Sức sống mới trên quê hương cách mạng Hòa Bình

08:08, 19/08/2023

Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần vượt khó để xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực xây dựng bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới, đời sống vật chất tinh thần từng bước được nâng lên. 

 

HTX nông sản Bưng Sẩm vừa tạo sinh kế vừa làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
HTX nông sản Bưng Sẩm vừa tạo sinh kế vừa làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
 
Từng là nơi ghi dấu nhiều chiến công, sự kiện lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước- xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn) đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994.
 
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần vượt khó để xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực xây dựng bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới, đời sống vật chất tinh thần từng bước được nâng lên. 
 
Cái nôi kháng chiến giữa bưng biền
 
Xã Hòa Bình từng là miệt bưng biền đầm lầy. Địa danh Bưng Sẩm (thuộc ấp Hiệp Lợi ngày nay) được chọn làm khu căn cứ cách mạng bởi địa thế hiểm trở, đất trũng sình lầy, cỏ dại mọc um tùm. Liên Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trà Vinh từng chọn khu vực này làm căn cứ hoạt động cách mạng. Nơi đây được ví như “Đồng Tháp Mười thứ hai”, là nơi nuôi chứa, bảo vệ cách mạng rất an toàn.
 
Từng là cán bộ an ninh của vùng Bưng Sẩm, ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao (85 tuổi)- nguyên Bí thư xã Hòa Bình giai đoạn 1978-1983, am hiểu tường tận, ghi nhớ từng ngõ ngách, địa thế bưng biền.
 
Ông Mười Hai Cao kể: “Gọi là Bưng Sẩm vì đây là vùng đất bị cây che phủ, không có nhiều ánh sáng, chiều sẩm trời là tối thui, hổng ai dám ở trong đó hết. Ở đây bà con mình kêu là ngọn dứa, ngọn cùng, đụng tới bưng là lính không vô được nên cán bộ, chiến sĩ mình cứ về đây, có bà con nuôi chứa là yên tâm”.
 
Một trong những trận đánh lừng lẫy nhất ở Trà Ôn mà bà con Hòa Bình nhớ mãi không quên là trận Mương Khai- Hiệp Hòa năm 1967 tại vàm Mương Khai thuộc ấp Hồi Lộc (xã Xuân Hiệp) và tại ấp Hiệp Hòa (xã Hòa Bình) chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
 
Trận đánh vang dội của Tiểu đoàn 306, phối hợp địa phương quân và dân quân, du kích 2 xã Xuân Hiệp và Hiệp Hòa đã đánh bại 6 đợt đổ quân và đẩy lùi 8 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa, bắn rơi 9 máy bay trực thăng, bắn bị thương 3 chiếc khác và diệt trên 600 tên địch.
Công trình Tượng đài Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa đã được xây dựng và công nhận là di tích văn hóa lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.
Công trình Tượng đài Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa đã được xây dựng và công nhận là di tích văn hóa lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.
Chú Nguyễn Văn Xe- du kích dẫn đường ở xã, cho biết, chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa là trận đánh tiêu biểu và sự thất bại nặng nề của Sư đoàn 9 chính quyền Sài Gòn ở ĐBSCL.
 
Chiến thuật “trực thăng vận” và “hạm đội nhỏ trên sông” của địch bị quân và dân ta bẻ gãy. Đã góp phần đánh bại gọng kìm “tìm diệt và bình định” của Mỹ năm 1965-1967. Tinh thần yêu nước và quyết tâm đoàn kết một lòng giữa quân chủ lực và địa phương quân, là động lực to lớn để quân dân ta chiến đấu kiên cường và chiến thắng vang dội.
 
“Chỗ Bưng Sẩm muốn đi ra đi vô phải chờ nước lớn để đi xuồng, thời ấy khá lắm mới có cặp chèo. Ai nuôi chứa cán bộ thì bị tịch thu hết tài sản, từng con bò, con heo… vậy mà dân mình đều đồng lòng, hổng sợ”- chú Nguyễn Văn Xe nhớ lại. 
 
Bia Chiến thắng Mương Khai- Hiệp Hòa được xây dựng từ năm 2003 để mãi mãi ghi lại lịch sử oai hùng năm xưa của Tiểu đoàn 306 đã cùng với quân và dân Trà Ôn lập nên chiến công vang dội, trở thành bài học giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào lịch sử cho thế hệ mai sau. 
 
Từng ngày “thay da, đổi thịt”
 
Bưng Sẩm “tối màu mây” năm xưa giờ đã “thay da, đổi thịt” trở thành một vùng trù phú mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân xã Hòa Bình.
 
Nếu như trước đây phương tiện giao thông chủ yếu bằng ghe, xuồng thì sau nhiều năm tập trung đầu tư, đến nay hầu hết những tuyến đường đều được nhựa hóa phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa.
 
Phấn khởi trước những đổi thay của quê nhà qua mấy chục năm, chú Thạch Xuân Vũ (ấp Hiệp Lợi), bày tỏ: “Vùng này trước kia là vùng lầy lội, cây cối um tùm, đi lại khó khăn. Từ những năm 1978, vùng này bắt đầu thay đổi dần. Đến giờ, cuộc sống bà con ở đây phát triển rất tốt, kinh tế phát triển, đường sá khang trang, sạch đẹp”. 
 
Vùng đất hoang hóa Bưng Sẩm ngày nào nay đã được phủ lên một màu xanh với những cánh đồng mướt mắt. Từ một vùng đất mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa với năng suất thấp, nay đã phát triển lên sản xuất 3 vụ lúa với năng suất cao. Địa phương cùng nông dân cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không còn độc canh cây lúa với nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao như: trồng cam, trồng khóm,  trồng dưa hấu.
Bưng Sẩm năm xưa giờ đã “thay da, đổi thịt” trở thành một vùng trù phú mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân xã Hòa Bình.
Bưng Sẩm năm xưa giờ đã “thay da, đổi thịt” trở thành một vùng trù phú mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân xã Hòa Bình.
 
Nhìn xe bon bon chạy chở khóm trước nhà, chú Phạm Văn Hy- Bí thư kiêm Trưởng ấp Hiệp Lợi, cười, bộc bạch: “Một thời cỏ mọc che đầu, đứng bên đây sông mà hổng thấy nhà bên kia sông.
 
Bây giờ quá hạnh phúc khi cuộc sống nâng lên, đường sá thông thoáng, bà con đi lại dễ dàng, trẻ con được đến trường học hành tới nơi tới chốn. Hơn nữa, từ khi có HTX Nông sản Bưng Sẩm, vừa tạo sinh kế vừa làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tôi thấy rất mừng. Thu nhập cũng tăng hơn từ khi xã đạt NTM. Lúc trước thu nhập khoảng 40-45 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng lên 55 triệu đồng/người/năm”. 
Gắn bó với mảnh đất này cả đời như máu thịt, ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao chứng kiến Hòa Bình những ngày khó khăn nhất và nhìn thấy vùng đất này chuyển mình đổi thay từng ngày.
 
Ông Mười Hai Cao nói: “Lúc mới giải phóng cuộc sống rất khó khăn. Đến khoảng năm 1978, vùng này được chính quyền các cấp quan tâm đưa lực lượng xuống đắp đập bao khô.
 
Tôi cũng cùng nhân dân tham gia đắp đập, người dân nhiệt tình góp công góp sức nên hễ hô là cả trăm người cùng tập trung làm. Ban đầu người dân sản xuất lúa được 1 vụ, 1.000m2 thu hoạt được 4-5 giạ lúa, dần dần thủy lợi, đê điều thuận lợi, người dân sản xuất lúa 3 vụ với năng suất cao khoảng 40 giạ/1.000m2, bây giờ thì trồng cam, trồng khóm. Bưng Sẩm giờ không còn là bưng nữa, giờ là ruộng, là vườn, rất màu mỡ. Người dân rất phấn khởi”.
 
Theo ông Lý Bá Thúc- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, năm 2015, xã Hòa Bình được công nhận là xã NTM. Từ một vùng quê gặp nhiều khó khăn, nhờ sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và sự đoàn kết của người dân, Hòa Bình đã có nhiều công trình mới về giao thông, nước sạch, văn hóa, y tế, trường học và nhà ở, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.
 
Thực hiện và nâng chất có hiệu quả các tiêu chí NTM, đến nay xã đã đạt 12/19 tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao và 9/11 tiêu chí ấp NTM kiểu mẫu. Có 3.082 hộ dân sử dụng điện an toàn, đạt 100%; hơn 98% hộ sử dụng nước máy. Khó khăn về trường học cũng được tập trung tháo gỡ, hiện nay xã Hòa Bình có 6 điểm trường từ mầm non đến THPT. Về đời sống người dân, địa phương quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, từng bước xóa hộ nghèo.
 
Song song đó, địa phương đã tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, mô hình phát triển tiểu thủ công nghiệp, tăng cường liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp để tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 58 triệu đồng/người/năm.
 
Hướng tới, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Bình tiếp tục tập trung chăm lo cho người dân, chú trọng xây dựng NTM nâng cao để phát triển toàn diện các mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế, địa phương tiếp tục duy trì các mô hình phát triển kinh tế mang hiệu quả cao, tuyên truyền người dân cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là diện tích trồng lúa, cây ăn trái kém chất lượng, đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng.
 
Cùng với đó, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi tạo thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, ra sức tuyên truyền tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu của địa phương, chung sức đưa quê hương đổi mới và
phát triển.
Đường về Bưng Sẩm thông thoáng, bà con đi lại dễ dàng.
Đường về Bưng Sẩm thông thoáng, bà con đi lại dễ dàng.
 
Trong kháng chiến, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng quân và dân xã Hòa Bình vẫn chiến đấu kiên cường, quyết bám đất, giữ làng. Trong thời bình, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình cùng nhau nỗ lực để cuộc sống nhà nhà được ấm no, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của quê hương ngày càng khởi sắc.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh