Trải qua bao năm tháng từ trước Cách mạng tháng Tám đến cả cuộc đời, bác Sáu Dân đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, chứng kiến bao tấm gương hi sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi, …
[links()]
(VLO) Trải qua bao năm tháng từ trước Cách mạng tháng Tám đến cả cuộc đời, bác Sáu Dân đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, chứng kiến bao tấm gương hi sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi, … Bác Sáu hiểu rằng, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân và sức mạnh lòng dân là tài sản vô giá, như lời Bác Hồ dạy “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 100 năm Võ Văn Kiệt - bác Sáu Dân gói gọn trong một chữ “DÂN” như thế.
Nụ cười Võ Văn Kiệt luôn sáng mãi trong lòng dân (ảnh Internet) |
Bác Sáu Dân của mọi người
Chữ “Dân” gắn với bác Sáu bằng cả tình yêu thương, trách nhiệm của mỗi đảng viên “trung với nước, hiếu với dân”; đến mức, bác giành với vợ Kim Anh, đặt tên con gái đầu lòng là “Hiếu Dân”. Vì lẽ đó, bác Sáu Dân luôn gần gũi, quan tâm lắng nghe tiếng nói của nhân dân và có những quyết định đúng đắn, kịp thời.
Bác Sáu là bạn của nông nhân, công nhân, trí thức, thiếu nhi, doanh nghiệp, nghệ sĩ, … Trong quyển “Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa”, NXB Trẻ 2010, ông Nguyễn Trung- nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Hình như anh Sáu là người được sinh ra ở khắp mọi nơi.
Đến đâu anh cũng có nhiều chiến hữu, nhiều bạn bè đã đành, cứ như là quê mình vậy. Song khi bàn luận về công việc, về một công trình hay đề tài kinh tế, cũng như trong tham quan thực địa, nhiều lúc anh Sáu như một thầy giáo siêu hạng về môn Địa lý kinh tế”.
Là người luôn thiết tha nghe tiếng nói từ dân, chú trọng thực tiễn, bác Sáu đi đến mọi nơi và trực tiếp lắng nghe tiếng nói của mọi người.
Ông Tư Thạch xem những bức ảnh được chụp cùng chú Sáu Dân như bảo vật gia đình. |
Ông Võ Văn Thạch (Tư Thạch) ở xã An Phước, huyện Mang Thít, năm nay đã 75 tuổi, dù sức khỏe, trí nhớ giảm nhưng những kỷ niệm về Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì cứ vẹn nguyên.
Ông Tư Thạch nhớ như in lần đầu tiên “bữa đó mùng ba Tết năm 1993”, đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng phu nhân và đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm. “Đây, ông Sáu ngồi cái ghế này, chỗ này, rồi ông bắt tay tôi, kêu tôi gọi là chú Sáu đi cho gần gũi” - ông Tư Thạch kể.
“Thủ tướng hỏi thăm tình hình làm ăn của làng gạch gốm, thuận lợi, khó khăn làm sao? Sau khi hỏi thăm, chú Sáu hỏi tôi có đề nghị gì không, tôi mạnh dạn nói, đề nghị Thủ tướng xem xét giúp ngành gạch gốm được miễn giảm thuế thì ngành mới sống còn được” - ông Tư Thạch nhớ lại.
Mỗi ý kiến đều được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắng nghe, ghi nhận và sẽ bàn bạc lại với tỉnh, bộ ngành liên quan. Và điều ông Tư Thạch càng bất ngờ hơn là “cỡ một tháng sau thì ngành gạch gốm được giảm 30% thuế trong năm đó.
Rồi ba tháng sau đề nghị vay vốn, các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, lần đầu tiên tôi cầm số tiền 12 tỷ đồng “hết hình dung nổi” và đã làm được biết bao nhiêu việc”.
Ông Tư nhìn về phía bộ ghế sô pha, bồi hồi: “Thủ tướng gần gũi lắm, ông lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, người dân. Và những cái mình đề nghị hợp lý đều được triển khai ngay”.
Có lẽ vì những ý kiến thật lòng, thật dạ của một doanh nghiệp đại diện cho làng nghề nên bác Sáu Dân càng quý mến ông Tư Thạch nhiều hơn. Từ đó, nhà ông Tư Thạch được đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều lần.
Ông Trần Văn Nuôi vẫn thường xuyên đến viếng Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Đối với ông Trần Văn Nuôi (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm)- người phụ trách phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi của bác Sáu Dân mỗi bận về Vũng Liêm khi đã thôi làm Thủ tướng - thì “được gần gũi, chăm sóc bác Sáu là hạnh phúc, niềm tự hào của cả đời tui”.
Ông Nuôi kể chuyện với đôi mắt đỏ hoe: “Mỗi khi có dịp về đây, bác Sáu đều dành thời gian tìm hiểu tình hình làm ăn của bà con; hướng dẫn cán bộ cách thức chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển đàn bò, trồng nấm rơm ở Vũng Liêm cũng từ những gợi ý của bác Sáu”.
Tưởng nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nuôi vẫn thường xuyên đến viếng khu lưu niệm. “Vẫn nhớ mãi nụ cười của bác Sáu. Bác Sáu cười đẹp lắm” - ông Nuôi xúc động nói.
Kỳ vọng trước lúc đi xa
Với quê hương Vũng Liêm, khi còn đương nhiệm cũng như lúc về hưu bác Sáu luôn đặt nhiều kỳ vọng về sự phát triển của huyện nhà, trước hết là chăm lo đời sống nhân dân.
Đảng bộ Vũng Liêm luôn ghi nhớ lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “về công tác xóa đói giảm nghèo Vũng Liêm chúng ta còn là huyện nghèo đòi hỏi đại hội các đồng chí lãnh đạo của nhiệm kỳ này dứt khoát phải đưa Vũng Liêm thoát khỏi cái nghèo, trở thành huyện khá, giàu, đó là nhiệm vụ của 3.000 đảng viên, lực lượng tiên phong gương mẫu đi đầu trong nhiệm vụ… Hễ dân không nghèo thì đảng viên không ai nghèo nó gắn liền với nhau như là một”.
“Về phát triển kinh tế, tôi mong muốn cán bộ chúng ta bất cứ cấp nào cũng cần đi sát xuống dân, xuống tận cơ sở để hiểu rõ những khó khăn bức xúc, …” - bác Sáu căn dặn thêm: “Không gò ép bên dưới theo khuôn khổ bên trên mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo để mang lại hiệu quả …
Chăm lo đời sống nhân dân phải bám sát dân để kịp thời giải quyết những khó khăn mà dân không tự giải quyết được”.
Đặc biệt, bác Sáu Dân lưu ý “về công tác dân vận và mặt trận đối với dân là không phân biệt người có đạo hay không có đạo, không kể quá khứ của bất cứ ai”.
Xây dựng Đảng là chăm lo mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng, đảng viên phải biết dành phần khó về mình, phần dễ cho dân. Đó là đạo đức, đạo lý của một Đảng cách mạng. Đồng thời, phải phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Lê Văn Lập - Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm chia sẻ: “17 năm qua, kể từ năm 2005 ông về dự đại hội đảng bộ huyện Vũng Liêm lần thứ 9, đảng bộ huyện đã không ngừng vận dụng, triển khai thực hiện và đạt được kết quả đáng tự hào”.
Từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ huyện Vũng Liêm đã vận dụng quan điểm của bác Sáu Dân đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đồng thời gắn với xây dựng nông thôn mới và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. “Từ tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 2,72%, đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn một 1,26% theo tiêu chí mới” - ông Lập cho biết.
Trước lúc đi xa, bác Sáu Dân vẫn còn trăn trở với quê hương Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung, là vựa lúa của cả nước nhưng mức sống của người dân còn rất thấp so với các vùng miền trong cả nước, ... Và theo chúng tôi, ba mũi đột phá lớn để phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL được nêu trong Hồi ký Võ Văn Kiệt là “giao thông, thủy lợi và giáo dục” đã thể hiện tầm nhìn Võ Văn Kiệt, là bài học, giải pháp còn nguyên ý nghĩa cho đến hôm nay.
Chiếc áo giáp thần kỳ của lòng dân
Trong hồi ức của mình, bác Sáu Dân không quên ân tình của nhân dân và đó cũng là nền tảng làm nên một bác Sáu Dân của dân sống trọn đời vì dân, vì nước.
“Có lần, tôi đã nằm trong tay địch, nhưng nhờ sự mưu trí, gan dạ của bà con biết cách thuyết phục anh em ở trong hàng ngũ hội tề và người đằng mình đã tạo điều kiện cho tôi và một đồng chí thoát ra”.
“Chiếc áo giáp thần kỳ” của lòng dân, hết lần này tới lần khác người dân bằng trí tuệ, sự gan dạ, lòng yêu nước của mình đã giúp đỡ bác Sáu Dân vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long bày tỏ: “Với quê hương, đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã sống trọn vẹn nghĩa tình. Đồng chí đã cống hiến biết bao tâm huyết, sức lực cho khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và sự vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng. Sẽ còn mãi vang vọng đến mai sau lời căn dặn ân tình của đồng chí: Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả”. |
Theo bác Sáu, khi Đảng có đường lối đúng, đáp ứng được lòng dân, thì dân là nước đẩy con thuyền cách mạng do Đảng chèo lái tiến đến thắng lợi.
Một ví dụ về một “địa đạo Củ Chi nằm trong lòng đất và lòng dân” là căn cứ vững chãi làm nên một “miền Đông đất thép thành đồng” dưới sự chỉ đạo của Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Võ Văn Kiệt.
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, dù thành công hay chưa thì bài học rút ra đều có “thế trận lòng dân” đã được xây dựng vững chắc hay chưa.
Theo bác Sáu Dân, “bài học của đại hội VI, xét đến cùng, cũng chính là bài học biết dựa vào dân, lắng nghe nguyện vọng của dân, tiếp nhận những sáng tạo của đảng viên và quần chúng, phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện để sức mạnh tiềm tàng đó được khơi dậy. Đó là bài học nóng hổi mà Đảng cần quan tâm”.
Bác Sáu Dân là thế! Đúng như lời nhà ngoại giao Nguyễn Trung - nguyên Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét: “Điều cốt lõi làm nên Võ Văn Kiệt là lòng yêu nước thương dân, ý chí xả thân vì nước, nghị lực kiên cường, đồng thời biết dựa vào trí tuệ của dân, của nước, của bè bạn để nâng cao không ngừng khả năng thực hiện trọng trách của mình…”.
Bởi với ông, từ cuộc sống nông dân đi ra, ông luôn giữ cho mình khả năng trở về với cuộc sống nông dân trong mọi diện mạo. Chỉ ý chí kiên định và trái tim nồng cháy dành cho nhân dân, đất nước là không bao giờ đổi thay...
Xin mượn lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn để khép lại hành trình theo chân bác Sáu Dân. Bài hát viết về một con người cụ thể, con người đó luôn sống đoàn kết và sống vì mọi người đến phút cuối của cuộc đời mình, đó là bác Sáu của nhân dân - Võ Văn Kiệt!
“Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây
Sống gần nhau thân mới thẳng…
Chân lý thuộc về mọi người
Không chịu sống đời nhỏ nhoi
Chân lý thuộc về bạn bè tôi
Những người sống vì mọi người”.
Xin cảm ơn bác Sáu Dân về những bài học vĩ đại của một con người bình dị và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh lòng dân và cái gì có lợi cho dân phải dốc sức làm. “Phải làm gì để gia đình mình, đất nước mình giàu có, cuộc sống văn minh hơn?” Lời của bác Sáu chúng con xin khắc ghi trong lòng, để ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong dựng xây quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long người đã có hơn 20 lần gặp gỡ, làm việc cùng bác Sáu Dân, cho rằng: “Điểm đặc biệt ấn tượng của chú Sáu là cách suy nghĩ nhân văn, vượt lên mọi ích kỷ đời thường làm nên một ông Sáu Dân của nhân dân Việt Nam”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin