Ở phía cuối nguồn sông Mekong, dòng Cổ Chiên mênh mông như dải lụa mềm nối sông Tiền uốn lượn qua những bãi cồn, cù lao rồi hòa vào biển cả.
Vườn cây trái tươi tốt trong đê bao liên hộ ấp Tân Phong. |
(VLO) Ở phía cuối nguồn sông Mekong, dòng Cổ Chiên mênh mông như dải lụa mềm nối sông Tiền uốn lượn qua những bãi cồn, cù lao rồi hòa vào biển cả. Dòng sông mang xứ mệnh đưa nước ngọt, phù sa góp phần làm giàu cho miền châu thổ, đồng thời cũng tạo nên các vùng sinh thái, vùng sản xuất khác biệt: ruộng lúa, vườn cây ăn trái Vĩnh Long, xứ dừa Bến Tre, vùng trồng lúa- lác (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) và gần cuối hạ lưu, xã cù lao Hòa Minh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) người dân bao đời nương theo con nước “mặn tới thả nuôi tôm, cua biển; ngọt về trồng lúa thơm”…
Những ngày nắng chói chang đầu tháng 4, chúng tôi men theo dòng Cổ Chiên và dừng lại nơi cây cầu Cổ Chiên nối đôi bờ xanh ngát.
Thời điểm độ mặn lên 3-4‰, xâm nhập vào sâu 40-50km (từ đầu năm, có thời điểm mặn xâm nhập đến 60km), nhưng câu chuyện làm ăn cứ rôm rả, lấp lánh niềm vui: bên này người dân đội nắng ra đồng thu hoạch lác, bên kia chuyện làm kinh tế dưới vườn nói không hết…
Kỳ 1: Mở ra “hệ sinh thái” dưới tán dừa
Người dân huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) dường như không lo “nắng bể đầu” vì đã có bóng dừa mát rượi, cũng không lo nước mặn xâm nhập bởi đã tận dụng, khai thác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Trong đó, cây dừa giữ vai trò quan trọng, không chỉ tạo chuỗi giá trị toàn diện với hàng trăm dòng sản phẩm từ dừa; mà với sự năng động, sáng tạo, chính quyền và người dân nơi đây còn mở ra cả một “hệ sinh thái” phát triển kinh tế dưới vườn dừa đầy triển vọng.
“Hệ sinh thái” đa dạng dưới vườn dừa. |
Đê bao liên hộ: Trữ ngọt, ngăn mặn, chặn triều cường
Từ huyện Càng Long vượt qua sông, cầu Cổ Chiên như gối đầu lên thảm dừa xanh bất tận nối tiếp QL60 đi qua xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam), chỉ cần rẽ vào một con đường bất kỳ thì như đã “lạc” vào miền xanh mát khác lạ.
Mở đầu câu chuyện với nhà báo, ông Nguyễn Văn Lượm- Chủ tịch UBND xã Thành Thới A, đã nói ngay thế mạnh của xã là: “Cây dừa và chăn nuôi. Đặc biệt hơn năm nay, nhờ hệ thống đê bao khép kín liên hộ trữ ngọt, ngăn mặn, chặn triều cường… đem lại nhiều lợi ích, mở ra cơ hội làm ăn cho bà con.
Trong điều kiện sông rạch chằng chịt, nếu từng hộ tự đắp đê bao sẽ tốn kém và không hiệu quả, nhờ sáng kiến của Hội Nông dân xã và đồng thuận của người dân, mô hình đê bao liên hộ giúp chủ động tưới tiêu, làm vườn kết hợp chăn nuôi thuận lợi”.
Được trao tặng mô hình “Dân vận khéo” xuất sắc tiêu biểu năm 2022 của tỉnh Bến Tre, “tác giả” cũng là người trực tiếp vận động người dân thực hiện, ông Nguyễn Thanh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Đã ấp ủ mô hình từ lâu. Hồi trước gia đình tôi có hơn 10 công trồng dừa, nhờ đắp đê bao mà vườn khô ráo, cây phát triển xanh tốt hơn những vườn bị ngập nước”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A và Trưởng ấp Tân Phong kiểm tra đê bao liên hộ bảo vệ sản xuất. |
Từ năm 2022 nhận nhiệm vụ mới, Chủ tịch Hội Nông dân xã đã mạnh dạn đề xuất làm thí điểm. Bởi thường xuyên triều cường dâng cao làm ngập vườn, ảnh hưởng đời sống nên khi được vận động người dân “gật đầu cái rụp”.
Tháng 4/2022, chính quyền và nhân dân cùng bắt tay vào làm tuyến đê bao liên hộ ấp Tân Phong, với chiều dài 1,5km, thiết kế ngang 1m, cao 1,5m; bao quanh 2 rạch lớn và 3 rạch nhỏ, bảo vệ cho hơn 10ha và 25 hộ dân hưởng lợi ích từ công trình.
Theo ông Tuấn, ước tính kinh phí thực hiện 320 triệu đồng và đều do người dân đóng góp, hiến đất, cây trồng cũng như ngày công lao động.
Đưa chúng tôi tham quan tuyến đê bao liên hộ đã hoàn thành cao ráo như ôm lấy, bảo vệ vườn dừa thoát khỏi tình trạng ngập nước, ông Tuấn chỉ dấu mép nước còn để lại ngấn phía bên ngoài con rạch cho biết: “Nếu không có đê bao thì vườn dừa đã ngập lênh láng.
Để đắp đê, người dân sẵn sàng lấy đất trong vườn, ước hơn 1.000m3 đất, nếu quy ra tiền sẽ là con số không nhỏ. Nhưng tính lâu dài, công trình tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập… hiệu quả mang lại nhiều hơn. Đến nay các ấp khác trong xã cũng làm theo mô hình này”.
“Không chỉ là triều cường mới gây ngập, mà bây giờ một tháng gần như nước tràn vô vườn hết 20 ngày. Người dân của ấp Tân Phong chủ yếu trồng dừa, bưởi kết hợp chăn nuôi mà bị ngập thường xuyên nên hiệu quả thấp.
Do vậy, khi các hộ đồng thuận liên kết làm đê bao, vườn dừa được chăm sóc, chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Cao- Trưởng ấp Tân Phong, nói và đúc kết: “Một hộ không thể đắp đê bao, nhưng 25 hộ liên kết thì đã làm được”.
Phát triển kinh tế dưới vườn dừa
Từ việc liên kết làm đê bao liên hộ, theo ông Nguyễn Văn Lượm người dân cũng tính chuyện liên kết phát triển kinh tế vườn. Chẳng hạn, cây dừa phát triển theo hướng hữu cơ, đầu ra ổn định và bán giá cao hơn.
Dưới vườn dừa trồng cỏ nuôi bò, dùng phân bò ủ hoai làm phân hữu cơ bón cho dừa tăng năng suất. Trong khi đó, số hộ đầu tư nuôi gà, vịt bằng nệm lót sinh học cũng tăng lên.
Ngoài ra, “cùng với lợi thế giao thông thủy bộ, như QL60 qua 5/6 ấp của xã, các hương lộ cùng với cầu Cổ Chiên và 2 tuyến sông… UBND xã Thành Thới A cũng tính làm du lịch từ vườn dừa, vườn bưởi, tham quan sông nước”, ông Lượm cho biết.
Đó là một hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng, bởi từ vài năm qua, người dân đã tận dụng lợi thế “vườn dừa mát rượi” và “view” đẹp sông Cổ Chiên mở các dịch vụ ăn uống, giải khát phục vụ nhu cầu người dân địa phương và du khách.
Bên cạnh những rặng dừa dịu bóng mát, còn tạo ra ngành nghề sơ chế, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa… nếu biết tận dụng “nối tour” cho du khách tham quan, trải nghiệm sẽ tạo sức hút riêng cho vùng đất bên sông này.
Chú Tư (chú Lê Văn Hoàng Em) chăm sóc đàn dê bên vườn dừa sai trái. |
Còn thực tế dưới vườn dừa trong đê bao liên hộ ấp Tân Phong, chú Tư (chú Lê Văn Hoàng Em) chỉ vườn dừa trĩu trái bảo: “Giờ khỏe lắm. Chân vườn khô queo. Vườn dừa đã xanh mướt mắt. Cỏ trong vườn dừa lên nhanh dư sức cho dê ăn thoải mái”.
Vườn trồng dừa, bưởi; chuồng nuôi dê, heo của chú Tư là điển hình kinh tế vườn dưới vườn dừa, khai thác và tận dụng tốt diện tích, nguồn phế phẩm làm phân bón.
Trồng giống cỏ chịu ngập nước và ngấn nước nơi thềm hàng ba, là những “dấu tích” mà theo chú Tư “hễ triều cường lên là ngập nhà, thậm chí không có đường đi ra lộ”.
Giờ nhà khô ráo, sạch sẽ, vườn dừa phát triển, đất trống trong vườn “đâu cũng trồng cỏ được”. Trong 5 công vườn, chú trồng 4 công dừa bán trái khô và 1 công dừa dứa.
Theo chú Tư, dừa dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, nhưng nhà nông cũng phải tính toán. Trong khi hiện nay dừa khô rớt giá, chật vật đầu ra, thì “dừa dứa của tui trồng theo hướng hữu cơ luôn giữ “phong độ” giá cao, ổn định 100.000 đ/chục 12 trái”, chú Tư khoe và cho rằng: làm kinh tế vườn phải có nghiên cứu thị trường và kiên trì, chứ không thể chạy theo số đông sẽ không tránh khỏi điệp khúc chặt- trồng”.
Gắn bó và kiên trì với cây dừa mấy chục năm và là sinh kế chủ yếu trong gia đình, chú Tư cho hay: “Cây dừa xài hết, chẳng bỏ thứ gì!”.
Từ lúc còn xanh tốt cho đến lúc lão rồi được đốn hạ, chẳng có thứ nào, bộ phận nào của dừa là bị bỏ phí. Trái dừa lấy nước uống, làm thạch dừa.
Dừa còn là sản phẩm làm đẹp, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay xơ dừa, mụn dừa dùng làm phân bón… Có lẽ về giá trị kinh tế hay trong tình cảm, hầu như không chỉ người Bến Tre, mà ai trồng dừa cũng tin yêu và tự hào về loại cây “tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ” này.
Kỳ cuối: Chủ động và linh hoạt nên “sống khỏe”
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin