức truyền thống.

100% ấp- khóm xây dựng hương ước, quy ước

Qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 27 ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội, toàn tỉnh có 100% ấp- khóm, khu dân cư đã xây dựng xong hương ước, quy ước và được UBND các huyện- thị- thành phê duyệt đưa vào triển khai, thực hiện, với trên 40.200 cuộc tuyên truyền cho 888.880 lượt người tham dự.

Theo số liệu từ BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Vĩnh Long, có 468/468 cơ quan; 506/506 trường học, bệnh viện, trạm y tế; 109/109 xã-phường- thị trấn; 847/847 ấp- khóm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Nếu như trước năm 2000, một số đám cưới có hiện tượng thách cưới, tổ chức tiệc linh đình nhiều ngày liền, một số nơi còn có hiện tượng tảo hôn… thì sau 15 năm triển khai, toàn tỉnh có 29.707 đám cưới tổ chức theo NSVM, đạt tỷ lệ 78,75%.

Các đám cưới được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, đúng theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cơ bản xóa được tệ tảo hôn.

Đoàn Thanh niên các cấp thành lập và duy trì tốt hoạt động của các CLB “Tiền hôn nhân”, nhiều mô hình tổ chức cưới văn minh, lành mạnh được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Đối với việc tang, 100% xã- phường- thị trấn đều có đội mai táng, người mất được khai tử theo quy định. Riêng các đám tang của cán bộ nghỉ hưu, đảng viên, công chức có thành lập Ban tang lễ, thể hiện vai trò của MTTQ, Hội Người cao tuổi địa phương trong điều hành, tổ chức lễ tang.

Hiện đa số các đám tang giảm đáng kể việc tổ chức ăn uống linh đình, để lâu ngày. Toàn tỉnh có 16.756 đám tang tổ chức theo NSVM, đạt 96,3%. Tỷ lệ các đám tang thực hiện nghi thức điện táng, hỏa táng cho người chết tăng qua từng năm.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng công tác quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân tập trung theo quy định của bộ tiêu chí xã nông thôn mới.

Tính đến cuối năm 2015, tỉnh đã quy hoạch 13 nghĩa trang, xây dựng 8 nghĩa trang, đảm bảo xa khu dân cư và vệ sinh môi trường.

Vĩnh Long có nhiều lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội dân gian diễn ra hàng năm. Các lễ hội đều được nhân dân và các cấp chính quyền tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và quy định pháp luật.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống được khôi phục, tổ chức lồng ghép, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, bổ ích, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách tham gia, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng, vui chơi, giải trí của người dân.

Tiếp tục triển khai, thực hiện thường xuyên và hiệu quả

Hàng năm, tại chùa Cũ (xã Hựu Thành- Trà Ôn) đều diễn ra lễ Dâng y Kathina- một lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.
Hàng năm, tại chùa Cũ (xã Hựu Thành- Trà Ôn) đều diễn ra lễ Dâng y Kathina- một lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Việc cưới, việc tang và lễ hội là những lễ nghi của gia đình, cộng đồng và xã hội. Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng những lễ nghi đó.

Tuy nhiên, để phù hợp với văn minh, tiến bộ, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung quy định trong hương ước, quy ước, ông Đào Công Đức- Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình Sở VH, TT và DL, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh- cho rằng: “Chúng ta cũng cần mạnh dạn nêu lên những khuyết điểm, những tồn tại chậm được khắc phục trong việc tổ chức đám cưới, đám tang, lễ hội, tạo điều kiện cho nhân dân thấy rõ và hiểu được hiệu quả của cuộc vận động, cũng như tác hại của những tập tục lạc hậu, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2000- 2015 vào cuối năm 2016, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu 100% ấp- khóm- khu dân cư xây dựng quy ước, hương ước về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tiêu chí mới được UBND các huyện- thị- thành phê duyệt, để tiếp tục triển khai, thực hiện rộng khắp, thường xuyên và có hiệu quả trong cộng đồng dân cư.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa đối với nhận thức của người dân và là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển toàn diện của từng địa phương.

Vì thế, thiết nghĩ nhằm phát huy tối đa những kết quả đạt được, khắc phục tốt hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thường xuyên, liên tục, để việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội đạt kết quả tốt.

Trong đó, cần đề cao, phát huy hơn nữa vai trò lãnh- chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, đặc biệt là MTTQ, Đoàn thanh niên và liên đoàn lao động. Đồng thời, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện cuộc vận động.

Các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở có kế hoạch thực hiện tốt quy chế xây dựng NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bổ sung vào hương ước, quy ước của ấp- khóm- khu dân cư nội dung “các cá nhân, hộ gia đình cam kết không tổ chức: nhạc sống, karaoke, nhạc lễ, nhạc hiếu (trong các đám tang), các buổi tiệc liên hoan, tiệc mừng… có tiếng ồn quá lớn trong khoảng thời gian nghỉ ngơi (buổi trưa từ sau 11 giờ đến 13 giờ; buổi tối từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau)” tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, học tập… của cộng đồng dân cư, gây bức xúc trong nhân dân và làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

Đối với quần chúng nhân dân, tiếp tục triển khai, tuyên truyền các nội dung của cuộc vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân. Tổ chức, lồng ghép những nội dung cuộc vận động với phong trào TDĐKXDĐSVH và nêu gương người tốt, việc tốt để vận động, thuyết phục mọi người noi theo.

Việc cưới, việc tang và lễ hội là một tập quán sinh hoạt xã hội, có ý nghĩa tinh thần sâu sắc đối với mọi người và toàn xã hội, thể hiện rõ bản sắc văn hóa, trình độ phát triển văn hóa, tinh thần của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội phải có ý thức kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hài hòa với điều kiện kinh tế và nhịp độ phát triển của xã hội.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT