Trẻ dậy thì sớm điều cần quan tâm

Cập nhật, 10:53, Thứ Sáu, 21/04/2023 (GMT+7)
Phụ huynh cần tạo thói quen vận động, tham gia hoạt động thể thao cho trẻ từ sớm.
Phụ huynh cần tạo thói quen vận động, tham gia hoạt động thể thao cho trẻ từ sớm.

(VLO) Dậy thì sớm hiện đang là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm và có xu hướng ngày càng gia tăng. Trẻ dậy thì sớm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cũng như tâm lý của trẻ khi trẻ chưa đủ nhận thức để tự bảo vệ mình.

Cảnh báo trẻ dậy thì sớm

Chị N.T.N.K. (Phường 9, TP Vĩnh Long) cho biết: Con gái chị hồi học mầm non cao hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Anh chị cứ nghĩ do ba mẹ cao nên con sẽ theo gien cao là bình thường. Song, sang học kỳ 2 của lớp 2, con gái tăng cân, cao 1,38m và nặng 40kg, tuyến vú bắt đầu phát triển.

“Tự nhiên tôi thấy cơ thể con phát triển rất nhanh, to cao hơn các bạn cùng lứa, ngực cũng bắt đầu phát triển.

Tôi nghĩ do con ăn nhiều nên tăng cân và không mấy lo lắng. Nhưng có người bạn khuyên tôi nên cho con đi khám vì thấy con có dấu hiệu dậy thì sớm.

Tôi đưa con khám ở bệnh viện nhi đồng bác sĩ xét nghiệm, chụp X-quang kiểm tra tuổi xương, siêu âm bụng, khám chẩn đoán con bị dậy thì sớm”, chị N.K. khá bất ngờ với thông tin này và cho biết thêm: “Con được chỉ định tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinh dục thứ phát.

Cứ 1 tháng/lần, chị K. đưa con đến bệnh viện để tiêm hormone. Sau nửa năm điều trị, chị K. nhận thấy con không còn phát triển nhanh như trước nữa.

Khi con gái có dấu hiệu dậy thì sớm, chị N.H.D. (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) không biết để đưa con đi khám và can thiệp kịp thời. Khi con gái học lớp 3, nhìn con “nhổ giò”, cao lớn hơn các bạn chị rất vui vì nghĩ tương lai chắc hẳn con sẽ đạt được chiều cao lý tưởng.

“Thấy ngực con phát triển, tôi nghĩ con mập, đó là mô mỡ. Vài tháng sau tắm lau cho con, con có kêu đau ngực, tôi mới đưa con lên bệnh viện nhi đồng để khám. Bác sĩ cho biết con có chiều cao 1,41m, tuyến vú đã phát triển.

Các xét nghiệm khác cho thấy tuổi xương của con ở mức 12 tuổi. Nếu điều trị, thời gian kéo dài tới năm con được 10, 11 tuổi. Có điều chiều cao của con sẽ không được cải thiện nhiều”, chị D. thở dài.

Theo các bệnh viện nhi, những năm gần đây tỷ lệ trẻ dậy thì sớm đang có xu hướng tăng, phần lớn ở trẻ nữ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước.

Độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến thể chất và tinh thần ở trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.

Đâu là dấu hiệu của trẻ dậy thì sớm?

Theo BS.CK1 Lê Thanh Bình- Phó trưởng Khoa Thận- Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bé gái dậy thì sớm là trước năm 8 tuổi bé có “trái tràm” ở ngực, “nhổ giò”, sau đó có nổi mụn ở mặt, có mồ hôi cơ thể, có lông nách, lông bộ phận sinh dục.

Trung bình từ lúc bắt đầu có các dấu hiệu trên cho tới lúc bé gái có kinh nguyệt là khoảng 2-3 năm.

Còn bé trai dấu hiệu dậy thì sớm là trước năm 9 tuổi có dấu hiệu như “nhổ giò”, hoặc phổ biến hơn là tăng kích thước tinh hoàn, dương vật. Ở cả hai giới có sự tăng lên đáng kể về chiều cao, cân nặng.

Theo các bác sĩ, mặc dù trẻ dậy thì sớm không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau, nhưng việc dậy thì sớm khiến bé phải đối mặt với những đặc tính sinh dục thứ phát, như bé gái có ngực phát triển, có kinh nguyệt; bé trai có dương vật lớn, mọc râu, vỡ giọng...

Trong khi bé còn quá nhỏ tuổi thì việc chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân sẽ không tự làm được. Bên cạnh đó, mang hình hài một người phụ nữ hay một người đàn ông trong tâm hồn trẻ thơ sẽ vô cùng ảnh hưởng đến tâm lý của bé.

Bé sẽ dễ bị những hành động quấy rối, nên có thể bị lạm dụng tình dục, nhất là bé gái. Dậy thì sớm còn ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.

Do các sụn tăng trưởng tăng hoạt động, trẻ sẽ phát triển rất nhanh nhưng sẽ sớm ngừng tăng trưởng bởi hiện tượng đóng đầu xương- sau tuổi dậy thì, xương gần như không phát triển nữa.

Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh- Trưởng Khoa Thận- Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), việc phát hiện và can thiệp càng sớm thì hiệu quả điều trị dậy thì sớm càng cao. Mặc dù vậy, không phải tất cả các trẻ dậy thì sớm đều cần điều trị.

Các bác sĩ dựa trên nguyên nhân, thể bệnh, độ tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng... của từng trẻ để đưa ra chỉ định phù hợp.

“Do đó, nếu thấy con gái có các dấu hiệu phát triển ngực hoặc mọc lông nách, lông ở bộ phận sinh dục, nổi mụn, phát triển chiều cao nhanh trước 8 tuổi hoặc con trai phát triển tinh hoàn, dương vật, mọc lông ở bộ phận sinh dục, lông nách, vỡ giọng, phát triển chiều cao nhanh trước 9 tuổi, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám”, TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh cho biết.

Để ngăn ngừa trẻ dậy thì sớm, các chuyên gia khuyến cáo cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp cho trẻ, thức ăn có lượng đạm vừa đủ; tăng cường ăn rau, trái cây; hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều chất béo và có hàm lượng đường cao; tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm trái mùa.

Việc luyện tập thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày cùng với những bộ môn như đá bóng, bơi lội, nhảy dây, chạy... giúp bé cải thiện thể lực, giải phóng năng lượng, hỗ trợ phát triển tầm vóc, sức khỏe xương. Không nên tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng; tránh cho trẻ tiếp xúc với thuốc và mỹ phẩm, các thiết bị điện tử như điện thoại, internet khi còn quá nhỏ…

Bài, ảnh: MAI ANH