Không nên mở rộng hình thức tố cáo bằng bản fax, thư điện tử và điện thoại

Cập nhật, 19:59, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Ngày 24/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Đóng góp cho dự án luật, các đại biểu, đề nghị quy định cụ thể về thời gian xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo đã được kết luận và thời gian xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tố cáo để tránh tình trạng dây dưa kéo dài gây bức xúc cho người tố cáo hoặc người bị tố cáo và gây dư luận xấu cho xã hội.

Về những hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị quy định chế tài cụ thể cho các trường hợp vi phạm mới có tác dụng tốt trong việc động viên những người tố cáo đúng và ngăn chặn những trường hợp lợi dụng tố cáo để bôi xấu chế độ, bôi nhọ danh dự của người khác.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ các điều kiện và thủ tục xin lỗi, cải chính công khai của người tố cáo, người giải quyết tố cáo không đúng với người bị tố cáo.

Đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung cụ thể cấp độ an toàn của đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bảo vệ, thời gian bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin tố cáo.

Trong dự thảo lần này, luật đã bổ sung các hình thức tố cáo mới gồm tố cáo bằng bản fax, thư điện tử và tố cáo qua điện thoại, theo đó đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên 2 hình thức tố cáo của Luật Tố cáo hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Bởi lẽ, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét và việc xác minh trách nhiệm của những người tố cáo sai sự thật.

Và nếu tố cáo đã được thực hiện thông qua thư điện tử, bản fax, điện thoại thì trong nhiều trường hợp khó xác định được người tố cáo là ai, đồng thời cũng có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác.  

TÂM- HUỲNH