Bác Sáu Dân trong lòng dân Nam bộ: Kỳ 4: Hãy tin vào thế hệ trẻ

Cập nhật, 11:19, Thứ Hai, 26/12/2022 (GMT+7)

Khu lưu niệm Võ Văn Kiệt là khuôn viên mở để cho các cháu thiếu nhi, học sinh được đến vui chơi như mong muốn của bác lúc sinh thời.
Khu lưu niệm Võ Văn Kiệt là khuôn viên mở để cho các cháu thiếu nhi, học sinh được đến vui chơi như mong muốn của bác lúc sinh thời.

(VLO) Bác Sáu Dân luôn dành niềm tin, sự yêu thương cho thế hệ trẻ. Với thiếu nhi thành phố,  bác Sáu nói: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em” hay khi nhắn gửi cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, bác nhắc nhở các đồng chí hãy “tin vào thế hệ trẻ”. Bác Sáu Dân không chỉ dành tình yêu thương, niềm tin mà còn thấu hiểu và xác định giáo dục thế hệ trẻ là quốc sách hàng đầu để đất nước tiến lên.

Người luôn tin yêu tuổi trẻ

Thế hệ trẻ luôn nhận được từ bác Sáu sự tin tưởng, khích lệ và dành cho những gì tốt nhất.

Trong thư gửi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996 - 2000, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Tôi khẩn thiết mong các đồng chí lão thành và các đồng chí thế hệ đàn anh có sự nhất trí cao về lòng tin vào lớp trẻ, cổ vũ lớp trẻ đem hết nhiệt tình cách mạng, sự năng động và khả năng sáng tạo của mình tận tụy phục vụ những trọng trách đảm nhiệm sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà”.

“Đã có một thế hệ xem anh là thần tượng”- đó là một nhận định rất đúng của nguyên Bí thư Trung ương đoàn Vũ Mão - trong bài của ông về bác Sáu Dân “Vị Thủ tướng của hành động”: Anh có một vị trí đặc biệt trong lòng thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là thế hệ trẻ sau giải phóng.

Đó là hình ảnh hàng chục ngàn thanh niên ở công viên Tao Đàn, Dinh Thống Nhất hào hứng lắng nghe, im lặng như uống từng lời của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh - Võ Văn Kiệt. Họ im lặng lắng nghe và vỗ tay hưởng ứng dù phải ngồi nghe 2 - 3 giờ.

“Thế hệ trẻ đang lớn lên ở thành phố ta ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau, không ai chọn cửa mà sinh ra”.

Chính những lời phát biểu của bác Sáu Dân đã làm ấm biết bao trái tim tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh lúc đó, để họ sống và cống hiến, dựng xây thành phố bằng tất cả nhiệt huyết của thế hệ thứ tư.

Trái tim Võ Văn Kiệt luôn hướng về thế hệ trẻ với sự bao dung, niềm tin yêu sâu sắc. Câu chuyện về ông Tô Ngọc Thanh - biệt danh Bảy Đầu Bò, trước giải phóng vào đời sớm sống theo kiểu “đại ca”; sau giải phóng được cuốn hút vào Đoàn, Đội và cơ duyên được ngồi cùng bàn với bác Sáu Dân trong Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ năm 1977, thực sự ấn tượng.

Bởi lẽ dù bận trăm công nghìn việc và gặp hàng triệu con người, bác Sáu Dân khi làm Thủ tướng vẫn còn nhớ hỏi thăm tình hình Tô Ngọc Thanh và lời hẹn có dịp đến thăm nhà.

Và trong con hẻm nhỏ… năm 2003, bác Sáu Dân đến thăm gia đình ông Thanh, động viên và hỗ trợ ông sửa nhà,…

Sau khi hay tin bác Sáu Dân qua đời, ông Thanh đã xin phép gia đình bác Sáu và cha mẹ ông để được thờ bác Sáu Dân, vì ông xem bác như cha.

Những hình ảnh và dấu ấn Võ Văn Kiệt đã đi vào tình cảm thanh xuân của rất nhiều thanh niên và sâu đậm lắm đến nỗi chỉ cần chạm là nhớ.

Trong quyển “Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa”, NXB Trẻ 2010, nguyên Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh  Phạm Phương Thảo viết: “Sự chăm lo của chú đối với công tác thiếu nhi hết sức sâu sát, cụ thể. Chú và lãnh đạo thành phố đã dành những ngôi nhà đẹp nhất cho thiếu nhi, dành cả công viên riêng để thiếu nhi đến vui chơi, cắm trại, dành cả ngôi nhà chú đang ở để làm nhà trẻ”.

Không chỉ vậy, những đại hội dành cho thanh thiếu nhi đều được bác Sáu Dân quan tâm, coi trọng như một ngày hội lớn.

Và câu nói “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em” đã cho tuổi trẻ, thiếu nhi ý chí, quyết tâm. Bác Sáu Dân đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng cả tấm lòng tin yêu như thế.

Giáo dục trẻ là công dân tốt

Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình cải cách giáo dục, do Bộ GD- ĐT chủ trì năm 1991, NGND.TS. Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, vẫn còn nhớ rõ, hội nghị lần đó rất căng thẳng, do có những đánh giá khác nhau về vấn đề mới từ chữ viết đến nội dung chương trình dạy cụ thể từng khối lớp và việc giáo dục đạo đức thông qua các môn học.

Phó Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt đã lắng nghe và có những ý kiến chỉ đạo, được bà Đặng Huỳnh Mai ghi lại như sau: “Thứ nhất về chữ viết thì Bộ GD - ĐT nên cân nhắc giữa yếu tố truyền thống và nội dung cải cách trong việc chỉ đạo chuyên môn.

“Đất nước còn nghèo, sống hôm nay phải nghĩ đến ngày mai, các em cần bảo nhau hết sức quý trọng tiền bạc, phương tiện và vật tư là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, từng tấc đất và mọi tài nguyên của Tổ quốc” -  Võ Văn Kiệt.

Thứ hai giáo dục chú trọng đến phát triển giáo dục trẻ là công dân tốt thông qua việc dạy kiến thức chứ không nên chăm chăm vào đổi mới nội dung dạy học.

Thứ ba, điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là mỗi khi chỉ đạo điều gì thầy cô cần chú trọng đến khả năng nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi để việc dạy học được vừa sức không tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ mới lớn.

Một vấn đề sống còn của đất nước là phải đào tạo cho được nhân tài để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội sau này như Bác Hồ đã dặn.

Điều này phụ thuộc vào công chỉ đạo của bộ và công dạy dỗ của thầy cô. Điều thứ năm mà Bộ cần chú trọng đến xây dựng và đầu tư vào đội ngũ lãnh đạo các trường cũng như lực lượng giáo viên, có thầy giỏi mới có trò giỏi”.

Biết miền Tây Nam bộ còn nhiều khó khăn, bác Sáu Dân đã gọi các giám đốc Sở GD - ĐT đến dặn dò: “Miền Tây của mình nơi chiến trường ác liệt bà con nhân dân mình chịu nhiều mất mát, hi sinh, các cô chú ráng tập trung lo cho con em mình được học hành.

Nhớ xây trường cho vùng căn cứ kháng chiến, bổ sung cho đủ giáo viên giảng dạy, mở lớp bổ túc và bình dân học vụ cho nhân dân lao động; phải đặc biệt quan tâm đến vùng lũ như trường lớp, tôn lên cao, … đặc biệt là đưa lớp học về gần dân cho trẻ nhỏ tiện lợi đến trường không để tai nạn xảy ra”- bà Huỳnh Mai nói thêm “Tôi không bao giờ quên những lời dặn đó”.

Tuổi trẻ xin ghi lại những câu chuyện về bác Sáu Dân để làm hành trang tiến bước cho mình.
Tuổi trẻ xin ghi lại những câu chuyện về bác Sáu Dân để làm hành trang tiến bước cho mình.

Sau đó một năm, chú Sáu Dân đã chỉ đạo tất cả các đơn vị sự nghiệp, tiết kiệm 10 % ngân sách được cấp. Nhờ đó, ngành giáo dục Vĩnh Long đã sử dụng số tiền này để xây trường, phủ mái đỏ một phần ở vùng lũ, vùng căn cứ cách mạng và vùng dân tộc Khmer trước khi có chủ trương kiên cố hóa trường học của Chính phủ.

Từ đó đến nay, Vĩnh Long đã phát triển với số lượng 412 trường với tổng số hơn 203.000 học sinh. Về giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục nghề nghiệp có 3 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 2 trường CĐ.

Đây là điều mà lúc sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn nhắc nhở Vĩnh Long: cần có một trường ĐH để con em không phải đi xa và tốn kém.

“Ngày nay, theo đánh giá của Bộ GD - ĐT về kết quả năm học thì mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng giáo dục cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học”.

“Vinh dự thuộc về những người tuổi trẻ sớm nhận ra mình, dám lên đường, thắng mọi khó khăn, gian khổ, cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc” - Võ Văn Kiệt.

Bà Đặng Huỳnh Mai trăn trở, theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL do Bộ GD - ĐT tổ chức tại TP Cần Thơ giữa năm 2019 cho thấy, trong năm học 2018 - 2019, khu vực ĐBSCL còn thiếu gần 12.000 giáo viên mầm non, 2.500 giáo viên tiểu học, 2.100 giáo viên THCS và 400 giáo viên THPT. Toàn vùng có tỷ lệ phòng học, lớp học kiên cố hóa bình quân thấp nhất cả nước.

“Đã nhiều năm trôi qua mặc dù toàn vùng với sự tận tâm của cấp ủy và UBND, các tỉnh có nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung giáo dục ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả nước” - bà Đặng Huỳnh Mai mong rằng: “Với nhiều giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết 120 - một tổng thể giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững kinh tế xã hội nói chung, GD - ĐT nói riêng sẽ góp phần giải quyết những trăn trở của cố thủ tướng Võ Văn kiệt lúc đương thời”.

Bác Sáu Dân đã đi xa nhưng ánh mắt, nụ cười và giọng nói ấm áp yêu thương dành cho thanh thiếu nhi, cho thế hệ trẻ vẫn còn nguyên vẹn đó.

Thế hệ hôm nay và mai sau nguyện noi gương bác Sáu sử dụng tốt quỹ thời gian, sống khoan dung, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ra sức học tập, rèn luyện phát triển bản thân, góp phần sức lực để xây dựng đất nước.

 “Cái mà tôi quí nhất là thời gian. Điều mà tôi muốn nói với các bạn trẻ cũng lại là vấn đề thời gian. Hãy chạy đua với thời gian, giành giật từng giờ, từng phút để làm việc” - Võ Văn Kiệt.

Kỳ cuối: Đại đoàn kết toàn dân - chân lý muôn thuở dựng xây Tổ quốc

Bài, ảnh: CAO HUYỀN