Bạn trẻ và văn hóa ứng xử

Cập nhật, 11:19, Thứ Sáu, 05/05/2023 (GMT+7)
Ứng xử văn hóa từ những việc làm đơn giản nhất.
Ứng xử văn hóa từ những việc làm đơn giản nhất.

Văn hóa ứng xử của người trẻ là vấn đề chưa bao giờ cũ. Bởi, thực tế xung quanh vẫn có không ít bạn trẻ có những hành vi ứng xử một cách phản cảm, lệch chuẩn…

Ứng xử “chưa đẹp”

Hiện nay, bên cạnh những bạn trẻ sống có lý tưởng, trách nhiệm, ứng xử tích cực thì vẫn có một bộ phận thanh niên vẫn còn hành vi ứng xử thiếu văn hóa.

Chẳng hạn như văng tục, chửi thề, cười nói to tiếng hành động kém văn minh nơi công cộng; không thực hiện xếp hàng khi đến sau. Rồi sau những chương trình văn nghệ, đá bóng, liên hoan, dễ thấy đồ ăn thức uống, túi nilon vương vãi… do các bạn xả mà chẳng chút ngại ngùng.

Chị Trần Phương Linh (Phường 9, TP Vĩnh Long) cho hay, vào những giờ cao điểm chị hay bắt gặp người trẻ tham gia giao thông nhưng không đi đúng làn đường.

Cứ chỗ nào trống là họ lấn tới, còn phóng nhanh vượt ẩu bất chấp đèn giao thông đã bật tín hiệu màu đỏ. Những lúc đi siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hay qua phà, chị cũng hay gặp người trẻ “dù đi sau nhưng vẫn muốn đến trước”.

Hay nhiều cô, cậu trẻ vào quán nước, rạp phim thản nhiên gác chân lên bàn mặc những cái nhìn khó chịu của những người xung quanh...

“Những chuyện này không xa lạ gì trong bộ phận giới trẻ ngày nay. Vấn đề là những chuyện không đẹp như vậy đáng lẽ các bạn trẻ phải tự giác tránh xa để bản thân không bị vương tiếng xấu”- chị nói.

Còn anh Nguyễn Thế Vinh (Phường 3, TP Vĩnh Long) thì cho hay, anh đã nhiều lần bắt gặp hình ảnh hotgirl ăn mặc “tiết kiệm vải” ở chốn đông người.

Nhiều bạn còn vô lễ với người lớn, không biết cảm ơn khi được giúp đỡ hay xin lỗi khi mình sai. Đã vậy, không ít người trẻ đua xe, lạng lách; phá hoại, bôi bẩn các công trình công cộng…

Theo anh, vấn đề đó không còn là chuyện lạ vì “thường gặp mà”. Thậm chí anh còn bắt gặp nhiều trường hợp con cái chửi bới cha mẹ; không hiếm trường hợp sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn… “Điều đó đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của giới trẻ hiện nay”- anh nói.

Sự phát triển của công nghệ giúp cho giới trẻ được tiếp xúc, thể hiện sự năng động, nhạy bén trong việc tiếp thu cái mới. Tuy nhiên, điều đó cũng ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay.

Và thực tế, đã có rất nhiều bạn tự biến mình trở nên xấu xí vì những hành vi ứng xử “chưa đẹp”. Nhất là khi mạng xã hội phát triển, nhiều bạn trẻ chọn cách “sống ảo”, phát ngôn gây sốc, dùng hình ảnh phản cảm để thể hiện bản thân.

Thường xuyên sử dụng mạng xã hội, bạn trẻ Phạm Quốc Đông- sinh viên ngành Kế toán, cho biết rất hay bắt gặp những lỗi mà rất nhiều bạn trẻ đang mắc phải như: chia sẻ thông tin, hình ảnh thiếu kiểm chứng; chạy theo các trào lưu tiêu cực, thích “ném đá” hội đồng…

“Hiện đại, năng động, tiếp thu cái mới rất nhanh, rất giỏi là những đặc điểm dễ nhận biết của người trẻ. Thế nhưng, thật đáng buồn khi vẫn có không ít người kém ý thức trong đời thực lẫn trên không gian mạng”- Quốc Đông bày tỏ.

Định hướng văn hóa ứng xử cho người trẻ

Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh, nhận định người trẻ đa số ứng xử có văn hóa.

Tuổi trẻ hôm nay đã và đang có những việc làm, hành động ứng xử văn hóa, nhân văn.
Tuổi trẻ hôm nay đã và đang có những việc làm, hành động ứng xử văn hóa, nhân văn.

Bởi văn hóa không phải là thứ bất biến mà được kế thừa và phát huy từ hàng ngàn năm văn hiến, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: tinh thần hiếu học, ái quốc, cần cù lao động, tương thân tương ái…

Kế thừa những truyền thống ấy, thế hệ trẻ hôm nay đã và đang có những việc làm, hành động ứng xử văn hóa, nhân văn. Đó là những học sinh, sinh viên điển hình trong học tập với những thành tích xuất sắc và gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế.

Không ít bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ những nan gian, biết nắm bắt khoa học công nghệ. Có biết bao thanh niên đã có những hành động tình nguyện cao đẹp đóng góp cho cộng đồng, nhất là trong đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ…

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những biểu hiện trong ứng xử còn “chưa đẹp” cần thay đổi ở người trẻ như: ăn mặc hở hang, phản cảm khi đến những nơi cần sự tôn nghiêm, tôn trọng; chen lấn xô đẩy khi tham gia các sự kiện đông người; xả rác bừa bãi; nói tục, chửi thề.

Đặc biệt, tham gia mạng xã hội quá đà, các bạn đã gia nhập vào những nhóm tiêu cực, xúc phạm người khác, dùng những từ ngữ thiếu văn hóa và có những hành động thiếu
suy nghĩ…

Để khắc phục những hiện tượng lệch chuẩn, cách ứng xử thiếu văn hóa, ông Lê Thanh Hiền cho biết, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc và nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử để ứng xử đạt chuẩn mực văn hóa.

Bên cạnh, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, văn hóa gia đình và xã hội; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đề cao vai trò trách nhiệm của gia đình trong nuôi dưỡng giáo dục trẻ em và thanh thiếu nhi cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức và kỹ năng ứng xử văn minh; tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và xây dựng, nhân rộng các gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau…

Các cấp bộ đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Đặc biệt, tập trung triển khai Quyết định số 1299 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; Quyết định 1426 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 311 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh

Bài, ảnh: CẨM HUỆ