Huỳnh Thanh Trang- cánh chim đầu đàn của phong trào ca- múa- nhạc

Cập nhật, 15:36, Thứ Bảy, 01/07/2017 (GMT+7)

Người nghệ sĩ ấy đã bước vào tuổi “Thất thập cổ lai hi” nhưng chị vẫn năng nổ nhiệt tình với nghề biên đạo múa và những công việc phục vụ xã hội.

Hiện nay, chị là Chi hội trưởng Chi hội Múa Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, vừa là Phân hội trưởng Phân hội Múa- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.

Ở địa phương nơi chị cư trú, chị là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Khóm 6 (Phường 2- TP Vĩnh Long). Còn ở bộ môn thể thao chị yêu thích- quần vợt thì chị là Phó Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt của tỉnh.

Bà Huỳnh Thanh Trang.
Bà Huỳnh Thanh Trang.

Chị là Huỳnh Thanh Trang, mọi người thường gọi chị bằng cái tên thân thiện: Ba Trang. Chị sinh năm 1947 tại xã Ngãi Tứ anh hùng (Tam Bình). Nơi chị sinh ra và lớn lên là một vùng quê hào khí cách mạng luôn tỏa sáng, giúp chị sớm ý thức về nhiệm vụ cách mạng.

Năm chị tròn 14 tuổi, đang học trường làng thì Việt minh khởi nghĩa, chị đã theo đơn vị Đoàn Vũ xã Ngãi Tứ (sau này gọi là Đoàn Văn công) và tham gia phong trào Đồng khởi những năm 1960- 1961.

Thời kỳ này, chị biểu diễn được các loại hình nghệ thuật như ca múa, tấu, hò vè… và theo đoàn lưu diễn liên tục trên địa bàn các xã: Ngãi Tứ, Mỹ Lộc, Hậu Lộc… Lúc đó, đoàn đốn tre làm đà làm sân khấu, mượn ván ngựa của dân kê làm sàn diễn và biểu diễn dưới ánh đèn măng xông.

Dân đến xem rất đông, mỗi đêm diễn có từ một, hai trăm người xem, có lúc cao điểm đến năm, bảy ngàn người. Người dân ở cách xa 3- 5 cây số vẫn háo hức bơi xuồng đến xem văn công biểu diễn. Tuy hiểm nguy rình rập nhưng hình như chẳng ai e sợ.

Cứ đêm nào có báo động, máy bay địch quần đảo thì đem đèn măng xông xuống hầm, lấy nón lá hoặc mâm thau đậy lại để che giấu ánh sáng, rồi cùng nhau xuống hầm tránh đạn, pháo.

Mỗi đêm văn công diễn xong, bà con nhân dân xúm xít dọn dẹp và vác ván ngựa đem trả, thời đó, tình quân dân thắm thiết như keo sơn một nhà.

Năm 1962, khi 16 tuổi, chị Ba Trang vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đoàn thanh niên, chị là đoàn viên trẻ nhất trong đơn vị.

Năm 1963, chị được rút về Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long và được phân công đi học chuyên ngành ở Trường ca, múa, nhạc Lam Giang thuộc Trung ương cục Miền Nam (Cục R) căn cứ tại Tây Ninh.

Sau một năm ở Trường Lam Giang chuyên tu nghiệp vụ, chị Ba Trang trở về Ban Tuyên huấn và được phân công về Đoàn Văn công tỉnh Vĩnh Long dàn dựng các chương trình ca, múa, nhạc.

Lúc này đoàn đóng ở xã Mỹ Thuận, liên tục biểu diễn trên địa bàn Lấp Vò, Sa Đéc, Tân Nhuận Đông, Hòa Tân, An Khánh v.v…

Có lúc Đoàn Văn công chuyển về ở giữa vùng Bưng Sẩm (Trà Ôn) để tránh bộ binh địch càn quét, vì nơi đây là vùng đầm lầy, kinh rạch chằng chịt, cỏ sông mọc che kín mặt nước, bước xuống là bị lún, rất khó khăn trong di chuyển nên địch không thể liều lĩnh đổ quân.

Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom” thời gian này, đoàn thường xuyên biểu diễn ở xã Mỹ Lộc, Hậu Lộc, Ngãi Tứ, Loan Mỹ, Bình Ninh, Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) và các xã thuộc huyện Trà Ôn.

Năm 1964 khi vừa 18 tuổi, tại căn cứ Đoàn Văn công, chị vinh dự đứng trước Đảng kỳ đọc lời tuyên thệ của người đảng viên.

Cảnh trong tiết mục múa “Nông dân dưới cờ Đảng” do chị Ba Trang (thứ 2 từ trái sang) dàn dựng. Ảnh: BA LÂM (TP Vĩnh Long)
Cảnh trong tiết mục múa “Nông dân dưới cờ Đảng” do chị Ba Trang (thứ 2 từ trái sang) dàn dựng. Ảnh: BA LÂM (TP Vĩnh Long)

Chị nhớ mãi lời dặn dò của chú Mười Xã- Trưởng Đoàn Văn công: “Là đảng viên, phải tuyệt đối trung thành với Đảng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, độc lập dân tộc…”.

Cũng từ giờ phút đó, khi gặp khó khăn, gian khổ bom đạn nổ trên đầu chị đều tự nhủ mình: “Hy sinh cho sự sống còn của Tổ quốc là một vinh dự của người đảng viên”.

Năm 1966, chị Ba Trang được điều về Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh, làm nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo cán bộ cho phong trào ca, múa, nhạc của tỉnh Vĩnh Long.

Trong thời gian năm 1966- 1967, chị Ba Trang đã dàn dựng 2 tác phẩm múa “Nông dân dưới cờ Đảng” để đấu tranh chống chiến dịch đôn quân, bắt lính của địch và tác phẩm “Đô thị vùng lên” chống lại chủ trương không cho bán hàng rong của địch. Những tác phẩm do nhạc sĩ Châu Thanh Cường phối nhạc đều đã đạt giải nhất trong các năm.

Thời kháng chiến, bom đạn nổ trên đầu, hiểm nguy luôn chờ đợi. Một kỷ niệm đau thương khắc sâu trong lòng chị, đó là vào buổi sáng sớm ngày 11/12/1967, Đoàn Văn công yêu cầu chị sang căn cứ đoàn ở rạch Cái Lá (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) để tập dợt, kiểm tra khả năng múa của diễn viên mới rút về.

Chú Mười Xã- Trưởng Đoàn Văn công thì ngồi trước miệng trảng xê, đặt ngay trong hội trường viết báo cáo thành tích của đoàn để chuẩn bị tổng kết năm.

Đoàn chia 3 nhóm để tập dợt, tốp tập kịch và chập cải lương ít người nên được bố trí tập ngoài bờ liếp; tốp múa đông diễn viên do chị Ba Trang hướng dẫn tập bài “Hoa sen dưới cờ giải phóng” tại hội trường.

Mới vừa bắt đầu tập, chị Ba Trang thoảng nghe tiếng đầm già bay “tì ti” trên không. Chị bảo: “Các em cứ tập, chị ra xem coi phải đầm già không?”

Chị mới vừa bước ra khỏi công sự chống đạn, pháo đã thấy trên bầu trời chiếc đầm già từ Ngãi Tứ bay về. Chị chỉ kịp la to: “Đầm già phóng pháo!” thì trái pháo đã rơi ngay hội trường.

Sau khi phóng pháo, đầm già bay đi luôn. Đau thương bao trùm Đoàn Văn công. Chú Mười Xã bị miểng pháo cắt ngang cổ và cánh tay hy sinh tại chỗ, 4 nữ diễn viên của đoàn bị thương, chị Ba Trang bị thương ở khóe miệng, ở mắt và cánh tay.

Sau khi dưỡng thương trở về đơn vị, chị Ba Trang tiếp tục dàn dựng tác phẩm múa “Mót lúa nuôi quân” do nhạc sĩ Xuân Điền phối nhạc. Và cùng anh Hai Nam mở lớp đào tạo diễn viên ca múa ở Gọc Gừa.

Đầu năm 1968, chị Ba Trang được điều về Đoàn Văn công tỉnh Vĩnh Long. Đoàn được điều sang 3 xã cù lao An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú biểu diễn phục vụ nhân dân, được đông đảo bà con đến xem. Diễn được mấy đêm, đến đêm diễn ở Đồng Phú, địch phát hiện truy đuổi, đoàn phải rút về Ngãi Tứ.

Năm 1970, đoàn đóng ở Bình Ninh, địch vây đánh suốt 3 ngày ngay căn cứ Đoàn Văn công. Nhạc sĩ Châu Thanh Cường- người bạn đời của chị Ba Trang- đã hy sinh, khi đêm trước chị vừa báo tin vui cho anh: “Mình sắp có con anh à”.

Hơn một tuần sau, Đoàn Văn công tổ chức đêm diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Đoàn ít diễn viên, do nhiều đồng chí đã hy sinh. Chị Ba Trang vẫn nuốt nước mắt bước ra sân khấu biểu diễn.

Những năm này đồn, bót mọc lên như nấm. Nhưng với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, dù ban ngày địch càn quét dữ dội thì ban đêm văn công vẫn diễn để hun đúc tinh thần bộ đội và nhân dân kiên cường chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù.

Địch dồn dân vào ấp chiến lược để cô lập lực lượng cách mạng. Đoàn Văn công phải phân ra từng tổ 3 người len lỏi vào phục vụ tận nhà dân dưới ánh đèn bánh ú.

Dù tình hình khó khăn đến đâu, anh chị em văn công vẫn nhớ lời Bác Hồ đã dạy: “Văn nghệ là một mặt trận và anh chị em văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ”.

Thế nên anh chị em văn công luôn khắc phục mọi khó khăn để mang lời ca tiếng hát đến với đồng chí, đồng bào, động viên mọi người giữ vững tinh thần cách mạng.

Sau ngày chiến thắng 30/4/1975, chị Ba Trang với tư cách là Trưởng Đoàn Văn công Cái Nhum (Mang Thít) đã đưa đoàn đi phục vụ nhân dân 11 xã thuộc địa bàn huyện.

Sau đó, chị bàn giao đoàn cho huyện Mang Thít và trở về công tác ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh. Chị mở lớp tập huấn ca- múa- nhạc cho 150 diễn viên ca, múa, nhạc, đội ngũ này trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào văn nghệ của tỉnh sau ngày giải phóng.

Cũng trong thời gian này, Phòng Văn hóa quần chúng được thành lập (trực thuộc Ty Văn hóa- nay là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch). Chị Ba Trang được bố trí chức danh Phó phòng.

Để xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng, chị liên tục tổ chức các lớp đào tạo cán bộ phong trào ca, múa, nhạc.

Từ năm 1975- 1978, mỗi lần kỷ niệm ngày chiến thắng Miền Nam, thống nhất đất nước, chị đều chỉ đạo lực lượng tập dợt để tổ chức xuống đường múa, hát; mỗi lượt có trên 1.000 sinh viên, học sinh, CB.CNV và quần chúng tham gia biểu diễn các bài hát quen thuộc như “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Về Vĩnh Long”…

Để không tốn kinh phí mua hoa, chị Ba Trang phát động mỗi đơn vị xuống đường múa, hát tận dụng hoa giấy, hoa tươi và dán cờ đuôi nheo để cầm tay khi múa. Khí thế cách mạng hừng hực, niềm vui chiến thắng hào hùng ngày 30/4/1975 lại trở về trong mỗi lần tổ chức lễ mít tinh, múa, hát xuống đường.

Năm 1978, chị Ba Trang được điều về giữ chức Phó Chủ nhiệm Nhà Văn hóa tỉnh (sau này là Trung tâm Văn hóa tỉnh, Ban lãnh đạo gọi là Ban Giám đốc).

Lúc chị Ba Trang mới về Nhà văn hóa, nơi đây chỉ là một bãi đất đầy cỏ rác. Các đối tượng nghiện xì ke, ma túy thường vào núp lén các góc khuất hút chích, cơ sở vật chất thì chưa có gì.

Nhưng chỉ sau 2 năm được hạch toán độc lập kinh phí, hoạt động của đơn vị ngày càng phát triển và đi dần vào nề nếp.

Các CLB năng khiếu thu hút đông đảo người tham gia và duy trì đến nay như: CLB Arobic; Thể dục thẩm mỹ; Thể dục Yoga; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh… Và hàng năm, vào dịp lễ, tết… trung tâm đều có tổ chức hội chợ, triển lãm ảnh thời sự và nghệ thuật, bắn pháo hoa, biểu diễn văn nghệ, thi thời trang v.v…

Chị Ba Trang còn là người đề xuất tổ chức “Liên hoan tiếng hát hẹn hò chín dòng sông”, thực hiện vào tháng 11 hàng năm.

Đây là liên hoan của các nhà văn hóa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, mỗi tỉnh luân phiên đăng cai 1 năm, đến nay đã hơn 20 năm như một hoạt động truyền thống của ngành.

Chị chỉ đạo trung tâm thường xuyên tổ chức đưa Đoàn ca múa nhạc đi biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh (bình quân 70 lần/năm) và giao lưu 4- 5 lần/ năm với các tỉnh bạn như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Đất Mũi- Cà Mau v.v…

Từ năm 1993, chị Ba Trang đảm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Chị tranh thủ được sự ủng hộ nhiệt tình của Sở Tài chính, trang bị cơ sở vật chất cho trung tâm có điều kiện hoạt động tốt hơn. Năm 2003, khi chị nghỉ hưu, đây đã là đơn vị sự nghiệp có thu với nhiều hoạt động phong phú, vững mạnh.

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng chị vẫn tiếp tục đào tạo, dìu dắt thế hệ kế thừa qua hoạt động của Chi hội và Phân hội Múa.

Chị xứng đáng là cánh chim đầu đàn của phong trào ca, múa, nhạc trong tỉnh. Hàng năm, chị gửi tác phẩm về dự giải đầu tư hỗ trợ tác giả, với nguồn kinh phí của Trung ương và đều đạt giải A. Gần đây là tác phẩm “Lính đảo và ngư dân” mà chị rất tâm đắc.

Tuy nhiên, chị có tâm trạng hơi tiếc là do không có kinh phí nên các tác phẩm của chị chưa được dàn dựng biểu diễn. Chị rất mong tương lai tác phẩm của mình sẽ được đầu tư kinh phí để dàn dựng, biểu diễn phục vụ công chúng.

THÚY VÂN (TP Vĩnh Long)