Quốc hội sẽ bàn việc phục hồi sau đại dịch

Cập nhật, 05:49, Thứ Tư, 20/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Hôm nay (ngày 20/10), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV khai mạc để quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước, đặc biệt là việc xây dựng pháp luật thể chế trong năm 2022 và cả nhiệm kỳ; việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trước đó Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp bàn thống nhất nội dung trình kỳ họp lần này. Dự kiến, kỳ họp xem xét thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án luật.

Kỳ họp lần này Quốc hội sẽ giành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận nội dung riêng về phòng chống COVID- 19.

Một điểm mới đáng lưu ý là xin ý kiến Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào cuối năm nay để xem xét một số vấn đề cấp bách mà Chính phủ trình.

Theo Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra trong 17 ngày và tổ chức theo 2 đợt: họp trực tuyến và họp tập trung.

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp rất trông chờ vào các quyết sách của Quốc hội, do đó, Quốc hội sẽ làm việc liên tục cả ngày thứ 7 và chủ nhật, với phương châm tiết kiệm triệt để thời gian, sẵn sàng làm ngoài giờ, làm thêm vào buổi tối. Kỳ họp này cũng có thay đổi một số vấn đề cơ bản: tổ chức thảo luận trực tuyến, biểu quyết trực tuyến…

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay dịch COVID- 19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ và diễn biến phức tạp. Yêu cầu rất lớn đặt ra trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ họp này là cố gắng giảm thời gian làm việc nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng kỳ họp và an toàn phòng chống dịch COVID- 19.

Việc Quốc hội cố gắng rút ngắn tối đa thời gian làm việc trong khoảng 17 ngày- ngắn hơn nhiều so với thông lệ các kỳ họp cuối năm sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế- xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV để đưa ra các quyết sách quan trọng của đất nước, nhất là công tác phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, an sinh xã hội…

Đây là nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri cả nước trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Vì thế, Quốc hội không ngồi chờ mà chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

AN NHIÊN