Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện lòng tri ân đối với những người con đã hy sinh cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện lòng tri ân đối với những người con đã hy sinh cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng với lượng thông tin ít ỏi về mộ liệt sĩ, địa hình nơi nghi vấn có mộ liệt sĩ hiểm trở hoặc đã thay đổi so với thời chiến tranh, nên để bắt tay vào việc tìm kiếm, quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ trang trọng tại các nghĩa trang là cả một quá trình đòi hỏi nhiều công sức, vượt qua nhiều gian nan.
Việc tìm kiếm, quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ được tỉnh Vĩnh Long tổ chức chu đáo, trang nghiêm. |
Tìm kiếm, quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ
Theo BCĐ quốc gia về tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là BCĐ 1237), từ năm 2012 đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập hơn 8.000 hài cốt liệt sĩ.
Đồng Nai, Quảng Trị và các tỉnh thuộc Quân khu 4, Quân khu 9 được đánh giá là đã chủ động khai thác, xử lý thông tin và tìm kiếm được nhiều khu mộ tập thể, giúp quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ.
Các địa phương này đã tổ chức lực lượng trực tiếp xuống cơ sở, tiếp nhận được nhiều thông tin có giá trị và tổ chức đối chiếu, xác minh, hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sĩ.
Từ chương trình “Đi tìm đồng đội”, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành cơ bản việc giải mã trên 208.000 thông tin đơn vị quân đội trong chiến tranh, cập nhật gần 300.000 hồ sơ liệt sĩ.
Bộ cũng tổ chức tập huấn toàn quân về rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và hướng dẫn sử dụng, quản lý phần mềm cơ sở dữ liệu về liệt sĩ.
Từ đầu năm đến nay, Ban Chính sách (Phòng Chính trị- Bộ Chỉ huy Quân sự) đã tham mưu cho cơ quan thường trực BCĐ 1237 tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát được 5 hài cốt liệt sĩ. Qua đó, đã tổ chức quy tập được 2 hài cốt liệt sĩ ở xã Hòa Bình (Trà Ôn) và xã Bình Ninh (Tam Bình). |
Riêng Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã thu thập trên 36.000 thông tin về liệt sĩ, trên 2.000 phiếu cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ.
Tại hội nghị sơ kết công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ (giai đoạn 2016- 2017) trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 9, Thiếu tướng Phạm Văn Chua- Phó Chính ủy, Trưởng BCĐ 1237 Quân khu- cho biết, các địa phương đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân tổ chức tìm kiếm, quy tập được 371 hài cốt liệt sĩ.
Riêng việc tìm kiếm hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia đã được các đội chuyên trách của quân khu tiến hành thường xuyên, giúp tìm kiếm và quy tập được 267 hài cốt liệt sĩ (trong đó 7 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính).
Cần thêm nhiều thông tin mộ liệt sĩ
Theo BCĐ 1237 Trung ương, lực lượng chuyên trách công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến nay đã được củng cố, bổ sung cả về nhân lực lẫn phương tiện.
Quá trình đón nhận, bàn giao và an táng hài cốt liệt sĩ được thực hiện chu đáo, trang nghiêm, đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán từng địa phương.
Song, theo Hội Cựu chiến binh Việt Nam, vấn đề khó khăn nhất là thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng hiếm hoi hoặc nơi có thông tin về mộ liệt sĩ nằm ở khu vực địa hình hiểm trở, còn sót lại nhiều bom, mìn,...
Vì vậy, có không ít trường hợp các đội tìm kiếm chuyên trách tổ chức nhiều đợt thăm dò, tìm kiếm mộ liệt sĩ trên diện tích rộng, khối lượng đất đá đào xúc lớn nhưng chưa có kết quả.
Một phần là do việc quản lý, lưu trữ thông tin về liệt sĩ còn thủ công nên kết quả tìm kiếm chưa được như mong muốn.
Theo ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long, trong kháng chiến, có thời điểm Vĩnh Long trở thành chiến trường chủ lực của quân khu nên sự hy sinh là vô cùng lớn.
Có trường hợp bộ đội vừa được chi viện vào chiến trường hôm trước thì hôm sau đã hy sinh, nên hầu như không có chút thông tin nào về tên tuổi, quê quán.
Nhiều nhân chứng trước đây từng chôn cất bộ đội nhưng đã mất hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nên việc thu thập thông tin không phải dễ.
Theo kết quả khảo sát giữa Hội Cựu chiến binh với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có 16.225 liệt sĩ, trong đó có 10.052 mộ liệt sĩ nằm trong các nghĩa trang và 1.464 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Vũng Liêm, Tam Bình và Mang Thít là những địa phương đã ghi nhận được nhiều thông tin chính xác về phần mộ liệt sĩ.
Việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thời gian qua đã được lồng ghép với chương trình tổng rà soát thực hiện chính sách người có công với cách mạng.
Các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh cũng từng bước hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ đang quản lý, xác định danh sách liệt sĩ của từng đơn vị trong chiến tranh.
Ông Võ Văn Lùng cho rằng, để thực hiện tốt đề án tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thì cần nâng cao vai trò lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong việc vận động nhân dân cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ.
Quá trình thu thập thông tin, đến tìm kiếm và quy tập phải thực hiện thật nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể.
Mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và bản đồ tìm kiếm, quy tập. Phấn đấu quy tập được 60% hài cốt liệt sĩ có thông tin, hoàn thành cơ bản việc tìm kiếm và quy tập ở nước ngoài. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin