Sau khi dùng chứng thư bảo lãnh giả của ngân hàng mua lại nhà máy, mặc dù chưa có quyền định đoạt nhưng các bị cáo tự ý bán tài sản cho nhiều cá nhân, tổ chức, chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng.
Sau khi dùng chứng thư bảo lãnh giả của ngân hàng mua lại nhà máy, mặc dù chưa có quyền định đoạt nhưng các bị cáo tự ý bán tài sản cho nhiều cá nhân, tổ chức, chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng.
Làm chứng thư bảo lãnh giả để tham gia đấu giá
Theo cáo trạng, thông qua hoạt động kinh doanh, Lâm Quế Mẫn (SN 1967, ngụ Quận 11, TP Hồ Chí Minh) quen biết với Lê Nguyễn Trần Huấn (SN 1969, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Phạm Huy Hoàng (SN 1977, ngụ TP Vĩnh Long). Biết Hoàng có cổ phần trong Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Thảo (gọi tắt là Công ty Phương Thảo) nên Mẫn liên hệ Hoàng mua lại cổ phần. Tuy nhiên, những người đại diện pháp luật của công ty không đồng ý vì Mẫn không chứng minh được năng lực tài chính.
Tháng 9/2018, Mẫn hẹn Hoàng đến TP Cần Thơ để giới thiệu gặp Huấn và 3 người thống nhất sẽ mua lại Nhà máy xử lý rác Phương Thảo (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) bán kiếm lời.
Đồng thời, Huấn với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu MeKong68 (gọi tắt là Công ty MeKong68) chuyển nhượng cổ phần cho Mẫn và Hoàng. Từ đó, Mẫn và Hoàng được xem như thành viên công ty, mặc dù cả hai không bỏ tiền góp vốn và tham gia hoạt động nào.
Để tham gia đấu giá mua lại Nhà máy xử lý rác Phương Thảo, Huấn chịu trách nhiệm lo chi phí, Hoàng lo thủ tục, Mẫn tìm đối tác kêu gọi góp vốn và đối tác bán lại cổ phần khi trúng đấu giá. Sau đó, Huấn ký nghị quyết bổ nhiệm Hoàng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty MeKong68.
Ban đầu, Hoàng, Huấn, Mẫn dự định lấy Công ty MeKong68 làm tư cách pháp nhân tham gia đấu giá nhưng do công ty đang thực hiện nhiều dự án và không có chức năng xử lý rác thải nên 3 bị cáo thống nhất sẽ thành lập công ty khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Tiếp đến, Hoàng nhờ Lê Minh Truyền (SN 1986, ngụ TP Vĩnh Long) đứng tên thành lập Công ty TNHH Phát triển môi trường xanh MeKong (gọi tắt là Công ty MeKong), vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Đôi bên thống nhất, sau khi trúng đấu giá mua lại Nhà máy xử lý rác Phương Thảo thì Truyền chuyển lại cổ phần cho Hoàng, Huấn và Mẫn.
Sau khi mua hồ sơ đấu giá, Truyền biết phải tạm ứng 10 tỷ đồng nên thông báo cho Hoàng hay. Do không có tiền nên Truyền, Hoàng, Mẫn nhiều lần đến TP Hồ Chí Minh tìm đối tác góp vốn nhưng không ai tham gia.
Từ đó, Hoàng, Huấn, Mẫn thống nhất tìm người làm chứng thư bảo lãnh của ngân hàng để nộp cho công ty đấu giá. Mẫn được giao làm việc này nên liên hệ Lê Thành Quân (SN 1982, ngụ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nhờ thực hiện.
Quân tiếp tục nhờ Trần Trọng Nhân (SN 1987, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) với giá 1,1 tỷ đồng. Sau khi nhận được chứng thư bảo lãnh, Truyền và Hoàng sang TP Cần Thơ nộp cho công ty đấu giá.
Ngày 4/1/2019, Truyền đại diện tham gia đấu giá và giành quyền mua lại Nhà máy xử lý rác Phương Thảo với giá 152,5 tỷ đồng. 5 ngày sau, Truyền làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần Công ty TNHH Phát triển môi trường xanh MeKong lại cho Hoàng.
Tự ý bán tài sản nhà máy
Sau khi trúng đấu giá, Hoàng sử dụng 250 triệu đồng là tiền cá nhân đặt cọc tạm thời cho ngân hàng và yêu cầu Huấn, Mẫn tiếp tục góp vốn vào công ty để đặt cọc đủ 10 tỷ đồng nhưng 2 bị cáo này nhiều lần hứa hẹn mà không thực hiện.
Khi không thể gia hạn được nữa, Hoàng triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên Công ty MeKong gồm Hoàng, Huấn và Mẫn. Biên bản cuộc họp thống nhất giao Hoàng đại diện công ty bán phế liệu của Nhà máy xử lý rác Phương Thảo lấy tiền đặt cọc cho ngân hàng. Mặc dù lúc này ngân hàng chỉ mới giao nhà máy cho Công ty MeKong quản lý theo thông báo trúng đấu giá.
Đồng thời, Công ty MeKong không có quyền định đoạt, bán tài sản của Nhà máy xử lý rác Phương Thảo.
Các bị cáo đều ý thức được việc này là sai trái nhưng vẫn cố ý thực hiện bằng cách đưa ra những thông tin không có thật như: biên bản trúng đấu giá, thông báo trúng đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản, biên bản bàn giao tài sản của ngân hàng để các bị hại khảo sát thực tế nhà máy.
Trong tất cả các hợp đồng, Hoàng và Huấn tự soạn sẵn và cam kết Công ty MeKong là chủ đầu tư hợp pháp của dự án nhà máy và có quyền quyết định cũng như bán toàn bộ nhà xưởng, máy móc. Từ đó, các bị hại tin tưởng nên ký hợp đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, Hoàng và Huấn liên tục ký nhiều hợp đồng bán toàn bộ nhà xưởng, máy móc và thiết bị của Nhà máy xử lý rác Phương Thảo và nhận đặt cọc, chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng.
Tháng 10/2019, do không còn khả năng đặt cọc và Huấn, Mẫn không góp vốn nên Hoàng ký hợp đồng chuyển nhượng lại cổ phần Công ty MeKong cho Huấn. Cùng ngày, Truyền cũng chuyển nhượng cổ phần công ty này cho một cá nhân khác. Thời điểm này, Hoàng không còn bàn bạc với Huấn tiếp tục bán tài sản nhà máy cho người khác.
Tháng 1/2020, Công ty MeKong được ngân hàng bàn giao tài sản đấu giá và yêu cầu sớm đưa nhà máy vào hoạt động nhưng không được bán, chuyển nhượng, cho, tặng, thế chấp với bất cứ hình thức nào do chưa thanh toán tiền mua tài sản trúng đấu giá. Tuy vậy, Huấn đã tự ý bán toàn bộ nhà xưởng và máy móc, thiết bị cho nhiều cá nhân, tổ chức, chiếm đoạt 9 tỷ đồng.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long truy tố bị cáo Nguyễn Phạm Huy Hoàng, Lê Nguyễn Trần Huấn, Lâm Quế Mẫn tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Lê Minh Truyền bị truy tố tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Lê Thành Quân, Trần Trọng Nhân bị truy tố tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau 2 ngày xét xử (6 và 7/6), HĐXX nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 12/6. Trong vụ án này, có 4 bị cáo tại ngoại và 2 bị cáo đang bị tạm giam trong vụ án khác là Huấn và Mẫn. |
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin