Được đến với quần đảo Trường Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, là mong ước, khát khao lớn lao của mỗi người dân Việt Nam. Những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi theo chuyến tàu Đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra khơi, mang theo những món quà, hơi thở mùa Xuân đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo.
Chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa nhận được nhiều tình cảm, động viên, của đồng chí, đồng bào. |
(VLO) Được đến với quần đảo Trường Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, là mong ước, khát khao lớn lao của mỗi người dân Việt Nam. Những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi theo chuyến tàu Đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra khơi, mang theo những món quà, hơi thở mùa Xuân đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo.
Đối với người làm báo, đó còn là niềm vinh dự, tự hào góp phần đem hơi ấm, tình cảm của đất liền ra với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và mang hình ảnh của quân dân nơi đảo xa về với đất liền.
Hãy cùng chúng tôi vượt lên những cánh sóng trong “một hải trình như mơ” với rất nhiều cảm xúc khó tả lần đầu tiên đặt chân lên vùng biển đảo tiền tiêu, qua ký sự ra với Trường Sa những ngày đầu Xuân mới.
Kỳ 1: Chuyến tàu mùa Xuân
Hải trình từ Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) gần 250 hải lý ra Trường Sa trên những con sóng bạc đầu hung tợn, có lẽ không dành cho người dễ say sóng. Nhưng vượt qua tất cả, chúng tôi đã đặt chân lên đảo Trường Sa trong niềm vui sướng, háo hức vô cùng như được gặp lại người thương yêu bao ngày mong ước.
Gửi gắm thương yêu ra Trường Sa
Trước khi ra Trường Sa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thông báo cho phóng viên các cơ quan báo chí tuân thủ các biện pháp kiểm soát phòng dịch COVID-19 cần thiết, nên chúng tôi được test nhanh hàng ngày trong thời gian cách ly.
Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa triển khai nhiệm vụ bắt đầu một ngày mới. |
Thật ra đó là “khoảng đệm” hữu ích để chúng tôi tìm hiểu thêm tư liệu về Quần đảo Trường Sa, kiểm tra các dụng cụ tác nghiệp, nhiều đồng nghiệp còn chuẩn bị những phần quà Tết ý nghĩa đem ra tặng cán bộ, chiến sĩ và người dân biển đảo. Ngày ra bến cảng lên chuyến tàu khởi hành cảm xúc vì thế càng đặc biệt hơn.
Lễ tiễn quân diễn ra trên Quân cảng Cam Ranh trang trọng và đầy xúc động với sự tham dự của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và lãnh đạo địa phương.
Trong không khí vui tươi ngày đầu năm, những chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ cũng thể hiện sự hồ hởi, phấn khởi khi nhận được nhiều lời động viên, tình cảm của đồng chí, đồng bào.
Lên đường nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ trẻ chia sẻ rằng thật vinh dự và tự hào khi được cống hiến sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Chiến sĩ Vũ Văn Tĩnh (quê Nam Định) cũng bày tỏ niềm tự hào khi là người lính hải quân, được tham gia bảo vệ nơi đảo xa: “Em nhận được sự ủng hộ, động viên mạnh mẽ từ gia đình, bạn bè.
Em sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ thật tốt để xứng đáng là người lính hải quân, là người dân của Tổ quốc Việt Nam”.
Từng hồi còi tàu thôi thúc vang lên, con tàu rời cảng lướt sóng hướng ra Biển Đông. Theo Đại tá Nguyễn Văn Bách - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, những con tàu của Vùng 4 Hải quân rời Quân cảng Cam Ranh ra khơi để đến với huyện đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đây là chuyến đi đặc biệt, mang theo những tình cảm, niềm tin, món quà giản dị và hơi thở mùa Xuân từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên Quần đảo Trường Sa.
Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Nhân dân cả nước đối với biển, đảo nói chung và Quần đảo Trường Sa nói riêng.
Hải trình của chúng tôi được dự báo thời tiết không thuận lợi, gió to, sóng cao 3 - 5m. Ngoài hàng hóa là những vật dụng sinh hoạt thiết yếu phục vụ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, còn nhiều món quà mang hương vị ngày Tết gửi ra Trường Sa.
Vì vậy, Trung tá Bùi Xuân Hòa- Hải đội trưởng Hải đội 411, Lữ đoàn 955 cho biết từng loại hàng hóa được cán bộ, chiến sĩ phân loại, gói ghém, bảo quản kỹ lưỡng tránh nước mặn xâm nhập. Những cây cảnh như đào, tứ quý được bọc nilon hạn chế tác động gió biển, bởi hơi mặn ám vào tán lá, cây dễ chết khô.
Đi cùng chuyến tàu với chúng tôi, anh Trần Văn Hiền- Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Đắk Lắk, mang ra biển đảo là 5 tấn phân vi sinh với mong muốn phát triển cây xanh trên đảo.
Chị Đặng Thị Phương Hoa (Hội viên Hội Nhà báo Hà Giang) mang theo 8 thùng hàng to đùng là những măng khô, tai chua khô, trà mạn, bánh tam giác mạch và thậm chí chị còn chuẩn bị cả những gói bồ kết tán bột để anh em cán bộ, chiến sĩ có cái gội đầu…
Trên từng tấc đảo, sải biển Trường Sa
Quần đảo Trường Sa có tên tiếng Anh là Spratley Islands nằm ở phía nam Biển Đông. Điểm gần nhất của quần đảo cách Vũng Tàu khoảng 340 hải lý và cách Cam Ranh khoảng 250 hải lý.
Mùa Xuân đến đảo Trường Sa. |
Quần đảo Trường Sa có khoảng trên 150 đảo nổi, chìm lớn nhỏ với diện tích các đảo nổi vào khoảng 10km2. Quần đảo Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa: huyện đảo Trường Sa.
Điều thú vị chúng tôi đọc được từ trang Canhsatbien.vn, về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Mà một trong những bằng chứng đó là việc tìm lại cội nguồn của cách đặt tên các đảo trên quần đảo Trường Sa. Theo các tư liệu cũ thì các thuật ngữ Bãi Cát Vàng rồi sau này là Trường Sa đều là các địa danh mang truyền thống của người Việt Nam.
Cho đến nay trong phạm vi quần đảo Trường Sa đã có tới hơn 150 địa danh mang tên tiếng Việt và quốc tế.
Trong đó đa số địa danh được đặt tên theo tính dân tộc - sử dụng tính mô phỏng hay đặc tả (như các tên Thuyền Chài, Sơn Ca...), danh nhân (Phan Vinh, Huyền Trân...), định hướng (Song Tử Tây, Song Tử Đông, Đá Bắc, Đá Nam...), âm hán (Kỳ Vân, Song Tử...).
Trong hải trình lần này, chúng tôi sẽ được đến thăm một số đảo, điểm đóng quân thuộc huyện Trường Sa. Phát biểu của Đại tá Nguyễn Văn Bách làm chúng tôi thật sự bồi hồi: “Quần đảo Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, là hương hỏa tổ tiên ông cha ta từ hàng trăm năm nay để lại.
Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu.
Nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, những người con ưu tú của Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh để giành và giữ lấy chủ quyền từng tấc đảo, sải biển Trường Sa.
Biết bao xương, máu, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống, nhiều đồng chí vĩnh viễn nằm lại với biển, đảo để xây dựng, bảo vệ cho Trường Sa có được như ngày hôm nay”.
Các em nhỏ TT Trường Sa đến trường. |
Chuyến tàu cập cảng đảo Trường Sa khiến chúng tôi vô cùng phấn chấn và quên hết những sóng gió trên hành trình do thời tiết không thuận lợi. Nhà báo Bích Chi - Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long đứng ở cột mốc đảo Trường Sa vui sướng: “Tôi đã chạm tới ước mơ”.
Đối với rất nhiều người dân Việt Nam, được một lần ra với Trường Sa luôn là ước mơ thật lớn lao, càng đặc biệt hơn khi chúng tôi còn được tác nghiệp nơi vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Như lời chia sẻ Đại tá Nguyễn Văn Bách: “Một lần được đến với Trường Sa đã rất quý báu, được cống hiến sức lực, tâm huyết cho Trường Sa, gánh vác sứ mệnh xây dựng và giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào lớn lao”.
Bước chân lên đảo Trường Sa chúng tôi thật ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này.
Đảo Trường Sa như một viên ngọc xanh lấp lánh giữa trùng khơi, các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khang trang, con đường từ cầu cảng dẫn đến khu trung tâm, trường học, trạm xá, chùa, khu nhà ở của các hộ dân… đều được đầu tư đẹp đẽ rợp bóng cây xanh. Nước ngọt, điện năng lượng sạch đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Đón chào chúng tôi là những cái bắt tay thật chặt của quân dân trên đảo, cùng tiếng hát ríu rít của các em nhỏ trong bài đồng dao rộn rã: Nu na nu nống… Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt!
>>Kỳ sau: Đảo là nhà, biển đảo là quê hương
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin