Nông nghiệp "xanh", "sạch"

Cập nhật, 05:27, Thứ Năm, 16/03/2023 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp-PTNT cùng các địa phương ĐBSCL đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách nhằm hỗ trợ nông dân trồng lúa sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, “xanh”, “sạch” và bền vững, giảm phát thải.

Cụ thể hóa cho kế hoạch nêu trên, tới đây Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải vùng ĐBSCL nhằm sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là đề án quan trọng nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, là xây dựng những vùng nguyên liệu đạt chuẩn và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, với ĐBSCL, vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, thì giảm phát thải có ý nghĩa rất lớn. Theo tính toán hiện nay, lượng phát thải ra môi trường của sản xuất lúa chiếm khoảng trên 40% so với tổng lượng phát thải của sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đề án cũng nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng các HTX liên kết với doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị lúa gạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thành Nam, việc triển khai giảm phát thải sẽ dựa trên quy trình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” sẽ nhân rộng ra nhiều vùng sản xuất, bảo đảm quản lý được vùng nguyên liệu, chứ không thể tổ chức cho từng nông dân. Doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất vùng nguyên liệu đạt chuẩn, làm cơ sở truy xuất nguồn gốc tham gia vào thị trường gạo thế giới.

Hiện Bộ Nông nghiệp-PTNT đã cho phép thành lập nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế phát triển ngành hàng lúa gạo.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực này tin rằng, nếu triển khai đúng quy trình thì chất lượng, giá trị của ngành hàng lúa gạo sẽ tăng lên, không chỉ giảm phát thải mà còn hướng đến mục tiêu chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo. Khi đó, gạo không chỉ là thực phẩm mà còn có thể làm mỹ phẩm hay nguyên liệu cho nhiều ngành khác nhau như nhiều quốc gia khác đã làm!

N. HOÀNG