Lừa đảo với thủ đoạn "cần tiền đáo hạn ngân hàng"

Cập nhật, 06:07, Thứ Sáu, 30/12/2022 (GMT+7)

(VLO) Cần tiền tiêu xài, trả nợ, các bị cáo dựng lên màn kịch “cần tiền đáo hạn ngân hàng” vay mượn số tiền lớn của nhiều người rồi chiếm đoạt nên phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Qua các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do các bị cáo thực hiện với thủ đoạn nêu trên, được ngành tòa án đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua cho thấy, các bị cáo đều là những người có uy tín trong xã hội, có bị cáo từng làm việc trong ngành ngân hàng nên chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được số tiền lớn từ nhiều người.

Lợi dụng lòng tin của bị hại, các bị cáo cam kết trả tiền gốc, lãi định kỳ nhưng sau đó tìm cách trì hoãn hoặc bỏ trốn.

Như trường hợp của bị cáo Võ Thành Dị (SN 1988, ngụ TX Bình Minh). Do thua lỗ, nợ nần cờ bạc, đầu tư tài chính, bị cáo dựng lên màn kịch “cần tiền đáo hạn ngân hàng”, lừa đảo hơn 7,4 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, Dị từng là cộng tác viên một chi nhánh ngân hàng có trụ sở tại huyện Trà Ôn, được giao nhiệm vụ giới thiệu, thẩm định tài sản khách hàng vay trả góp, thu nộp vốn và lãi vay hàng ngày, đề xuất ngân hàng cho vay với những trường hợp đủ điều kiện.

Thời gian làm việc tại ngân hàng, Dị thường la cà quán cà phê của bà P.T.B. nên biết người phụ nữ này có “nghề tay trái” là cho vay tiền mặt, từ đó, Dị nhiều lần vay mượn với lý do cho người khác vay lại để “đáo hạn ngân hàng”.

Tưởng thật, trong vòng 2 năm (2017 - 2019), bà B. cho Dị vay tổng cộng hơn 7,4 tỷ đồng. Số tiền này, Dị không thực hiện như cam kết với chủ nợ mà dùng vào việc trả nợ cá nhân, đánh bạc, đầu tư tài chính trực tuyến.

Ngày càng lún sâu vào nợ nần, Dị dùng “kế hoãn binh” bằng cách xin bà B. chỉ trả lãi, tiền gốc được giữ lại để cho người khác vay.

Đến cuối năm 2020, sau nhiều lần né tránh, Dị cắt đứt liên lạc với bà B. và bỏ trốn. Với thủ đoạn gian dối, xâm phạm trái pháp luật đến tài sản người khác, Dị vừa bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt 12 năm tù.

Cũng với thủ đoạn này, Nguyễn Phước Tân (SN 1991, ngụ huyện Vũng Liêm) lừa đảo chiếm đoạt hơn 33 tỷ đồng của 12 cá nhân.

Vừa qua, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh, anh N.H.N.T. (ngụ TP Vĩnh Long) tham gia với tư cách bị hại.

Anh T. thể hiện sự bức xúc: Khi vay, bị cáo thỏa thuận lãi suất 15 %/tháng và cam kết thanh toán đúng kỳ hạn. Năm 2019, tôi cho bị cáo vay 2 tỷ đồng thì bị chiếm đoạt.

Cũng theo anh T., sở dĩ có sự tin tưởng này bởi trước đó Tân nhiều lần vay tiền của anh và thể hiện là người làm ăn rất uy tín nên khi bị cáo hỏi mượn số tiền lớn anh không nghi ngờ bị lừa đảo.

Tại tòa, bị cáo Tân khai ra thủ đoạn ghi khống tên khách hàng, CMND, số tiền vay vào thông báo đồng ý cấp tín dụng của ngân hàng, còn mặt sau là phần duyệt cấp tín dụng thật của ngân hàng.

Sau khi nhận được thông báo này Tân chụp lại gửi qua Zalo, các bị hại tin tưởng có người cần tiền đáo hạn ngân hàng nên đồng ý cho vay. Cũng có những bị hại cẩn thận, yêu cầu cung cấp bằng chứng trước khi bỏ ra số tiền lớn nhưng vẫn “sụp bẫy” lừa đảo.

Theo đó, Tân nhờ Nguyễn Chí Hiếu (SN 1974), Trần Thị Đan Thanh (SN 1976), Đặng Thị Minh Thu (SN 1986) và Lê Ngọc Mai (SN 1974, cùng ngụ xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) đóng giả khách hàng đến gặp các bị hại hỏi vay tiền.

Với vai trò đồng phạm giúp sức, Hiếu giúp Tân chiếm đoạt hơn 6,2 tỷ, Thanh giúp chiếm đoạt 1,5 tỷ, Thu giúp chiếm đoạt 2,5 tỷ, Mai giúp chiếm đoạt 2,7 tỷ.

Do đó, Tân, Hiếu, Thanh, Thu, Mai cùng bị cáo bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; trong đó, Tân bị phạt 17 năm tù giam, Hiếu 7 năm tù giam, Thu và Mai mỗi bị cáo 2 năm tù giam, Thanh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Có thể thấy, hành vi lừa đảo của các bị cáo diễn ra khá dễ dàng do đã tạo được lòng tin với bị hại. Trong khi đó, một số bị hại sẵn sàng đưa ra số tiền lớn với hy vọng nhận được lãi suất hấp dẫn nên rơi vào bẫy lừa đảo.

Đây cũng là bài học để người dân cân nhắc kỹ lưỡng trong các giao dịch dân sự, tránh trường hợp rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, tức mang”.

TRUNG HƯNG