Vui đón Tết Chol Chnam Thmay!

01:04, 13/04/2023

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay lại về trên khắp phum sóc. Đồng bào Khmer Vĩnh Long đón một cái Tết vui tươi, háo hức. Với bà con, Tết Chol Chnam Thmay không chỉ thắt chặt tình đoàn kết trong phum sóc, mà còn là dịp để chính quyền địa phương ngày càng gần gũi, gắn kết với nhân dân.

 

 

Hội thi gói bánh tét “Nghĩa tình quân dân”- đón mừng Tết Chol Chnam Thmay.
Hội thi gói bánh tét “Nghĩa tình quân dân”- đón mừng Tết Chol Chnam Thmay.

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay lại về trên khắp phum sóc. Đồng bào Khmer Vĩnh Long đón một cái Tết vui tươi, háo hức. Với bà con, Tết Chol Chnam Thmay không chỉ thắt chặt tình đoàn kết trong phum sóc, mà còn là dịp để chính quyền địa phương ngày càng gần gũi, gắn kết với nhân dân.

Vui đón Tết Chol Chnam Thmay

Về phum, sóc những ngày giáp Tết Chol Chnam Thmay, bà con Khmer tất bật dọn dẹp nhà cửa, cắt tỉa hàng rào cây xanh, chuẩn bị bánh trái và quần áo đẹp để ăn Tết. Em Thạch Minh Của (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) diện trang phục truyền thống, háo hức chuẩn bị các tiết mục văn nghệ phục vụ bà con.

Minh Của cho biết, Tết Chol Chnam Thmay là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Đồng thời là dịp sum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn, mừng tuổi, mừng thành quả qua một năm lao động sản xuất, học tập…

Qua đó, hướng mọi người làm những việc thiện để năm mới được hưởng an vui, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

“Những ngày Tết, mỗi nhà không thể thiếu bánh tét, thịt kho, cốm dẹp. Theo truyền thống của đồng bào Khmer, trong những ngày Tết Chol Chnam Thmay, không khí ở các phum sóc, chùa náo nhiệt suốt ngày đêm. Mọi người đi dâng hoa, nghe kinh, niệm phật. Sau phần lễ, phật tử đến chùa chiêm bái, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài ra, đồng bào còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, như múa rô băm, điệu nhảy lâm thôn... dưới dàn nhạc ngũ âm”, Minh Của chia sẻ.

Thư viện tỉnh trưng bày sách phục vụ bà con vui Tết.
Thư viện tỉnh trưng bày sách phục vụ bà con vui Tết.

Tại xã Tân Mỹ (Trà Ôn), hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn rộn ràng người mua sắm, đặc biệt là bà con đồng bào Khmer sắm sửa chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay.

Cô Thạch Thị Bông (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn) phấn khởi: “Lâu lâu mới có hội chợ về, lại về bán ngay dịp Tết nên tui vừa đi tham quan, vừa mua sắm vài cái xoong chảo, thau, đũa mới và bánh ngọt về ăn Tết”.

Cả nhà ông Thạch Son (ấp Mỹ Thuận, xã Tân Mỹ) đi hội chợ từ chiều và ở lại xem Liên hoan Văn nghệ quần chúng đồng bào Khmer cười vui: “Tết năm nay, Nhà nước tổ chức nhiều lễ hội bà con Khmer vui quá vui. Cháu theo chơi từ sớm đến tối mà vẫn chịu coi múa, không đòi về. Nhà đang ở của tui cũng được Nhà nước hỗ trợ cất mới. Con lớn đi làm ổn định nên cuộc sống gia đình cũng đỡ hơn trước nhiều”.

Ông Nguyễn Chí Hiếu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, cho biết: “Trong những ngày qua, bà con đồng bào Khmer rất vui mừng, phấn khởi vì Tết Quân dân được tổ chức gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức tại xã Tân Mỹ. Các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng, các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao… được tổ chức để bà con đón Tết sung túc, vui tươi”.

Bộ mặt phum sóc từng ngày đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngày càng được nâng lên. Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay càng phấn khởi hơn khi bà con vừa kết thúc một vụ mùa bội thu. Niềm hân hoan đón năm mới hòa cùng niềm vui được mùa đã tạo khí thế tươi vui trong đồng bào, hứa hẹn một năm mới sung túc, ấm no.

Đời sống đồng bào đổi thay từng ngày

Từ căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây cất từ năm 1993, đến nay anh Kim Ngọc Rem (ấp Cần Thay) đã sửa lại đẹp hơn với nền lót gạch men, tường ốp đá hoa cương và mua sắm nhiều vật dụng có giá trị trong nhà.

Cách nay 3 năm, anh Rem được Hội Nông dân xã hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi 70 triệu đồng, anh mua 3 con bò Pháp về nuôi cùng với 2 con bò nhà, đến nay đàn bò của anh nâng lên được 7 con. Tết Chol Chnam Thmay năm nay, gia đình anh Rem cùng nhau gói bánh tét, chuẩn bị nhiều món ngon đem đi chùa Cần Thay cúng và dùng bữa tại chùa.

Hiện Vĩnh Long có khoảng 22.000 người Khmer, chiếm 2,2% dân số. Tỉnh luôn quan tâm, thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, gia đình chính sách và hộ nghèo nhân dịp lễ, Tết; hỗ trợ cất nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc Khmer, mua thẻ BHYT hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm; bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển;…

Chương trình văn nghệ đón chào năm mới phục vụ bà con ở Chùa Cũ, ấp Trà Sơn, xã Hựu Thành (Trà Ôn).
Chương trình văn nghệ đón chào năm mới phục vụ bà con ở Chùa Cũ, ấp Trà Sơn, xã Hựu Thành (Trà Ôn).

Phát biểu tại buổi họp mặt nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thành Thế trân trọng biểu dương tinh thần phấn đấu vươn lên và những đóng góp quý báu của đồng bào dân tộc Khmer vào thành tích chung của Vĩnh Long trong thời gian qua và gửi đến toàn thể đồng bào Khmer trong tỉnh lời chúc mừng năm mới vui tươi, an toàn, đoàn kết, tiết kiệm và hạnh phúc.

“Thời gian tới, tôi mong rằng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác; gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết- hòa hợp, chung sức chung lòng xây dựng NTM, đô thị văn minh; tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, chống lại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, vấn đề dân tộc để nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc vốn tốt đẹp bao đời nay”, đồng chí Nguyễn Thành Thế đề nghị.

Theo Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh- Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long, năm 2023 Tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ ngày 14-16/4. Đây là lễ đón năm mới, quan trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer. Vào dịp này, đồng bào thường đến chùa thực hiện các nghi thức cúng lễ.

Sau lễ đón chào năm mới, bà con sắm sửa lễ vật tập trung về chùa, cùng với các vị chư tăng thực hiện nghi thức cầu kinh, cầu bình an và mọi điều tốt lành. Ngày Tết của đồng bào Khmer trong vùng trở nên vui tươi, ấm áp hơn khi có sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: QUYÊN THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh