Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

05:09, 08/09/2023

Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Trước những thay đổi đột ngột của thị trường hàng hóa trong 2 năm qua, sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ngày càng bộc lộ rõ hơn điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam.

(VLO) Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Trước những thay đổi đột ngột của thị trường hàng hóa trong 2 năm qua, sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ngày càng bộc lộ rõ hơn điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp-PTNT), hiện nay, cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước đạt 18,8 triệu tấn trong năm 2018, tăng lên 20,8 triệu tấn trong năm 2022.

Cơ cấu sản lượng thực tế thức ăn chăn nuôi đang thay đổi theo xu hướng tăng dần tỷ trọng của các doanh nghiệp FDI (từ 59,8% năm 2018 lên 62,5% năm 2022) và giảm dần của các doanh nghiệp trong nước (từ 40,2% còn 37,5%). Xu hướng này cũng tiếp tục trong năm 2023.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu thức ăn tinh (bắp, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi heo và gia cầm.

Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi trong nước chỉ cung cấp được khoảng 35% tổng nhu cầu, tương đương 13 triệu tấn/năm, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Các sản phẩm chính của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gồm: 4,6 triệu tấn bắp hạt; 4,5 triệu tấn cám (từ 42,8 triệu tấn lúa); 2,5 triệu tấn sắn khô, bã sắn (tương đương 10,5 triệu tấn sắn tươi),…

So với thế giới, sản lượng bắp, đậu tương của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa kể chất lượng và năng suất thấp, khó cạnh tranh về giá.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất gạo (chiếm 8,4% sản lượng của thế giới), tuy nhiên so về hiệu quả kinh tế, lúa gạo khó có khả năng thay thế một phần bắp làm thức ăn chăn nuôi.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thức ăn chăn nuôi đó là năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu”- Cục Chăn nuôi đánh giá.

Trong giai đoạn 2018-2022, nước ta nhập khẩu từ 18,6-22,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; giá trị nhập khẩu dao động khoảng 6-8,9 tỷ USD.

Vì thế, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào vẫn luôn là kỳ vọng. Bởi nếu được như vậy, ngành chăn nuôi nước ta không những sẽ trở nên vững vàng hơn trước những biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu, mà còn phần nào giải quyết được bài toán về chi phí đầu vào, vốn là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

YÊN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh