Đến hẹn lại lên, sau vụ Đông Xuân, nhiều cánh đồng xuất hiện xe cuốc, xe kéo gom đất cày tập trung vào địa điểm thuận tiện gần đường giao thông, từ đó bán đi khắp nơi phục vụ nhu cầu san lấp, cung cấp cho người trồng hoa kiểng, cây cảnh. Bất chấp các khuyến cáo của ngành chức năng, nhà khoa học lo ngại đồng ruộng bị lấy đất mặt hại nhiều hơn lợi, làm lớp phèn "trỗi dậy"…
Đến hẹn lại lên, sau vụ Đông Xuân, nhiều cánh đồng xuất hiện xe cuốc, xe kéo gom đất cày tập trung vào địa điểm thuận tiện gần đường giao thông, từ đó bán đi khắp nơi phục vụ nhu cầu san lấp, cung cấp cho người trồng hoa kiểng, cây cảnh. Bất chấp các khuyến cáo của ngành chức năng, nhà khoa học lo ngại đồng ruộng bị lấy đất mặt hại nhiều hơn lợi, làm lớp phèn “trỗi dậy”…
“Tui đâu bán đất mặt để lấy tiền, 1 hoặc 2 triệu đồng cũng đâu đủ cải tạo mặt ruộng”. Một vài nông dân nói với tôi như vậy khi được hỏi: sao lại bán đất mặt? Họ cho biết vì ruộng nằm ở khu vực gò cao thường xuyên thiếu nước, chuột phá hoại nhiều… Việc phá gò, lấy đất mặt, theo nhiều nông dân, là giải pháp tình thế mà họ nghĩ là “cách tốt nhất” cho ruộng lúa của mình. Thậm chí còn “cho người ta lấy đất mặt để nước dễ chảy “dô” ruộng chứ không bán lấy tiền và lấy đất mặt để cải tạo đất là lý do có cơ sở.
Quả thật không ai hiểu rõ mảnh ruộng của mình như người nông dân, lớp đất mặt chứa đựng nguồn phù sa dinh dưỡng quý giá nhất nên không ai muốn tự mình “bán lúa non” để đổi lại vụ sau thất bát, năng suất giảm!
Và thực tế cho thấy, việc cho (hay bán) đất mặt ruộng không đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, nếu bán một công đất mặt lấy tiền chi tiêu trước mắt thì phải mất vài ba năm cải tạo mặt ruộng mới trở lại hiện trạng ban đầu. Còn ở chiều hướng khác, đất mặt một khi rời khỏi cánh đồng trở thành “đất trồng cây”, “đất san lấp nền”… đã “đội giá” lên gấp đôi ba lần. “Thị trường đất cày” chỉ đem lại lợi nhuận cho những người kinh doanh. Vì thế, không khó để nhận thấy nhiều “vựa đất” mọc lên ven các tuyến đường giao thông sau mùa thu hoạch lúa Đông Xuân.
Một vài địa phương trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền: đất mặt là tài nguyên và việc khai thác cho hay kinh doanh là vi phạm pháp luật. Đó là chủ trương cần thiết, nhưng để thuyết phục người dân và giúp họ nhận thức được “lợi bất cập hại” để từ bỏ việc bán đất mặt, cần có những điều tra, đánh giá hiện trạng từng vùng, từng khu vực canh tác. Từ đó, có giải pháp hỗ trợ người dân cải tạo đất cũng như chuyển đổi cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
YÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin