Để "thông tuyến" giao thông đồng bằng

06:10, 24/10/2021

Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã chỉ ra những bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL và yêu cầu các địa phương đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển khu vực này tương xứng với tiềm năng, tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001- 2010 và 2011- 2020.

(VLO) Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã chỉ ra những bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL và yêu cầu các địa phương đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển khu vực này tương xứng với tiềm năng, tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001- 2010 và 2011- 2020.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 21, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Đồng thời, đã mở ra cho vùng ĐBSCL thêm nhiều phương thức vận tải để kết nối với cả nước, khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, những kết quả đó chưa phản ánh hết thực trạng về giao thông khu vực ĐBSCL hiện nay. Cụ thể, 5 tuyến trục dọc đã được đầu tư là đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương; tuyến QL1 từ TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ- Cà Mau; tuyến N1; tuyến N2; tuyến hành lang ven biển qua QL50, QL60 và QL1 nhưng chưa tuyến nào hoàn chỉnh. Đặc biệt, hệ thống tỉnh lộ khu vực này đang rất kém, mặt đường có những tuyến chỉ 5- 9m, giảm khả năng kết nối quốc lộ. Đường nông thôn tải trọng chỉ dưới 5 tấn.

Để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL trong giai đoạn tới, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL kiến nghị Trung ương và Bộ GTVT tập trung vốn đầu tư công cho ĐBSCL, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc đang triển khai.

Cần ưu tiên hơn cho đầu tư hạ tầng khu vực ĐBSCL, có kế hoạch trung hạn tập trung vào cao tốc Đông- Tây và cao tốc Bắc- Nam xuống tận Cà Mau.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cho khu vực ĐBSCL, trong đó có các trục dọc cao tốc, đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, đường thủy…

Bên cạnh các giải pháp về vốn của Chính phủ, các địa phương cần chủ động, tích cực hơn trong việc đầu tư hạ tầng giao thông. Các địa phương cần phối hợp với Bộ GTVT trong việc kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Trung ương, làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của khu vực.

AN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh