Tôn trọng mọi ý kiến

Cập nhật, 07:09, Thứ Ba, 14/03/2023 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa chủ trì buổi làm việc để cho ý kiến bước đầu về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và những vấn đề nổi lên trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 15/3. Thời gian qua, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Qua bước đầu tổng hợp, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm nội dung về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của mặt trận và thành viên của mặt trận; vai trò của UBND cấp xã; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau ngày 15/3- thời hạn cuối cùng thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng hợp các ý kiến và gửi báo cáo về Bộ TN-MT. Việc tổng hợp khối lượng lớn nội dung đặt ra nhiều thách thức cũng như áp lực, điều này đòi hỏi các cơ quan phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện để bảo đảm tiến độ, yêu cầu.

Phát biểu lưu ý tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần có sự phân định các nhóm vấn đề để có phương án tiếp thu, giải trình; lưu ý rà soát đối với những nội dung, những vấn đề đã có kết luận của Trung ương thì không bàn lại, tránh làm phức tạp thêm vấn đề. Quá trình tiếp thu sửa đổi luật phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiến hành tổng hợp đến đâu nghiên cứu có phương án tiếp thu, giải trình đến đó; tổng hợp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan, vô tư, tôn trọng mọi ý kiến, gạn đục khơi trong, không để có một ý kiến nào không được tổng hợp, không có ý kiến nào không được giải trình; tổng hợp toàn diện đầy đủ, chọn vấn đề lớn trọng tâm để tổng hợp đánh giá, lựa chọn vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau để tiếp tục tổ chức nghiên cứu lấy ý kiến tọa đàm sâu hơn, kỹ hơn.

  • AN NHIÊN