Hơn 40 năm "ngọt hóa" vùng Nam Măng Thít

Cập nhật, 04:55, Thứ Bảy, 06/05/2023 (GMT+7)
Cống Tân Dinh (thuộc huyện Trà Ôn, Vĩnh Long và huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh)- một trong những công trình thủy lợi lớn, hiện đại ở vùng Nam Măng Thít.
Cống Tân Dinh (thuộc huyện Trà Ôn, Vĩnh Long và huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh)- một trong những công trình thủy lợi lớn, hiện đại ở vùng Nam Măng Thít.

(VLO) Vùng Nam Măng Thít nằm ở phía Nam sông Măng Thít thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long-Trà Vinh, phần tỉnh Vĩnh Long rộng gần 50.000ha thuộc huyện Vũng Liêm và Trà Ôn, với điều kiện tự nhiên không thuận lợi bởi bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiễm phèn.

Từ sau ngày Giải phóng 30/4/1975 đến nay, bằng việc thực hiện mạnh mẽ giải pháp thủy lợi, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân của 2 huyện nơi đây đã “cải tạo” vùng đất này thành vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Thủy lợi được đầu tư lớn

Từ khó khăn là vùng ảnh hưởng mạnh của triều cường, xâm nhập mặn và là vùng có diện tích đất phèn, mặn cao nhất tỉnh, nên công tác thủy lợi là quan tâm hàng đầu của tỉnh và cấp ủy, chính quyền của 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn.

Hơn 40 năm qua, nguồn lực đầu tư cho thủy lợi của tỉnh đều tập trung nhiều nhất cho vùng Nam Măng Thít.

Những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật, mô hình mẫu về thủy lợi của tỉnh đều dồn về đầu tư, áp dụng trong vùng, trong đó rõ nét là vào 2 giai đoạn.

Giai đoạn năm 1975-1986, công tác thủy lợi trong vùng tập trung đầu tư chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa trong mô hình kinh tế hợp tác hóa nông nghiệp của thời kỳ bao cấp với việc huy động hàng ngàn, hàng vạn lao động đào những kinh đào lớn như: Trà Ngoa, kinh Tỉnh, kinh Mới, Nhà Thờ, Nông dân,…

Đồng thời xây dựng hàng loạt trạm bơm điện công suất lớn vài chục ngàn mét khối/giờ và kinh nổi được lát mái bê tông kiên cố.

Những vùng sản xuất lúa tập trung với những kinh đào thẳng tắp dọc ngang như bàn cờ đã được hình thành ở các xã Hiếu Thành, Hiếu Nhơn, Hiếu Thuận, Hiếu Phụng, Trung Hiếu (Vũng Liêm). Những vùng đất thấp, thường xuyên bị “cầm thủy” lâu năm ở các xã Hòa Bình, Nhơn Bình, Thới Hòa (Trà Ôn), Hiếu Nhơn, Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) đã được tiêu thoát.

Tuy nhiên từ sau năm 1990, do chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác hóa nông nghiệp bị xóa bỏ, các trạm bơm điện, kinh nổi không còn nhu cầu sử dụng nữa nên được tháo dỡ và kinh nổi dần được sửa chữa thành những kinh chìm.

Hơn 10 năm sau, đặc biệt là khi Bộ Nông nghiệp-PTNT triển khai đầu tư Tiểu Dự án thủy lợi Nam Măng Thít (năm 2000-2007), đây là động lực thúc đẩy thủy lợi ở vùng Nam Măng Thít phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng công trình.

Từ đó, nhiều công trình, dự án thủy lợi lớn được Trung ương và tỉnh đầu tư không những nhằm mục tiêu dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp phát triển hạ tầng phục vụ xây dựng NTM và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong đó, có thể kể đến các công trình thủy lợi có quy mô lớn, hiện đại, như: kinh Trà Ngoa dài 17.220m, kinh Mây Phốp- Ngã Hậu dài 9.313m, cống Nàng Âm rộng 20m, cống Vũng Liêm rộng 75m và cống Tân Dinh rộng 40m, đê bao sông Măng Thít dài 19.778m…

Cùng với cống Tân Dinh, thời gian qua cống Vũng Liêm phát huy hiệu quả tích cực trong ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh.
Cùng với cống Tân Dinh, thời gian qua cống Vũng Liêm phát huy hiệu quả tích cực trong ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh.

Đến nay, hệ thống thủy lợi trong vùng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, 100% đất canh tác được khép kín thủy lợi, tưới tiêu rất thuận lợi, đa số đất chua phèn được cải tạo, đất sản xuất nông nghiệp được “ngọt hóa”.

Đầu tư phát triển thủy lợi trong những năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy vùng phát triển mạnh mẽ.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp mới được hình thành

Theo ông Hồ Công Nguyên- nguyên Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, thay đổi lớn nhất trong vùng là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và giao thông nông thôn.

Nhờ đầu tư lớn về thủy lợi đã “ngọt hóa” vùng đất nhiều phèn, mặn này trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, rồi dần dà chuyển mình trở thành vùng sản xuất chuyên canh với bạt ngàn cam sành, bưởi da xanh, xoài, sầu riêng.

Hiện trong vùng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tốt, hướng hữu cơ, sản xuất tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao.

Bưởi da xanh- cây trồng đang phát triển mạnh ở huyện Vũng Liêm.
Bưởi da xanh- cây trồng đang phát triển mạnh ở huyện Vũng Liêm.

Ở huyện Vũng Liêm, có nhiều diện tích cây ăn trái cho thu nhập khá cao, như bưởi da xanh trên 2.100ha cho thu nhập từ 180-200 triệu đồng/ha/năm, sầu riêng gần 1.200ha cho thu nhập từ 450-550 triệu đồng/ha/năm, xoài hơn 1.000ha cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt là cây cam sành đang phát triển nhanh nhất trong vùng, có thời điểm cho doanh thu từ 0,8-1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Đến cuối tháng 3/2022, huyện Trà Ôn có hơn 7.200ha và Vũng Liêm hơn 2.500ha trồng cam sành.

Các cây trồng truyền thống như lúa, lác vẫn còn phát triển ổn định. Từ nhiều năm qua, mỗi năm, huyện Vũng Liêm luôn duy trì cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích từ 3.000-4.100ha/vụ (chiếm 35-38% diện tích sản xuất toàn huyện), năng suất trong cánh đồng lớn sản xuất lúa cao hơn so ngoài mô hình từ 5-10%.

Huyện này còn có 100ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi) và 35ha của HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận); các mô hình này có liên kết tốt với doanh nghiệp trong sản xuất- tiêu thụ theo chuỗi giá trị nên đầu ra ổn định và có triển vọng phát triển bền vững.

Ở huyện Trà Ôn, nhờ thủy lợi đã “cải tạo” vùng đất cầm thủy Bưng Sẩm (thuộc xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) thành vùng đất trồng khoảng 55ha khóm.

Sản xuất khóm nơi đây đang được xây dựng nhãn hiệu tập thể và được liên kết với doanh nghiệp, tiến đến hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm khóm phục vụ xuất khẩu và thương mại trong nước.

Theo định hướng quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn đến năm 2025 và 2030, vùng Nam Măng Thít sẽ quy hoạch thành nhiều vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ (và tương đương), vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ; bên cạnh còn phát triển các mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm; đặc biệt là quy hoạch vùng trồng cây ăn trái ven sông phục vụ du lịch sinh thái… để tiếp tục nâng cao thêm vị thế vùng Nam Măng Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long thành vùng trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH