Từ tháng 2/1967, Tổng thống Mỹ Lyndon Jhonson ra lệnh không quân Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc nước ta từ vĩ tuyến 17- 20.
Các tin liên quan |
Từ tháng 2/1967, Tổng thống Mỹ Lyndon Jhonson ra lệnh không quân Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc nước ta từ vĩ tuyến 17- 20. Được Chính phủ Thái Lan cho phép, nhằm nâng cao hiệu quả đánh phá Mỹ cho nâng cấp căn cứ không quân Utapao, Udon và Ubon ở nước này, để B-52 từ đây đi đánh phá Việt Nam không phải tiếp dầu như khi xuất phát từ đảo Guam.
B-52 bị đặc công Việt Nam phá hủy tại sân bay Utapao. Ảnh: Tư liệu |
Phán đoán ý đồ của địch cùng với chủ trương địch xuất phát từ đâu ta có quyền đánh trả ngay sào huyệt của chúng, Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công giao cho Thượng tá Nguyễn Đức Trúng- Tham mưu trưởng binh chủng- chuẩn bị các phương án đánh B-52 của Mỹ tại các căn cứ ở Thái Lan nếu chúng từ đây đi ném bom Hà Nội.
Căn cứ đầu tiên được chọn là sân bay Utapao (cách Bangkok 190km), tại đây thường xuyên có 20 B-52 hoạt động.
Tháng 5/1971, chính trị viên Lê Toàn của Tiểu đoàn Đặc công biệt động IA cùng một tổ công tác nhận lệnh đến biên giới Campuchia- Thái Lan bắt liên lạc với cơ sở của ta ở đó thành lập một tổ chiến đấu để thực hiện nhiệm vụ này gồm: Trần Thế Lai, Bùi Văn Phương và Vũ Công Đài.
Việc chuẩn bị vũ khí, chất nổ và kế hoạch hành động, cách đánh cụ thể được tổ hoàn tất vào tháng 11 cùng năm. Việc đánh địch được tổ trưởng Phương cùng 2 chiến sĩ trong tổ khởi động vào lúc 19 giờ ngày 9/1/1972.
Quá trình đột nhập sân bay, họ 4 lần gặp địch, lần đầu và lần thứ 3 né tránh được còn lần thứ hai buộc phải nổ súng diệt 2 lính Mỹ và 1 chó nghiệp vụ, lần cuối khi chỉ còn cách B-52 khoảng 50m, họ phải tung lựu đạn vào một toán địch rồi lao vào dùng thủ pháo đánh các máy bay.
Trận này chỉ có Bùi Văn Phương thoát được ra ngoài, các đồng chí còn lại đều anh dũng hy sinh, đổi lại 8 chiếc B-52 bị phá hủy, một số tên địch bị diệt. Bọn chỉ huy Mỹ vẫn không biết làm cách nào bộ đội ta đánh được máy bay chúng tại đây.
Sân bay Udon được Binh chủng Đặc công chọn là mục tiêu thứ hai, từ tháng 7/1972, Đoàn A 54 cử 23 cán bộ chiến sĩ đến khu rừng Đôn-ka Thom ở ngã ba biên giới Campuchia- Lào- Thái Lan đặt sở chỉ huy để chuẩn bị đánh sân bay này.
Trải qua nhiều khó khăn do “rừng thiêng nước độc” và đường đến mục tiêu rất xa, cuối tháng 8/1972, đội hình chiến đấu gồm 10 người được lựa chọn do Đoàn trưởng A 54 Đào Đức Hạnh chỉ huy bắt đầu luồn rừng đến cơ sở của ta ở Thái Lan (căn cứ 07). Tại đây họ chuẩn bị mọi mặt lần cuối để đánh vào sân bay.
Đêm 1/10, nhóm chiến đấu gồm 8 người vào trận đánh, họ được chia làm 3 tổ: tổ 1 có 2 người làm nhiệm vụ mở cửa, tổ 2 có 4 người phá hủy máy bay, tổ 3 có 2 người đánh kho xăng, nhưng do đường xa khi cả nhóm tiếp cận được sân bay thì trời đã sáng đành phải chia nhau ẩn nấp để tối hành động.
Đêm 2/10, theo hiệp đồng 2 tổ chiến đấu đặt mìn xong thì rút ngay, nhưng tổ mở cửa đợi quá giờ mà chẳng thấy ai quay lại. Đến 10 giờ sáng ngày 3/10, tổ mở cửa và tổ đánh kho xăng mới gặp được nhau lúc này trong sân bay đã xảy ra vụ nổ, 4 người đánh máy bay vẫn chưa thoát ra được…
Địch ém nhẹm trận đánh này, rất lâu sau ta mới biết về 4 người trong tổ đánh máy bay: Phạm Xuân Kính, Phạm Văn Lâm và Vũ Công Xướng hy sinh trong sân bay, còn Nguyễn Khắc Nga bị thương nặng bị địch bắt. Về phía địch: 23 máy bay, 1 trạm điện, 1 kho xăng bị phá hủy.
Sân bay thứ 3 trên đất Thái Lan có B-52 là Ubon cũng không ngoại lệ, trước năm 1972 bộ đội đặc công ta đã 6 lần dùng mìn đánh phá sân bay này nên địch phòng bị rất cẩn mật.
Vì vậy, bộ phận được phân công đánh vào sân bay Ubon năm đó gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thiếu vũ khí để đánh địch theo tình hình thực tế đã điều nghiên vì đơn vị chỉ có súng bộ binh, thủ pháo và mìn.
Chính trị viên Tiểu đoàn IA Lê Toàn cùng đồng chí Nguyễn Bá Di bí mật sang Campuchia đề nghị Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở đây chi viện vũ khí, Tư lệnh Mặt trận Đồng Văn Cống đồng ý cung cấp cho đoàn 2 súng cối 82 ly cùng 2 cơ số đạn, 200 quả thủ pháo cùng một số quân dụng khác.
Ngày 2/7/1972, đội hình chiến đấu gồm 27 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn IA được thành lập chia làm 2 bộ phận, riêng bộ phận trực tiếp chiến đấu có 13 người, được trang bị 1 súng cối 82 ly và 40 quả đạn lên đường làm nhiệm vụ ngay.
Đường tiếp cận sân bay này quá vất vả nên khi gần đến nơi thì khẩu đội trưởng súng cối bị sốt cao, phải cắt bớt 2 người ở lại chăm sóc người bệnh, số còn lại vẫn quyết tâm tiếp tục lên đường.
Trận này ta pháo kích toàn bộ cơ số đạn cối vào sân bay nhưng chỉ có 35 quả nổ. Kết quả chỉ phá hủy được đài chỉ huy sân bay, xưởng sửa chữa máy bay và một số thiết bị sân bay. Tuy không ai bị thương vong khi đó, nhưng trên đường lui quân, bộ phận này bị địch phục kích khiến 6 chiến sĩ hy sinh.
Những trận đánh của bộ đội đặc công ta vào các sân bay trên đất Thái Lan đúng vào sào huyệt của B-52 diễn ra đúng thời điểm và đúng ý đồ được đánh giá có ý nghĩa chiến lược rất cao.
(*) Các bài có sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn
HỒNG VÂN- tổng hợp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin