Trước năm 1975, ở các tỉnh miền Tây mình, tìm đỏ con mắt cũng không ra trường nghệ thuật sân khấu nào, mê hát lắm cũng chỉ học lóm qua làn sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn hoặc học từ mấy ông "thầy đờn" tài tử ở địa phương.
“Trước năm 1975, ở các tỉnh miền Tây mình, tìm đỏ con mắt cũng không ra trường nghệ thuật sân khấu nào, mê hát lắm cũng chỉ học lóm qua làn sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn hoặc học từ mấy ông “thầy đờn” tài tử ở địa phương. Trường hợp của em cũng vậy, hồi nhỏ mê hát dữ lắm, nhất là tiếng hát của các nghệ sĩ: Út Trà Ôn, Minh Phụng, Minh Vương, Chí Tâm và Thanh Tuấn... Mê thì mê nhưng không biết làm sao để được như mấy nghệ sĩ đó, vì em chỉ học lóm và hát nghêu ngao trong mỗi lần được mẹ giao nhiệm vụ ngồi hát ru cho em bé ngủ...”
Lời tâm sự thân tình của Ngọc Vàng (tên thật: Trần Ngọc Vàng, sinh năm 1962 tại TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cách đây 30 năm như vẫn còn sống mãi theo tiếng hát của em ngày nào cho dù tuổi đời đã chồng chất lên nhiều.
Với giọng ca truyền cảm, tròn vành rõ chữ, điêu luyện lúc luyến láy, ngọt ngào trong lồng câu... mang âm hưởng giọng ca của NSƯT Thanh Tuấn, Ngọc Vàng đã tạo được mối thiện cảm người nghe từ những ngày đầu công tác với chương trình “ca nhạc cải lương” của các đài phát thanh: Cửu Long (nay là Vĩnh Long), TP Hồ Chí Minh, Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ) vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX và để có được những giây phút thăng hoa này, Ngọc Vàng đã phải dành nhiều thời gian học hỏi, trau dồi nghệ thuật bằng chính niềm đam mê và lòng kiên trì, cầu tiến... cho dù đó chỉ là phong trào, là văn nghệ quần chúng, là ca nhạc tài tử.
* Ngoài những giờ học ca qua làn sóng Đài phát thanh, Ngọc Vàng còn học ở đâu nữa hay không?
- Lúc hát ru em bé ngủ, em được chú Ba hớt tóc (bà con còn gọi chú là chú Ba “đờn kìm”) ở trong xóm để ý, hướng dẫn em hát theo đờn, theo nhịp, từ câu vọng cổ cho đến các bài văn trong kho tàng “ca nhạc tài tử” và “ca nhạc cải lương”. Khi đi làm ở Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bình Minh (nay là TX Bình Minh), những lúc rỗi rảnh, em nhờ anh Nguyễn Hải đờn cho em hát, cũng như cùng đoàn thông tin cổ động của huyện tham gia vào các đợt hội thi hay giao lưu với các huyện- thị trong và ngoài tỉnh.
* Là một hội viên thâm niên trong CLB đờn ca tài tử, theo Ngọc Vàng, bản “Lưu Thủy Trường” vô “Liu” hay “Hò”?
- Theo tìm hiểu của em qua ý kiến của các nghệ nhân tài tử thì bản “Lưu Thủy Trường” là bản đứng đầu của 6 bản Bắc trong 20 bản Tổ của nhạc tài tử Nam Bộ. Theo âm nhạc gốc của thể loại này hay trong độc tấu, hòa tấu thì vô đầu bản “Lưu Thủy Trường” là chữ “Hò”.
* Nhưng có nơi lại vô “Liu”. Như vậy, theo Ngọc Vàng có “chỏi” hay không?
- Đúng như câu hỏi của anh, trong cách chơi “đờn ca tài tử” thì có nhiều nơi vô “Liu” là vì do bài ca. Đúng ra, “Liu” và “Hò” không khác nhau mấy, khác cung nhưng trùng âm (song thinh)...
* Cảm ơn Ngọc Vàng đã góp thêm tiếng nói để cho phong trào“đờn ca tài tử” được thêm phần tư liệu quý giá. Riêng nguyện vọng của Ngọc Vàng trong thời gian tới ra sao?
- Được tiếp tục đi theo niềm đam mê của mình và sẽ cống hiến hết mình cho phong trào đờn ca tài tử từ địa phương mình cho đến các địa phương bạn.
TRẦN MỘNG HOÀNG (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin