Đối mặt với "siêu pháo đài bay" B-52

Kỳ 2: "Cẩm nang" đánh B-52 của bộ đội tên lửa

Cập nhật, 07:06, Thứ Ba, 25/12/2018 (GMT+7)

 

Ngay từ đầu năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, lực lượng phòng không của ta đã có 11 trung đoàn, trong đó có 3 trung đoàn được biên chế các phân đội rada; không quân cũng đã có 10 sân bay đang hoạt động.

Trung đoàn tên lửa phòng không 324 (mật danh H 36) là đơn vị có vinh dự được Bác Hồ đến thăm vào ngày 19/7/1965 và được nghe Bác khẳng định quyết tâm của Đảng- quân- dân ta: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng!”

Ngay sau khi đế quốc Mỹ đưa B-52 vào đánh phá ở miền Nam, trong phương án đánh B-52 của Quân chủng Phòng không- Không quân của ta thì binh chủng tên lửa được xác định là mũi chủ lực.

Một câu hỏi đặt ra của lực lượng là trong điều kiện thực tế chiến trường tên lửa SAM-2 (tức S-75 Dvina từng bị coi là “thế hệ 1 cổ lỗ”) có thể bắn rơi B-52 không và bằng cách nào khi chưa có tiền lệ? Ngày 24/7/1965, H-36 ra quân đánh trận đầu tiên bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F- 4C trên bầu trời Hà Tây, ngày hôm sau tiếp tục bắn rơi 1 máy bay trinh sát không người lái BQM 34A.

Chiếc F- 4C là máy bay tiêm kích phản lực hạng nặng tầm xa có bị tên lửa bắn rơi thì không lạ, nhưng chiếc BMQ 34A có độ bay cao hơn cả độ cao thông thường của B-52 khi ném bom là một câu trả lời thú vị cho câu hỏi trên: Bắn rơi B-52 có thể ở trong tầm tay lực lượng phòng không của ta!

Với niềm tin ấy, từ tháng 4/1966, bộ đội tên lửa làm theo lời Bác Hồ dạy: Trung đoàn tên lửa 238 gồm các tiểu đoàn: 81, 82, 83 và 84 từ Quảng Ninh, Hải Phòng hành quân hỏa tốc vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh để tìm cách đánh B-52 hiệu quả cao.

Việc cả một trung đoàn tên lửa với hàng trăm xe kéo các khí tài cồng kềnh, có xe dài hơn 10m, đến được tuyến lửa và vượt qua các thiệt hại, hy sinh để ẩn mình trụ lại chiến đấu trong điều kiện Không quân Mỹ có kế hoạch đánh phá liên tục để ngăn chặn tên lửa của ta xuống phía Nam lúc ấy có thể được xem là một kỳ tích.

Sau nửa năm kể từ tháng 3/1967, khi đã phóng đi nhiều quả tên lửa không đạt như yêu cầu thì đến 17 giờ 5 phút ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn tên lửa 84 đã bắn trúng một chiếc B-52 đầu tiên của trung đoàn này trên bầu trời Vĩnh Linh.

Cùng với chiến công đầu, đơn vị còn lập thêm một kỳ tích thứ hai là bước đầu làm được việc “vạch nhiễu tìm B-52” cũng bước đầu tìm ra cách phát hiện nhiễu đặc trưng của B-52 trong màng nhiễu dày đặc gây ra từ các loại máy gây nhiễu tiêu cực và tích cực của chính “siêu pháo đài bay (B-52)” và của các máy bay chiến thuật, máy bay gây nhiễu điện tử EB-66 bay kèm theo hộ tống B-52, khiến màn hình rada các loại của ta “bị mù” trắng xóa.

Như vậy, bước đầu chiếc “áo giáp điện tử” của B-52 đã bị ta phát hiện ra “lỗ thủng” và B-52 không còn là loại “máy bay tàng hình”, vì thế không còn “bất khả xâm phạm”như địch đã huênh hoang.

Từ kinh nghiệm thực tiễn bắn rơi B-52 ở Vĩnh Linh, tháng 8/1969, bản dự thảo “Cách đánh B-52” theo phương pháp 3 điểm T/T được hình thành (bộ đội hay gọi là “cẩm nang”) và sau đó cẩm nang này dần dần được bổ sung để hoàn thiện vào tháng 11/1972 qua các kinh nghiệm tác chiến khi chạm trán với B-52 của các đơn vị tên lửa, đặc biệt là của các trung đoàn: 236, 238, 275, 274 đánh B-52 trên chiến trường Trường Sơn (1969- 1971), ở Đường 9- Nam Lào và chiến dịch Trị- Thiên (1972)…

Nội dung của cẩm nang này là đúc kết kinh nghiệm xương máu và trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không- Không quân, được gói gọn trong cuốn sách dày 30 trang đánh máy có bìa màu đỏ (nên còn được gọi là “Cẩm nang bìa đỏ) về cách xác định B-52 trong môi trường nhiễu cực mạnh, cách chống tên lửa AGM-45 Shrike (tên lửa không đối đất của máy bay địch chống các đơn vị rada của ta), cách phát hiện những chiếc F-4 giả B-52 để đánh lừa bộ đội tên lửa…

Quan trọng là chỉ rõ các quy luật hoạt động và các mặt mạnh yếu của B-52 để khắc phục các thiếu sót của bộ đội tên lửa khi tiến công chúng.

Chính các thiếu sót này mà trong khoảng thời gian nói trên ta đánh 110 trận, bắn trúng 23 chiếc B-52 nhưng không có chiếc nào rơi tại chỗ, nên phía Mỹ không công khai thừa nhận, trừ chiếc B-52 bị Trung đoàn 236 bắn trúng ở phía Tây của Nghệ An ngày 22/11/1972, nó cố lê lết về sân bay Utapao (Thái Lan), nhưng chỉ đến được Nakhom Phanom cách đó 64km…

Cũng cần nói thêm rằng trí tuệ của bộ đội phòng không- không quân không chỉ đúc kết nên tuyệt kỹ “Cẩm nang bìa đỏ” mà còn ở chỗ khắc phục khó khăn về thiếu đạn tên lửa, do từ năm 1969 Liên Xô không còn viện trợ cho ta SAM-2.

Với số lượng dự trữ đến lúc đó, Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Phòng không- Không quân dự liệu sẽ thiếu đạn khi xảy ra trận chiến lớn với Mỹ, nhưng binh chủng tên lửa cũng có một thuận lợi là trong kho còn tồn vài ngàn quả SAM-2 củ kỹ do Liên Xô viện trợ từ lúc giúp miền Bắc chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất (1964- 1968).

Bằng sự sáng tạo, bộ đội tên lửa đã “hồi sinh” những quả đạn “quá đát” trên bằng cách kéo dài “tuổi thọ” của chúng thêm 48 tháng nữa để phục vụ các đơn vị tác chiến.

Còn có một sự chuẩn bị khác chứng tỏ tài thao lược của Bác Hồ. Đđầu năm 1968, khi quân dân miền Nam tiến hành tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân thì ở miền Bắc Bác Hồ đã giao cho Quân chủng Phòng không- Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích bằng máy bay B-52 vào Hà Nội- Hải Phòng.

Đến ngày 27/2/1968, kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ bảo vệ Hà Nội- Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không- Không quân hoàn thành.

Đến năm 1972, phương án này được bổ sung nội dung trở thành “Phương án tháng 5” và tiếp tục được bổ sung để thành “Phương án tháng 7”, rồi “Phương án tháng 9” và cuối cùng là “Phương án tháng 11”.

Trong phương án này, Quân chủng Phòng không- Không quân đóng vai trò chủ động và không để bị bất ngờ, phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung lực lượng bảo vệ Hà Nội, sử dụng tên lửa và không quân làm lực lượng chủ yếu đánh B-52.

Có sẵn “phương án” tác chiến, có “cẩm nang” được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm và có đủ SAM-2, các lực lượng ta, đặc biệt là lực lương tên lửa có thời gian khẩn trương rèn luyện theo tình hình thực tế của đơn vị.

Nhờ vậy, có đơn vị vừa về tăng cường cho trận địa Hà Nội như Tiểu đoàn tên lửa 72 (Trung đoàn 285) đã có một chiến công “vô tiền khoáng hậu”: bắn rơi tại chỗ một B-52 khi nó chưa kịp gây tội ác, chiếc máy bay nặng 220 tấn này bốc cháy rừng rực trên bầu trời Hà Nội mang theo 30 tấn bom chưa kịp ném lao thẳng xuống làng hoa Ngọc Hà, hàng trăm quả bom chưa nổ văng tung tóe trên đường Hoàng Hoa Thám (ảnh).

Cũng có đơn vị khi vào trận chưa một lần chạm trán với B-52 như 2 trung đoàn tên lửa 257 và 261 cũng bắn rơi được B-52 góp phần làm nên “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” vào cuối tháng 12/1972.

Mấy ngày sau khi “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” kết thúc thắng lợi, tại hội trường của Quân chủng Phòng không- Không quân, trước đông đảo cán bộ của quân chủng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giơ cao cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” nói: “Chúng ta đánh thắng B-52 Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này”.

(Mời xem kỳ sau trên VLCN)

HỒNG VÂN- tổng hợp