Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật, 12:02, Thứ Tư, 07/06/2023 (GMT+7)

 

Đóng góp về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất quan điểm việc sửa đổi bổ sung lần này phải đáp ứng các yêu cầu thực tiễn ngày càng gia tăng về khai thác tài nguyên nước; bảo vệ, phục hồi, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thống nhất việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo tờ trình của Chính phủ nhằm cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

Trong đó, sửa đổi dự thảo luật theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước vào trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.

Thống nhất quan điểm việc sửa đổi bổ sung lần này phải đáp ứng các yêu cầu thực tiễn ngày càng gia tăng về khai thác tài nguyên nước; bảo vệ, phục hồi, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phù hợp với các chủ trương, chính sách mới trong quản lý tài nguyên nước.

Thứ nhất, về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, dự thảo luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ TN- MT, Bộ Nông nghiệp- PTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ GT- VT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao.

Đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ TN- MT với các bộ có khai thác, sử dụng nước để việc quản lý được thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực và bỏ sót lĩnh vực quản lý.

Đồng thời bổ sung trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng liên quan đến nguồn nước, an ninh nguồn nước xuyên biên giới, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Bên cạnh đó, đề nghị tập hợp các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp còn rải rác tại các điều khoản trong dự thảo.

Thứ hai, trong chương VI, về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, ban soạn thảo đã bổ sung nhiều nội dung mới trong dự thảo luật, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí; về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước.

Đánh giá cao việc ban soạn thảo bổ sung các quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, như ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước; cụ thể một số quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước; và các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo đưa điểm c “Xây dựng công trình, biện pháp cải tạo, bảo vệ tạo cảnh quan ven sông, hồ; công trình, biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; xây dựng, vận hành công trình điều hòa, điều tiết nguồn nước, trữ nước” Điều 71 thành một điểm trong khoản 1 “Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động sau” tại Điều 70 nhằm đảm bảo nguồn thực triển khai và phù hợp quy định về phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ được quy định tại Điều 63.

Thống nhất với một số ý kiến là chỉ nên quy định những hoạt động nào cần kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư cho tương thích với pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và để khi luật ban hành thì tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương.

Thực tế tại ĐBSCL năm 2022 cho thấy hiện tượng ngập lụt, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.

Tình hình sạt lở xảy ra ở 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL. Sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nguy hiểm. Điều này đã gây thiệt hại đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản cũng tác động đến nhiều mặt đời sống của người dân, cản trở sự phát triển của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Việc xã hội hóa xây dựng công trình dự án trọng điểm mang tính liên kết và ứng phó biến đổi khí hậu sẽ rất khó khăn tại các địa phương còn phụ thuộc vào ngân sách trung ương, cần phải có sự đầu tư lớn của nhà nước về nguồn lực.

Và đó cũng là cơ sở pháp lý hiệu quả nhất để triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

B.THNH- N.THANH (ghi)