Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Cập nhật, 06:51, Thứ Năm, 31/08/2023 (GMT+7)

Chỉ với một cái nhấp chuột hay bấm nhẹ chiếc smartphone thì bao nhiêu tin tức tràn ngập. Từ những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt các tin tức liên quan đến giới showbiz ngay lập tức sẽ có hàng trăm, hàng ngàn phản hồi “bình loạn” của các “còm sĩ”.

Vốn dĩ mới đây người viết được tham gia hội thảo với nhiều chuyên đề mà trọng tâm đảm bảo an toàn thông tin mạng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng…

Hội thảo “chuyên ngành” nhưng những cảnh báo “mặt trái” của các chuyên gia từ việc sử dụng mạng xã hội và liên tưởng từ thực tế diễn ra thời gian qua cho thấy rất đáng lo ngại. Nhiều người coi mạng xã hội đơn thuần chỉ để giải trí, là nơi giao lưu với bạn bè, xả stress. Tuy nhiên, cũng có nhiều người sử dụng mạng xã hội thành một kênh kinh doanh online, một công việc kiếm tiền nghiêm túc… Tất nhiên, cũng có không ít kẻ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, thậm chí tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, câu view, câu like để trục lợi bất chính.

Còn nhớ cách đây không lâu, một hoa hậu Việt Nam đăng quang, và ngay trong đêm hôm đó, trên mạng xã hội nảy ra một cuộc tranh cãi lớn về nhan sắc của tân hoa hậu. Nhưng chuyện đó không ăn nhằm gì nếu phải so sánh với những lời mạt sát của đám đông hàng ngàn người để lại trong Facebook cá nhân của cô. Họ đã lần ngược dòng thời gian và tìm ra một số bài viết, bình luận từ nhiều năm trước đó có lời lẽ không đẹp. Nhưng họ lại quên mất rằng những dòng chữ được viết theo dạng “teen code”, ngôn ngữ các bạn thiếu niên, đã được cô này viết khi cô còn là học sinh trung học.

Giới showbiz, nhất là nghệ sĩ Việt gần đây không ít trường hợp đã phải trả giá cho những phát ngôn bồng bột, những hành xử chẳng giống ai trên mạng xã hội. Các trang mạng xã hội, YouTube cá nhân sẵn sàng “lên mạng” chửi bới nhau, bình luận thiếu chứng cứ dù rằng sự vụ, sự việc không liên quan- chuyện gia đình cố nghệ sĩ Vũ Linh là điển hình như vậy.

Số liệu “giật mình” từ các chuyên gia cho thấy, Việt Nam có hơn 77 triệu người dùng internet, chiếm gần 80% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số…

Thế giới mạng xã hội vô cùng phức tạp. Đó là lý do các chuyên gia khuyến cáo “nên sử dụng có văn hóa”, dường như tất cả đều có thể là nạn nhân nếu thiếu đi những kỹ năng. Luôn ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật. Để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục, để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người. Để thấu cảm, khoan dung, tha thứ và hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt lẫn nhau!

N. HOÀNG