Đủ cát làm cao tốc

05:09, 07/09/2023

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ, ngành và các địa phương ĐBSCL về việc bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL diễn ra mới đây.

(VLO) Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ, ngành và các địa phương ĐBSCL về việc bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL diễn ra mới đây.

Phó Thủ tướng cho rằng, trữ lượng các mỏ không thiếu nhưng các địa phương, nhà thầu thiếu sự phối hợp, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ lớn để đưa ra phương án khai thác phù hợp, bảo vệ môi trường, chống sạt lở.

Theo báo cáo của Bộ GT-VT, các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL gồm 4 dự án đường cao tốc: Cần Thơ- Cà Mau; Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng; Cao Lãnh- An Hữu; Mỹ An- Cao Lãnh, có tổng chiều dài là 355km, với tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên, các tỉnh, thành ở ĐBSCL hiện cấp 121 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3.

Các địa phương trong vùng cấp thêm 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng. Tổng cộng có khoảng 120 triệu m3. Và “nếu khai thác, điều phối một cách hợp lý thì hoàn toàn cấp đủ cho các dự án thành phần”.

Thời gian qua, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra và có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh dành sự ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Thủ tướng giao tỉnh An Giang cung ứng 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3 và Vĩnh Long 5 triệu m3, ưu tiên bố trí ngay cát đắp nền cho dự án đường cao tốc Cần Thơ- Cà Mau.

Song, theo Bộ GT-VT, việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới các địa phương còn chậm, nếu không sớm hoàn tất các thủ tục sẽ ảnh hưởng tiến độ.

Để đảm bảo vật liệu các dự án, trong diễn biến khác, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đối với các dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông hôm 5/9, Bộ GT-VT kiến nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024.

Nguyên nhân là do hầu hết các dự án đều đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp nền tại khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, xem xét ban hành nghị quyết hoặc nghiên cứu điều chỉnh một số luật liên quan theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản và được phép thu hồi đất đối với các mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu để phục vụ công trình trọng điểm.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh