Học để thoát nghèo

07:10, 23/10/2015

Sống trong hoàn cảnh khó khăn, các em đã cố gắng vươn lên vượt khó, đậu vào ĐH, nuôi nấng ước mơ dùng con chữ để thoát nghèo.

Sống trong hoàn cảnh khó khăn, các em đã cố gắng vươn lên vượt khó, đậu vào ĐH, nuôi nấng ước mơ dùng con chữ để thoát nghèo.

Cuối tuần, Chúc Quỳnh và bà ngoại nhận hàng về làm kiếm thêm thu nhập.
Cuối tuần, Chúc Quỳnh và bà ngoại nhận hàng về làm kiếm thêm thu nhập.

 “Con” của ông bà ngoại

Cha bỏ đi khi Hồ Đặng Chúc Quỳnh xã Phú Quới (Long Hồ) mới 3 tháng tuổi. Lên 4, mẹ Quỳnh cũng bước thêm bước nữa. Quỳnh cười hồn nhiên: “Từ nhỏ em cứ gọi bà ngoại là mẹ và gọi mẹ bằng chị Hai”. Đến những năm học tiểu học, Quỳnh mới biết chị Hai chính là mẹ của mình.

Trong căn nhà đơn sơ, có 1 cái bàn và 1 cái tivi cũ, Quỳnh với ông bà ngoại sinh sống hơn 18 năm nay.

Cô Phạm Thị Duyên- ngoại Chúc Quỳnh- cho biết: Từ khi mới lọt lòng, nó đã sống cùng vợ chồng tôi. Vui buồn gì bà cháu cũng chia sẻ cho nhau. Tội nghiệp, từ nhỏ đến giờ nó không giận hờn, trách móc gì cha mẹ nó hết. Gia đình mẹ nó cũng nghèo không giúp đỡ được gì cho con. Nó biết nhà nghèo cũng chưa từng đòi mua 1 món gì cho mình”.

Ngày Quỳnh đậu vào Trường ĐH Đồng Tháp, ngành sư phạm mầm non cả nhà vừa mừng vừa lo. Mừng vì nguyện vọng bấy lâu nay của cả nhà đã thành hiện thực.

Lo vì không biết có thể xoay xở để cho cháu học tập được hay không. Cô Duyên nói: “Dù học sư phạm không phải đóng học phí nhưng cũng có rất nhiều thứ phải lo từ ăn uống đi đứng đến sách vở, quần áo”.

Ông bà ngoại Chúc Quỳnh đều gần 60 tuổi, gia đình thuộc hộ cận nghèo không có đất sản xuất. Ông ngoại Quỳnh làm tạp vụ cho một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Phú, thu nhập mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng.

Bà ngoại trước đây cũng làm công nhân nhưng khi hay tin cháu đậu ĐH thì khăn gói cùng cháu đi Đồng Tháp vừa làm phục vụ quán cơm vừa nuôi cháu.

“Sáng 6 giờ có mặt đến xế chiều thì được 30.000đ. Không đủ sống nhưng ít ra cũng đỡ cho 2 bà cháu”. Những khoản chi phí đầu năm học, tiền trọ, tiền sách vở,… đã ngốn hết vài triệu dành dụm của gia đình. “Món ăn thường xuyên của em với ngoại là trứng vịt và rau”- vừa nói Quỳnh vừa chỉ bọc 30 trứng vịt đã được gói ghém sẵn chuẩn bị cho sáng sớm mai lên đường.

Mai đây, hai bà cháu lại lên đường- con đường nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo của Quỳnh, của ngoại. Cô Duyên cười: “Tôi thường ước ao nhìn thấy cháu tôi mặc áo dài, thướt tha bên học trò”.

Học cho cả nhà

Đến xã Trà Côn (Trà Ôn), chúng tôi có dịp gặp gỡ và tìm hiểu về hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Huỳnh Như- sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Anh- ĐH Sài Gòn. Căn nhà nhỏ bé, xiêu vẹo chỉ có vỏn vẹn bức tường nhỏ chưa tô làm bình phong phía trước, trông lẻ loi giữa những mái nhà tường mới xung quanh chợ Trà Ngoa.

Mẹ Như- cô Trần Thị Lệ Hằng- cười hiền khô: “Miếng đất cặp lộ này của ông bà ngoại Như cho ở nhờ đó”. Chú Nguyễn Thanh Hùng gác lại công việc rửa xe với đôi tay hơi run, giải thích: “6 năm trước, tôi làm công nhân rồi bị tai biến nên tay chân nó mới ỉu xìu vầy. Bây giờ, tôi rửa xe mỗi ngày được chừng 30.000đ”.

Về nhà, Huỳnh Như không quên mang theo giáo trình để học.
Về nhà, Huỳnh Như không quên mang theo giáo trình để học.

 Mỗi ngày, cô Hằng đi phụ quán cháo trong chợ được 50.000đ. Nhìn đôi bàn tay thô ráp mới hiểu được những vất vả mà cô Hằng đang gánh để lo cho con đi học. Ngoài giờ làm ở tiệm, cô Hằng nhận hột điều về làm kiếm thêm thu nhập và: “Cô mới vay 12 triệu đồng mua 2 con dê cái này, phần này cũng dành cho con Như đi học”.

Mái nhà lá đơn sơ đã cũ nát vì 6 năm rồi chưa có tiền sửa chữa. Những chỗ dột nát, chú Hùng dùng cao su che tạm. Như nói: “Ngày lên Sài Gòn nhập học, em chỉ dám mua 1 đôi giày thể dục thôi, vậy mà đúng 1 tháng, ngoài học phí em tốn gần 3 triệu đồng rồi”.

Cô Hằng ngồi nhẩm tính: Tiền trọ, điện nước hết 750.000đ, tiền ăn, tiền sách vở, tiền đi lại, tiền chi tiêu trong nhà,... trăm thứ tiền với tổng số tiền kiếm được của vợ chồng cô khoảng 2,5 triệu/tháng, làm sao cho Như đi học?

Như nói: “Em đang làm thủ tục vay vốn học sinh sinh viên để tiếp tục đi học. Em cũng đã xin làm thêm ở một cửa hàng bán gà rán vào buổi tối”.

Khi chúng tôi ra về, cô Hằng đi mượn tiền cho Huỳnh Như lên Sài Gòn. Cô cười, nói: “Nó học cho cả nhà, bù cho cả cô và ba nó, khó khăn đến mấy cô chú cũng sẽ lo cho con đi học đến cùng”.

 

Hồ Đặng Chúc Quỳnh và Nguyễn Thị Huỳnh Như là 2 trong số 20 học sinh của tỉnh Vĩnh Long được nhận “Tiếp sức đến trường năm 2015” của Báo Tuổi Trẻ. Mỗi suất học bổng là 7 triệu đồng. Có hơn 225 suất học bổng dành cho sinh viên vượt khó các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL và lễ trao học bổng diễn ra vào đêm 24/10 tới tại TP Cần Thơ.

 

Bài, ảnh: HUYỀN NHI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh