Lệch chuẩn ngôn ngữ giao tiếp trên mạng xã hội

10:03, 21/03/2023

Trên mạng xã hội, một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ "chat" với tiếng lóng, từ vay mượn từ nước ngoài, thậm chí "sáng tạo" nên những cụm từ làm cho ngôn ngữ bị biến tướng gây phản cảm. Đặc biệt những tiếng lóng "18+" được người dùng trẻ tuổi, thậm chí là trẻ con đang sử dụng một cách vô tư.

Nếu gõ từ tiếng lóng, sẽ có hàng loạt video 18+ có cả triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Nếu gõ từ tiếng lóng, sẽ có hàng loạt video 18+ có cả triệu lượt xem trên mạng xã hội.

(VLO) Trên mạng xã hội, một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ “chat” với tiếng lóng, từ vay mượn từ nước ngoài, thậm chí “sáng tạo” nên những cụm từ làm cho ngôn ngữ bị biến tướng gây phản cảm. Đặc biệt những tiếng lóng “18+” được người dùng trẻ tuổi, thậm chí là trẻ con đang sử dụng một cách vô tư.

Đáng báo động tiếng lóng của giới trẻ

Thỉnh thoảng lên mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram… nhiều phụ huynh hoang mang không hiểu rõ những bạn trẻ đang nói với nhau điều gì.

Những từ như “khum, lemòn, chằm Zn, géc gô”… là những từ lóng được các bạn trẻ sử dụng phổ biến. Đáng lo ngại hơn, nội dung 18+ xuất hiện tràn lan mà đôi khi phụ huynh không hiểu được ý nghĩa của nó.

Ví dụ như từ “sẽ gầy”- có nghĩa là sex gay- quan hệ tình dục đồng tính; “dầu gió” là một loại thuốc kích dục, thường được bán dưới dạng thuốc đóng chai để ngửi hoặc dạng nước hoa.

Nếu những từ lóng này không đặt trong ngoặc kép, sẽ không ai suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa của nó bởi lẽ đây là những từ phổ thông có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.

Nhưng khi nhập các từ lóng này vào ô tìm kiếm trên TikTok, kết quả trả về là hàng loạt video 18+, video có nội dung đồi truỵ... có video thu hút hàng triệu lượt xem.

Trong tham luận tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2022, tác giả Nguyễn Văn Khang cho biết, ngôn ngữ giới trẻ (tiếng lóng) là loại ngôn ngữ mang tính nhóm xã hội.

Khi xã hội tồn tại các nhóm thì đương nhiên có ngôn ngữ của các nhóm đó, cư dân mạng thì sẽ có ngôn ngữ mạng, sinh viên sẽ có ngôn ngữ của sinh viên…

Tiếng lóng được phát triển mạnh ở giới trẻ và hiện tượng này xảy ra ở tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Ở Mỹ người ta gọi tiếng lóng là “ngôn ngữ đường phố”. Và có người đùa rằng muốn trẻ lại hãy nói tiếng lóng thật nhiều.

Cần sự chung tay của cả xã hội để người trẻ yêu quý và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Cần sự chung tay của cả xã hội để người trẻ yêu quý và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Nguyên nhân sự ra đời của những ngôn ngữ mạng này về mặt khách quan như xu hướng đổi mới, trào lưu xã hội, sự bùng nổ của internet.

Còn về mặt chủ quan, các bạn trẻ muốn tìm cho mình một sự khác biệt và mới lạ. Ngôn ngữ của giới trẻ được đa phần sử dụng ngoài tiếng mẹ đẻ còn đến từ tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Những từ mang nguồn gốc tiếng Anh đã được du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ đón nhận nhanh chóng. Phổ thông nhất trong tiếng Anh là từ “Goodnight” được các bạn trẻ viết tắt là “G9” mang ý nghĩa chúc ngủ ngon.

Nhiều thuật ngữ được giới trẻ sử dụng nhiều trong thời gian gần đây như: Livestream (truyền hình trực tiếp); check in (chụp ảnh); chill (thư giãn); S.O.S (giải cứu)… Ngoài những từ ngữ đó, giới trẻ còn sử dụng kết hợp cả tiếng Việt và tiếng Anh như: phí ship, camera chạy bằng cơm, lập team…

Ngôn ngữ giới trẻ ở Việt Nam cũng có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc được dịch sang Hán Việt đã trở thành trào lưu.

Nó xuất phát từ những bộ phim hoặc những clip ngắn được đăng tải trên các trang mạng xã hội, ví dụ như “tiểu tam”, “trà xanh”- chỉ những người thứ 3 trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa.

Còn rất nhiều từ được sử dụng phổ biến như: Bing chilling (phiên âm từ tiếng Trung Quốc của từ “cây kem”), cẩu lương, phong sát…

Cần thận trọng, sử dụng đúng cách

Ở góc độ xã hội học, ThS. Đỗ Đức Long cho biết, giới trẻ sử dụng thường xuyên tiếng lóng không chỉ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng cũng như khi thể hiện văn bản, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc.

Và rất có thể nó sẽ tạo ra những thể thức ngôn ngữ mới và ảnh hưởng ngay cả trong văn viết chứ không phải chỉ ở văn nói.

Hiện vẫn chưa có chế tài hay nghị định nào xử phạt về việc sử dụng những từ lóng phản cảm. Vì đây không phải là một hành vi cụ thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến bất kỳ cá nhân nào tuy nhiên nó lại ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Điều mới, sự sáng tạo ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần được ghi nhận và khuyến khích. Tuy nhiên, những hiện tượng đó phải phù hợp với thước đo chuẩn mực, đạo đức, giữ gìn văn hóa dân tộc.

Để giảm bớt những tác động tiêu cực đến thói quen sử dụng ngôn ngữ, góp phần định hướng cho thế hệ trẻ khi nói và viết tiếng Việt, bên cạnh sự chung tay của cả xã hội, rất cần đến sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học, đội ngũ giáo viên, các đơn vị có trách nhiệm trong việc bảo vệ, xây dựng giá trị, chuẩn mực văn hóa cho cộng đồng.

Phụ huynh nên quan tâm trò chuyện, hiểu con cái nhiều hơn, thầy cô cũng sát sao uốn nắn giúp thế hệ trẻ sử dụng tiếng Việt chính xác.

Bên cạnh đó, cần phải xử phạt triệt để những cá nhân dùng những từ lóng, hình ảnh 18+ để thu hút sự chú ý, xây dựng hình ảnh một cách thiếu thẩm mỹ, đạo đức, trái thuần phong mỹ tục.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh