Bên dòng Cổ Chiên, nơi lằn ranh mặn- ngọt

Kỳ cuối: Chủ động và linh hoạt nên "sống khỏe"

Cập nhật, 05:48, Thứ Tư, 19/04/2023 (GMT+7)
Người dân cù lao Dài (2 xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) có một mùa sầu riêng thích ứng tốt hơn với hạn mặn.
Người dân cù lao Dài (2 xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) có một mùa sầu riêng thích ứng tốt hơn với hạn mặn.

(VLO) Bên dòng Cổ Chiên hôm nay, thay cho nỗi lo sợ “mặn lên bất ngờ” trước đây, người dân say sưa nói với chúng tôi những cách làm hay, sự chủ động và linh hoạt trong điều chỉnh lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ “thuận thiên” thích ứng biến đổi khí hậu, mà còn “sống khỏe” từ tận dụng tiềm năng, lợi thế phù hợp của từng địa phương.

“Thuận thiên” theo con nước mặn- ngọt

Nhờ chủ động điều chỉnh mùa vụ sản xuất và chuẩn bị các phương án phòng chống hạn, mặn từ sớm, cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo và nhanh chóng thay đổi giống, thay đổi thói quen canh tác mà vụ Đông Xuân vừa qua, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp tại một số tỉnh ĐBSCL đã cơ bản không bị ảnh hưởng.

Để chủ động “biến nguy thành cơ”, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo những vùng có khả năng xảy ra hạn, mặn phải xuống giống sớm, vùng cây ăn trái cần chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất.

Khi nước mặn xâm nhập thì đóng các cửa cống, ngăn nước mặn xâm nhập, cây lúa lúc đó đã được thu hoạch và cây ăn trái không chịu ảnh hưởng của nước mặn và khô hạn do thiếu nước.

“Dù đang trong mùa khô nhưng mọi sinh hoạt và sản xuất của chúng tôi vẫn diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng gì”, chú Nguyễn Văn Thanh (xã Chánh An, huyện Mang Thít) vui mừng ra mặt, bởi “mùa khô năm nay, tôi và bà con trong khu vực nội đồng không còn lo xâm nhập mặn.

Tôi theo dõi lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành nông nghiệp để gieo sạ đúng thời vụ.

Hiện, 2 công lúa đang xuống giống vụ Hè Thu phát triển tốt và gần 5 công vườn trồng mít, sầu riêng, tôi cũng sớm trữ nước ngọt trong mương để phục vụ tưới tiêu”.

Nhờ sự chủ động và linh hoạt, người dân ở các tỉnh ĐBSCL đã tận dụng, khai thác lợi thế giữa lằn ranh mặn- ngọt, nắm vững quy luật tự nhiên để từ đó nương theo con nước theo mùa.

Nông dân xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) thu hoạch lác.
Nông dân xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) thu hoạch lác.

Kinh nghiệm “thuận thiên” đó đã giúp người dân xã Hòa Minh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) sống rất an nhàn.

Hòa Minh còn được gọi là xã cù lao mặn- ngọt nằm giữa sông Cổ Chiên, người dân áp dụng lối sản xuất theo mùa rất thú vị, mùa nước ngọt trồng lúa hữu cơ và “mở cống đón nước mặn” nuôi tôm càng xanh, cua biển.

Anh nông dân Nguyễn Thanh Luân bảo rằng: “Người dân ở đây không có xu hướng “nghịch thiên” mà chan hòa sống thuận theo thiên nhiên”.

Trong khi đó, người dân ở huyện Càng Long (Trà Vinh) lại có “át chủ bài” là cây lác, không lo ngập úng hay nước mặn.

Theo anh Nguyễn Thanh Liêm- cán bộ nông nghiệp xã Đức Mỹ, lác phù hợp với điều kiện hạn mặn. Từ cây lác đã hình thành làng nghề thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Các cơ sở, doanh nghiệp không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định; mà tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ tạo ra hàng trăm sản phẩm có giá trị cao, như thảm, chiếu cói, đan đát, chậu hoa, ghế đai, chiếu trắng, chiếu cói xanh…

Anh Liêm cũng cho biết, xã Đức Mỹ có 9 ấp, trồng lác chiếm hơn phân nửa diện tích đất nông nghiệp của xã, nhờ gắn với làng nghề nên “đầu ra” khá yên tâm.

Thật vậy, đang mùa thu hoạch lác, nhưng nhiều người dân đặt máy xe lõi tại nhà “than” khó mua lác, giá cao và lái đã tới tận ruộng mua hết.

Ngoài kinh tế vườn, nghề xe chỉ sơ dừa, xe lõi lác và dệt chiếu tại gia đình, các mặt hàng đan đát, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tạo thu nhập không nhỏ, theo UBND xã Đức Mỹ, thu nhập bình quân mỗi hộ gần 144 triệu đồng/năm.

Gắn bó với nghề xe lõi lác hơn 4 năm nay, chị Nguyễn Ngọc Miên (ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ) cho biết: “Nhờ có nghề này mà có thêm thu nhập ổn định”.

2 năm gần đây giá lác ổn định ở mức cao. Hiện người trồng lác ở huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh), xã Trung Thành Đông (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đang vào mùa thu hoạch lác, giá lác 18.000-20.000 đ/kg nên nông dân rất hồ hởi.

Anh Nguyễn Văn Ngọc (ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, huyện Càng Long) cho biết: “Tôi có 6 công ruộng trồng lác, nhờ cống bộng khép kín, không còn lo nước mặn nữa.

Lác được mùa, bán có giá, vui lắm”. Có 2 công trồng lác, anh Huỳnh Văn Nghĩa (ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) cũng vui vẻ: “Cây lác thích ứng hạn mặn, nông dân trồng lác cũng sống khỏe”.

An tâm sản xuất trong mùa hạn, mặn

Tại Vĩnh Long, ngoài các giải pháp chủ động, linh hoạt ứng phó hạn mặn; các công trình ngăn mặn, trữ ngọt cũng đã phát huy hiệu quả.

Là một trong những nơi bị ảnh hưởng đầu tiên khi nước mặn xâm nhập, thời điểm này ở xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm), các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và hộ dân có vườn chuyên trồng cây ăn trái cũng tự trang bị máy đo độ mặn để chủ động lấy nước vô mương vườn.

Chú Phẩm Văn Tiếu- Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng ấp Lăng (xã Thanh Bình) cho biết: Sầu riêng là loại cây rất nhạy cảm với mặn.

Do vậy, tổ hợp tác và hộ dân chuyên trồng sầu riêng thường xuyên theo dõi thông tin, đồng thời tự trang bị máy đo độ mặn để chủ động lấy nước, trữ ngọt để sử dụng trong những ngày nước mặn xâm nhập.

Chỉ tay vào cây sầu riêng đang trĩu trái, chú Tiếu nói: “Trong đợt hạn, mặn năm 2019-2020, vườn sầu riêng của tôi bị thiệt hại gần 40%.

Một số cây bị suy kiệt, không thể phục hồi, đành phải đốn bỏ. Rút kinh nghiệm từ đó, gia đình tôi tiến hành nạo vét các mương trong vườn sầu riêng để trữ nước nhiều hơn, phòng khi mặn tới.

Đồng thời, khi có thông báo mặn xuất hiện thì địa phương cũng đóng kín các cống để bảo vệ diện tích sản xuất cho người dân. Nhờ vậy, năm nay vườn sâu riêng của tôi vẫn an toàn”.

Anh Nguyễn Hoàng Đệ- cán bộ nông nghiệp xã Thanh Bình, cho hay: Là xã cù lao nằm giữa sông Cổ Chiên, chịu ảnh hưởng đầu tiên của huyện Vũng Liêm khi nước mặn xâm nhập. Hiện xã có 3 cống vàm Bình Thủy, vàm Thanh Lương, vàm Thái Bình được đo độ mặn hàng ngày để thông báo cho người dân.

Bên cạnh đó, còn có các dự án, công trình thủy lợi của tỉnh đầu tư cũng đang được thực hiện để ngăn mặn, trữ ngọt, góp phần bảo vệ trên 1.200ha trồng cây ăn trái, trong đó chủ yếu là bưởi, sầu riêng.

Tương tự, tại xã Quới Thiện, ngay từ đầu năm đã chủ động các biện pháp ứng phó hạn mặn.

Chú Nguyễn Văn Thanh (ấp Phước Thạnh) cho hay: “Tôi tự trang bị máy đo độ mặn và thường xuyên cập nhật thông tin để kịp thời đối phó với hạn mặn.

Nếu mặn lên bất ngờ quá thì sầu riêng rất khó thích nghi. Do đó, khi có cảnh báo mặn lên tôi cũng đã sớm trữ nước ngọt trong mương. Trước khi tưới gốc hoặc phun trên lá, tôi đều đo độ mặn để đảm bảo an toàn cho cây sầu riêng”.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Ngành nông nghiệp đã yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp công trình để hỗ trợ người dân như nạo vét kênh mương để lấy nước ngọt, hoàn thiện dần các công trình cống ngăn mặn trong lúc cao điểm hoặc có chỗ để trữ nước ngọt để phục vụ điều kiện tưới trong mùa khô hàng năm.

Ngành nông nghiệp phân công cán bộ trực vận hành các công trình thủy lợi tại các xã cù lao, vùng ven các sông lớn và xây thêm các cống tại các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít khép kín, ngăn mặn, trữ- cấp nước ngọt cho vùng Nam sông Măng Thít và một phần vùng Bắc sông Măng Thít.

Với sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó hạn mặn, cùng sự chủ động, linh hoạt thích ứng hạn mặn của người dân, có thể nói nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tìm cách “biến nguy thành cơ”. Vì thế, đến nay việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường và người dân đã phần nào thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY