Gắn kết giữa xây dựng với thực hiện pháp luật

05:09, 06/09/2023

Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu trong toàn quốc.

(VLO) Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu trong toàn quốc.

Đây là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành trên 1.000 văn bản, bao gồm các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhằm triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng, chống đại dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, việc ban hành xong pháp luật không phải mục đích cuối cùng. Pháp luật được ban hành là để điều chỉnh các quan hệ xã hội, trật tự, củng cố và phát triển theo những định hướng nhất định.

Điều này chỉ có thể đạt được khi những quy định của pháp luật được thi hành có hiệu quả trong đời sống xã hội, thể hiện ở hành vi thực tế, hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, những người có chức vụ, quyền hạn và các cá nhân.

Thực tiễn cho thấy, có những đạo luật dù tư tưởng, tinh thần có tiến bộ nhưng vẫn chậm, khó đi vào cuộc sống do thiếu các điều kiện bảo đảm thực hiện, thiếu cơ chế kiểm tra, theo dõi, đánh giá tác động kinh tế- xã hội sau khi đã có hiệu lực thi hành.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đánh giá “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”.

Chính vì vậy, Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội lần này là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật.

Song song đó, còn thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh