Thua kiện vì chữ ký trên biên nhận nợ

03:05, 19/05/2023

Do không chứng minh được số tiền ghi trên biên nhận nợ là tiền cưới đã giao cho nhà gái nên người bị kiện bị buộc phải trả lại số tiền đã ký.

(VLO) Do không chứng minh được số tiền ghi trên biên nhận nợ là tiền cưới đã giao cho nhà gái nên người bị kiện bị buộc phải trả lại số tiền đã ký.

Trong đơn khởi kiện gửi TAND TX Bình Minh, ông V.T.D. (ở huyện Bình Tân) trình bày: Ngày 26/4/2019, bà N.T.N. (ở TX Bình Minh) vay của ông 80 triệu đồng, thời hạn vay 10 ngày và bà N. có ký tên vào biên nhận nợ.

Do đến hạn, bà N. không thực hiện nghĩa vụ trả tiền, ông D. đòi nhiều lần không được nên khởi kiện ra tòa yêu cầu bà N. trả tiền vốn 80 triệu đồng, không yêu cầu tính lãi.

Tại biên bản hòa giải ngày 28/12/2020 và quá trình giải quyết vụ án, bà N. cho rằng không có vay tiền của ông D. và cũng không ký tên vào biên nhận nợ vì bà không biết chữ nên không đồng ý trả số tiền 80 triệu đồng.

Tuy nhiên qua giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Long thì chữ ký tên N.T.N. dưới mục người nhận tiền trên biên nhận nợ ngày 26/4/2019 là chữ ký của bà N..

Do đó, tại phiên xử sơ thẩm, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D., buộc bà N. phải trả số nợ 80 triệu đồng.

Bà N. không đồng ý nên ngày 30/12/2022 đã gửi đơn kháng cáo và cho biết thêm, bà và ông D. có quan hệ làm ăn, cụ thể là môi giới phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài.

Trước đó, qua giới thiệu của con gái ông D. đang ở nước ngoài, bà có mai mối cho một cô gái kết hôn với một người nước ngoài. Sau đó, ông D. có đưa 80 triệu đồng và bà đã giao cho gia đình nhà gái. Thực tế, bà không nhận số tiền này nên không đồng ý trả theo biên nhận nợ ngày 26/4/2019.

Ngoài lời trình bày trên, bà N. còn cung cấp dữ liệu ghi âm cuộc nói chuyện với người làm chứng, thể hiện bà N. đã giao lại cho nhà gái số tiền 80 triệu đồng trong vụ môi giới lấy chồng người nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc ghi âm này không được xem là chứng cứ phù hợp với quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự nên không có cơ sở để HĐXX xem xét.

Riêng tờ biên nhận nợ ngày 26/4/2019 có nội dung “tôi tên N.T.N. có mượn của ông V.T.D. số tiền 80 triệu đồng, thời hạn 10 ngày sẽ trả lại cho ông D.”, có chữ ký và chữ viết họ tên của người giao tiền và nhận tiền.

Mặc dù bà N. không thừa nhận có ký tên vào biên nhận nợ nhưng qua giám định thì chữ ký dưới mục người nhận tiền với chữ ký mẫu của bà N. là do cùng một người ký ra.

Bà N. không thống nhất với kết quả giám định nhưng không yêu cầu giám định lại và yêu cầu tòa xem xét các chứng cứ khác để giải quyết. Do đó, yêu cầu kháng cáo của bà N. không có cơ sở chấp nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông D. nêu lý do bà N. đã lớn tuổi nên giảm nợ 10 triệu đồng, chỉ yêu cầu bà N. trả 70 triệu đồng tiền vốn, không yêu cầu tính lãi. Xét sự tự nguyện trên của ông D. là có lợi cho bà N. nên được ghi nhận.

Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên buộc bà N. phải trả cho ông D. số nợ 70 triệu đồng, nếu không thi hành sẽ phải chịu lãi suất theo quy định.

Từ một chữ ký trên biên nhận nợ, bà N. thua kiện và đó là bài học mà bất cứ ai cũng phải suy xét trước khi đặt bút ký vào văn bản để tránh xảy ra tranh chấp và hậu quả đáng tiếc.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh