Tản văn

Chờ Xuân đợi Tết

Cập nhật, 09:47, Thứ Hai, 09/01/2023 (GMT+7)

 

 

Mấy hôm nay không khí Tết đã tràn về khắp xóm. Những liếp hoa cúc cũng bắt đầu cho nụ. Những cây mai vàng được lặt lá, trên cành nụ với nụ chờ đúng hẹn sẽ khoe sắc vàng rực rỡ.

Những luống cải mần dưa màu xanh mát mắt như hứa rằng có món dưa cải ngon lành để chấm nước thịt kho rệu. Với món dưa cải, dưa kiệu và thịt kho hột vịt không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Thời điểm mọi người, mọi nhà đều tất bật chuyện mần ăn, sắm sửa chuẩn bị đón Tết.

Không khí Tết làm nôn nao những người xa quê. Những người đi làm ăn xa mỗi năm một lần về quê ăn Tết, được sum vầy bên nụ cười rạng rỡ của ông bà, ba mẹ, người thân. Tết là dịp người xa quê trở về gian bếp cũ đầy tiếng nói cười. Nhìn những người phụ nữ thân thương ngồi gói bánh tét, những đứa trẻ hân hoan chạy đùa khoe áo mới. Gia đình là mái nhà ấm cúng là nơi hội tụ của những nụ cười xuân.

Người xa quê đợi Tết để được ăn những món ăn ngon từ chái bếp cũ, với những món truyền thống mà đi xa lại càng thèm thuồng.

Nhắc đến món ăn lại thèm món lạp xưởng và thắc mắc tò mò vì sao ngày Tết người ta hay làm món lạp xưởng để dâng cúng tổ tiên ông bà.

Đi tìm sách văn hóa “Giải mã văn hóa Việt” của tác giả Dương Văn Sáu đọc rõ ngay: “Cũng xuất phát từ tập tục xa xưa trong đời sống của cư dân miền núi: Sau khi săn được thú rừng, để bảo quản và dự trữ thức ăn, người ta xẻ miếng thịt dài rồi treo trên bếp, băm nhỏ xương thịt hỗn hợp của con vật săn bắt hoặc chăn nuôi được rồi nhồi vào cỗ lòng của nó để ướp treo lên gác bếp xông khói, hun khói bảo quản dùng làm món ăn để dự trữ được lâu dài.

Do đó, món ăn này được người Hoa gọi là món “lạp xường” hay “lạp xưởng” do vốn được gọi từ món là “lạp trường”: món ruột dài để được ướp, hấp sấy để dâng cúng lên tổ tiên mang ý nghĩa là dâng miếng lòng/tấm lòng của con cháu và cũng là món dự trữ dùng để ăn dần về sau”.

Và những đứa trẻ chờ Xuân đợi Tết để được nhận bao lì xì, vì nhận được lời chúc tốt lành, mong ước khỏe mạnh, chóng lớn, thông minh từ người lớn. Những đứa con, cháu trưởng thành tặng bao lì xì đến ông bà với lời chúc sức khỏe, mong ước ông bà được trường thọ. Ý nghĩa của phong tục lì xì không thể hiện qua mệnh giá tiền mà thể hiện qua tấm lòng của người tặng và người nhận. Phong tục tốt đẹp vẫn còn hiển hiện trong ba ngày Tết.

Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán, Tết truyền thống, Tết âm lịch,… vẫn là cách gọi về cái Tết quan trọng nhất của người Việt. Để thấy rằng Tết vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống người dân với ý nghĩa về sự đoàn viên của mọi gia đình. Cứ thế thời gian trôi mà người ta vẫn chờ Xuân đợi Tết về.

Tết đến Xuân về chúng ta hãy rót tiếng cười, mừng năm mới an vui, sum vầy.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG