Nông thôn đổi mới từng ngày...

Cập nhật, 10:17, Thứ Sáu, 28/04/2023 (GMT+7)
Với sự quan tâm đầu tư cho nông thôn mà nhiều vùng đất đầy gian khó ngày nào đã vươn lên xinh tươi, trù phú.
Với sự quan tâm đầu tư cho nông thôn mà nhiều vùng đất đầy gian khó ngày nào đã vươn lên xinh tươi, trù phú.

48 năm trôi qua (30/4/1975-30/4/2023) kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng đưa đất nước ta chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Cùng với chính sách ưu tiên cho phát triển các địa phương vùng xa, khó khăn, những năm qua tỉnh Vĩnh Long đã dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông thôn, giúp người dân không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Quê hương đổi mới

Dọc theo tuyến ĐT908 (Bình Tân), những rẫy màu, rẫy khoai, ruộng lúa xanh bát ngát. Nhà ở, cơ sở sản xuất, mua bán, chợ, trường học, UBND xã… quay ra mặt lộ.

Trước sự đẹp đẽ, trù phú của huyện NTM Bình Tân thật khó hình dung ra được rằng: Khu vực này trước đây giống như vùng đất hoang và không có đường đi, rất ít người sinh sống, do đất bị nhiễm phèn, lại không có kinh xả phèn ra được, xung quanh toàn năng sậy, rất khó sản xuất, cũng có người trồng lúa nhưng năng suất không cao.

Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, kể: Sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống thủy lợi cho khu vực này và huyện Trà Ôn. Đây là 2 nơi khó khăn nhất về nước sản xuất. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Quân- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đã quyết tâm làm cho được tuyến ĐT908. Khi con đường hoàn thành thì khu vực này đã phát triển nhanh chóng…

Bên tách trà, ông Nguyễn Ngọc Thĩnh (ở ấp An Thới, xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân) kể: những năm mới hòa bình giao thông rất khó khăn. Vùng đất này toàn kinh rạch. Cứ cách một thửa ruộng là một con kinh.

Chủ yếu phải đi bộ trên các con đập hoặc cầu dừa, mùa nước nổi thì di chuyển bằng xuồng, chứ không có xe gắn máy, xe hơi như bây giờ. Còn tuyến QL54 trước đây là Tỉnh lộ 36, nhỏ như con đường mòn, cứ mỗi mùa lũ là nước tràn qua lộ, đi học là ướt hết.

“Hồi xưa, thời của tôi đi học khổ lắm”, ông Thĩnh nhớ lại. Cứ tới mùa nước nổi là phải nghỉ học vì nước ngập không đi lại được. Thời đó, mấy đứa nhỏ đi học thì được mẹ bơi xuồng chở từ ruộng ra và đợi tan học bơi về. Trường học lúc đó rất cũ kỹ. Đa số đi học rất trễ, có người 17, 18 tuổi mới đi học lớp 5.

Thông qua chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng nông thôn về điện, đường, trường, trạm… được đầu tư đạt chuẩn khang trang. Học sinh được học trong những ngôi trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Trẻ em được huy động vào lớp 1 đúng độ tuổi. Phụ huynh cũng hiểu được giá trị của việc học nên cho con cháu học hành tới nơi tới chốn. “Như 3 đứa con tôi đều được học thạc sĩ hoặc đã tốt nghiệp đại học”, ông Thĩnh khoe.

“Chương trình xây dựng NTM đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị”- ông Thĩnh phấn khởi nói và dẫn chứng: “Thành thị có điện thì nông thôn cũng có điện. Quê mình bây giờ ban đêm có đèn đường bật sáng trưng, cũng có điểm vui chơi giải trí… Đặc biệt, khi Nhà nước mở những con lộ liền kề với nhau thì việc đi đứng, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện”.

Ông Thĩnh kể: Hồi xưa, từ đầu chợ Xã Hời đi tới kinh Cây Sắn (giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp), chỉ khoảng 7km, mà phải mất hết một ngày để đi và về. Do buổi sáng phải đi sớm để đón đò. Đi tới đó xong việc thì phải chờ đúng 3 giờ chiều mới có đò về. Giờ đây, nhờ có lộ đi thuận tiện nên chỉ mất hơn mươi phút là tới nơi. Không những vậy, nông dân bán nông sản cũng có giá hơn.

Chẳng hạn như trước đây thu hoạch dưa hấu xong phải thuê người vác xuống vỏ lãi chở đi, đến nơi lại thuê người vác lên bờ. Như vậy, nông dân phải tốn tiền vận chuyển và thuê khuân vác 2 lần. Tất cả đều trừ vào tiền bán hàng, nên thu nhập chẳng còn bao nhiêu. Giờ có lộ thì thu hoạch xong là đem lên xe chở đi liền, nên nông sản bán được giá cao hơn trước, thu nhập tăng lên nên người dân rất phấn khởi.

Sự đổi thay của huyện Bình Tân cũng là sự đổi thay ở các vùng quê trong tỉnh. Đặc biệt, thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thông qua chương trình xây dựng NTM đã giúp cho người dân được thụ hưởng nhiều hơn về vật chất lẫn tinh thần.

Dành sự quan tâm đặc biệt cho nông thôn

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Cùng với chính sách ưu tiên cho phát triển các địa phương vùng xa, khó khăn, những năm qua tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông thôn, đặc biệt là tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình chỉ đạo thực hiện công tác nâng cao chất lượng cuộc sống và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Nổi bật trong đó là, phong trào thi đua “Vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chương trình hỗ trợ xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm. Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 18 quyết định về triển khai thực hiện các nội dung thuộc chương trình xây dựng NTM, đảm bảo kịp thời, phù hợp theo các quy định của Trung ương và điều kiện triển khai thực tế tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu của chương trình, giúp người dân không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt khá với mức tăng trưởng là 11,28%.

Trong những tháng đầu năm 2023, “Nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện Bình Tân cũng đã xuất khẩu lô khoai lang đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện, tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền về mã số vùng trồng và đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Để thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh nhà không ngừng phát triển, ông Lữ Quang Ngời cho biết: Những lĩnh vực trọng tâm tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện và đẩy mạnh phát triển là:

Tập trung đầu tư, phát triển nhanh các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại; tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn; phát triển công nghiệp trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nguyên liệu của ngành nông nghiệp- thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn, mặn; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại, kết nối với vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, công nghiệp hiện đại, quy mô lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cũng cho hay: Tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao.

Song song đó, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI