Không ngại khó vươn lên làm kinh tế giỏi

Cập nhật, 06:14, Thứ Sáu, 16/10/2015 (GMT+7)

Những thanh niên làm kinh tế giỏi năm 2015 là những bông hoa tiêu biểu cho lớp thanh niên không chấp nhận đói nghèo, không chịu bỏ cuộc, biết vươn lên trong cuộc sống bằng chính đôi tay của mình. Với họ, thanh niên phải có ý chí vượt khó, có khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Vượt qua khó khăn làm kinh tế hiệu quả

Đến xã Thuận An (TX Bình Minh) hỏi thăm anh Đặng Hồng Sơn, bà con đều có chung câu trả lời: Sơn là thanh niên biết vượt khó phát triển kinh tế gia đình từ đôi tay của mình.

Gặp anh trong căn nhà mới khang trang còn thơm mùi vôi mới, anh kể: Vì trách nhiệm thanh niên, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, anh trở về nhà và bắt đầu chăm lo kinh tế gia đình đỡ đần cho cha mẹ.

Nhờ không ngại khó, ngại khổ mà anh Sơn (bên phải) đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên.
Nhờ không ngại khó, ngại khổ mà anh Sơn (bên phải) đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Khi mới về, anh theo gia đình trồng lúa. Thấy cuộc sống vẫn bấp bênh nên anh quyết định tìm lối đi khác. Qua học hỏi kinh nghiệm, anh quyết định trồng nấm rơm, vì chi phí ít lợi nhuận cao, ít tốn công.

Nghĩ thì dễ nhưng bắt tay vào làm, anh đã gặp không ít khó khăn vì chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm. Thêm nữa, nguyên liệu mua cao mà đầu ra giá lại thấp... Anh cho biết những vụ thu hoạch nấm đầu tiên anh coi như “làm không công”. Những vụ tiếp theo, lợi nhuận không cao, có khi thâm hụt vốn liên tục. Thất bại nhưng anh có được kinh nghiệm, cộng thêm được hỗ trợ kỹ thuật từ Phòng Nông nghiệp- PTNT nên việc trồng nấm dần hiệu quả.

Theo anh, nếu trồng nấm rơm thì cần siêng năng, chịu khó chăm sóc từ khâu thu gom rơm rạ cho đến xử lý, tưới nước. Đặc biệt, không phải phun thuốc, chỉ cần mỗi ngày tưới nước một lần vào buổi chiều. Giờ đây, gia đình anh trồng nấm quanh năm.

Mùa nghịch, anh đi mua rơm đồng xa hoặc mướn đất trồng tại chỗ. Đến nay, gia đình anh đã mở rộng diện tích trồng nấm với 100 công rơm và thuê thêm nhân công. Việc trồng nấm rơm đã giúp gia đình anh tích lũy được khoảng 340 triệu/năm.

Anh chia sẻ: “Thanh niên làm kinh tế phải không ngại khó ngại khổ, biết học hỏi kinh nghiệm và đặc biệt không sợ thất bại, có như vậy thì mới hiệu quả”.

Áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất

Anh Lợi (trái) chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế tại buổi tuyên dương.
Anh Lợi (trái) chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế tại buổi tuyên dương.

Gặp anh Nguyễn Văn Lợi (xã Thành Trung- Bình Tân) tại buổi tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi năm 2015, anh chia sẻ: “Trước đây gia đình gặp khó khăn, học xong cấp 2 tôi phải nghỉ học”.

Tuổi trẻ với nhiều khát vọng vươn lên, dám nghĩ, dám làm nên anh đã bắt đầu phát triển kinh tế theo hướng riêng của mình. Chỉ với 3.000m2 đất, anh sử dụng 1.000m2 để trồng cỏ nuôi bò, còn lại luân canh 1 vụ lúa- 2 vụ khoai. “Có thể nói đây là bước đột phá. Bởi đưa màu xuống ruộng vừa giúp đất tươi tốt hơn, giảm chi phí cải tạo đất mà cho thu nhập cao”- anh nói.

Chí thú làm ăn lại biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên chỉ với 2 công đất mà anh luôn thu lãi cao. Nhờ vậy mà anh gặt hái được “quả ngọt”, thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, thêm bán dây khoai khoảng 20 triệu đồng. Đó là chưa kể xin vay vốn mua 2 con bò, giờ đàn bò của gia đình đã tới 5 con, trị giá gần 100 triệu đồng.

Anh Lợi phấn khởi chia sẻ: Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, học hỏi kinh nghiệm mà tôi mạnh dạn nhân rộng mô hình, còn giúp đỡ đoàn viên thanh niên trong ấp cùng vươn lên thoát nghèo.

Làm giàu trên đất quê hương

Anh Cường cho rằng, nếu có quyết tâm thì sẽ làm kinh tế đạt hiệu quả cao.
Anh Cường cho rằng, nếu có quyết tâm thì sẽ làm kinh tế đạt hiệu quả cao.

Sinh ra trong gia đình làm nông, anh Nguyễn Tấn Cường (xã Lộc Hòa- Long Hồ) luôn ấp ủ mơ ước làm giàu ngay trên đất quê mình. Sau khi học trung cấp ngành điện công nghiệp, anh quyết định trở về quê để lập nghiệp, nên đi tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả ở nhiều nơi để tìm tòi học hỏi.

Năm 2007, anh mạnh dạn chuyển 15 công ruộng sang nuôi cá thịt kết hợp với nuôi heo, bò, gà. Lên bờ bao, đào ao nuôi cá, xây dựng chuồng trại… Sau một năm chăn nuôi, do chưa có nhiều kinh nghiệm cộng thêm dịch bệnh nên anh chỉ lãi khoảng 40 triệu đồng.

Vậy là lại học hỏi, rút kinh nghiệm, trang bị thêm những kiến thức chăn nuôi cũng như tìm loại giống mang lại hiệu quả cao. Áp dụng tiêm ngừa để phòng bệnh trên gia súc, gia cầm. Cải tạo lại vườn tạp để trồng nhãn da bò, kết hợp nuôi 200 gà thả vườn... Thế nhưng, do giá cả biến động cả năm cũng chỉ lãi khoảng 50 triệu đồng.

Quyết tâm vượt khó, không nản chí, anh lại tiếp tục chăn nuôi, chăm sóc vườn… Kết quả, hàng năm anh đã thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Anh Cường bày tỏ: Trước đây, tôi quyết định về quê làm kinh tế là đúng. Bởi nếu như có quyết tâm và cố gắng hết mình thì việc gì cũng mang lại kết quả cao.

Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ cùng với ý chí quyết tâm, những thanh niên ấy đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, vừa góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: CHI ĐOÀN