Nhọc nhằn nghề thông cống thoát nước

Cập nhật, 08:37, Thứ Tư, 16/08/2023 (GMT+7)

 

Xuống cống nạo vét để thông thoáng đường thoát nước.
Xuống cống nạo vét để thông thoáng đường thoát nước.

Theo Xí nghiệp Vệ sinh môi trường (Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long), nội ô TP Vĩnh Long có khoảng hơn 85.000m cống ngầm, gần 11.000m rãnh và hơn 4.000 hố ga. Việc thông cống diễn ra thường xuyên trong năm, cứ hết đường này thì sang đường khác để thông thoáng đường thoát nước.

“Nắm rõ các điểm cống ở thành phố”

Theo Xí nghiệp Vệ sinh môi trường, năm 2022, đơn vị đã trang bị thêm 1 chiếc xe hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nạo vét cống, bên cạnh nạo vét thủ công.

Nạo vét thủ công phải xuống cống, vét hết bùn, rác và tạp chất ra ngoài. Những năm gần đây, số lượng hố ga ở nội ô TP Vĩnh Long tăng lên theo các dự án nâng cấp, mở đường. Hiện có khoảng hơn 4.000 hố ga, sâu 1-2m nhưng cũng có tuyến hố sâu đến 3-4m. Một số tuyến đường mới có cống lớn, tuy nhiên còn một số tuyến vẫn còn cống nhỏ, phổ biến khoảng 0,6-1m.

Trong đó, có cống nhỏ 0,6m, bị rễ cây ăn xuống ảnh hưởng đường thoát nước. Công nhân phải xuống cống cắt rễ cây, vận chuyển hết rác ra ngoài để thông thoáng đường thoát nước, phòng chống ngập úng.

Tổ Thoát nước đô thị (thuộc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường) có 12 người gồm 2 tài xế và 10 công nhân. Đối với các anh, hệ thống cống rãnh, hố ngầm dưới lòng đường quen thuộc đến nỗi “nghe đường nào là biết cống ở dưới đi ra sao, kích cỡ, bao nhiêu cái hố…”.

Gắn bó với công việc này hơn 30 năm, chú Lương Hoàng Sơn (ở Phường 3, TP Vĩnh Long) “nắm rõ các điểm cống ở thành phố”.

Chú Sơn cho biết: “Xuống cống nếu không thấy rác ở miệng cống thì đi vô trong ống vét nước thải, chỗ nước cao thì phải nghiêng đầu, khi cần thiết (như cống bị nghẹt) thì anh em xuống cống hụp sâu tới cổ. Cũng lo gặp miểng ly, miểng chai, kim tiêm; nhất là ở khu vực trung tâm thành phố… công việc tuy vất vả nhưng hầu hết anh em vẫn theo nghề”.

Ông Bùi Minh Phương Đắc Tài- Tổ trưởng Tổ Thoát nước đô thị, cho biết, tổ thường xuyên nạo vét hố ga, cống ngầm tất cả các tuyến đường nội ô thành phố và vùng ven. Công việc được thực hiện hàng ngày. Tuy nhiên, cũng gặp khó khi gặp mưa, nước dâng cao thì phải đợi nước rút mới nạo vét được.

Ông Tài cho biết thêm, ông thường xuyên nhắc nhở anh em trong tổ trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, găng tay, giày và phải thật cẩn thận (như dùng các dụng cụ rà kiểm tra xem có vật sắc nhọn hay không…) để hạn chế tối đa sự cố, dù là nhỏ khi nạo vét cống.

Mong không còn rác “đi lạc”

“Trước làm bên mảng cây xanh công viên, mới chuyển qua làm bên cống được 2 năm”, anh Nguyễn Tấn Thôi (ở Phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết, dưới cống thoát nước bên cạnh nước thải thì còn nhiều rác tạp nhạp như: sắt vụn, miểng, đá, bịch nilon…

Trong đó, có các loại rác từ sông rạch trôi vô cống như bịch rác, bao cát… Về phía các hộ gia đình, bên cạnh nhiều hộ có ý thức rất tốt thì còn một số hộ quét rác, tạp chất, miểng vụn… xuống cống làm tắc nghẽn, gây hôi thối; nhất là ở các khu vực mua bán, chợ. Do đó, anh em nạo vét phải dọn luôn các loại rác này, có trường hợp phải đục để thông thoáng đường thoát nước.

Công việc rất vất vả, nhất là đối với các công nhân trực tiếp xuống cống nạo vét. Do đó, anh Thôi cho biết, người xuống cống nạo vét và người đứng ở trên lấy rác hợp tác, chia sẻ công việc cùng nhau sao cho thuận tiện, bảo vệ sức khỏe. Là người đứng phía trên lấy rác chuyền từ cống lên, hàng ngày, anh Thôi ra sớm hơn để mở nắp hố ga cho thoát hơi trước, rồi sau đó anh em mới xuống cống nạo vét.

Anh bày tỏ mong muốn người dân không quét miểng, sắt, đinh, kẽm… xuống cống, hố ga nữa để góp phần đảm bảo an toàn cho người nạo vét và giúp thông thoáng đường thoát nước.

Theo ông Đắc Tài, hệ thống cống của thành phố ngày càng được cải tiến, hoàn chỉnh, giúp thoát nước tốt và hạn chế rác trôi vào cống. Mặt khác, người dân thành phố ngày càng nâng cao ý thức trong việc để rác đúng nơi quy định. Đồng thời, rất chia sẻ với anh em làm nghề.

Tuy nhiên, vẫn còn bùn, cát chảy xuống cống nhiều; còn một số lá cây nhỏ bay lọt xuống theo các miệng thoát của cống; rác lớn do người dân vứt xuống sông, nước lớn trôi vô cống… Đáng nói, còn có kim tiêm nên phải cẩn thận tuyệt đối, giở nắp lên quan sát kỹ, dùng vợt vớt sạch rồi mới xuống cống nạo vét.

Phía sau những tuyến đường sáng đẹp, tinh tươm là những giọt mồ hôi rơi.
Phía sau những tuyến đường sáng đẹp, tinh tươm là những giọt mồ hôi rơi.

Theo các công nhân Tổ Thoát nước đô thị, thời gian qua, dù gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của ban lãnh đạo công ty, mức lương được đảm bảo, có trợ cấp độc hại, khám sức khỏe định kỳ… Đồng thời, được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, nón bảo hộ, khẩu trang, găng tay, giày bảo hộ...

Theo Xí nghiệp Vệ sinh môi trường, về lâu dài, công ty nghiên cứu thêm thiết bị hỗ trợ hiện đại, đồ bảo hộ chuyên dùng phù hợp để xuống cống không bị nước ngấm trực tiếp vào cơ thể, phòng tránh được các vật sắc nhọn, đảm bảo sức khỏe công nhân.

Thiết nghĩ, cùng với sự trang bị trang thiết bị hiện đại, dụng cụ bảo hộ lao động của công ty và sự cẩn trọng của từng công nhân khi làm việc, mỗi người dân cần nâng cao ý thức không quăng rác bừa bãi, để rác đúng nơi quy định. Qua đó, nhằm góp phần giảm vất vả cho các công nhân, thông thoáng đường thoát nước, giảm ngập úng và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI