Vương vấn vị ngọt béo bánh canh

11:06, 13/06/2023

Ở thành phố đâu có thiếu món chi, nào phở, hủ tiếu, bún riêu, bún bò Huế và bao món lẩu thơm ngon nhưng sao nhớ cháy lòng những món quê nhà quá đỗi.

Bàn tay thoăn thoắt xắt từng con bánh canh cho vào nồi nước đang sôi.
Bàn tay thoăn thoắt xắt từng con bánh canh cho vào nồi nước đang sôi.

(VLO) Ở thành phố đâu có thiếu món chi, nào phở, hủ tiếu, bún riêu, bún bò Huế và bao món lẩu thơm ngon nhưng sao nhớ cháy lòng những món quê nhà quá đỗi.

Nhớ tô bánh canh bột gạo nước cốt dừa thơm ngon của nội. Tô bánh canh nước cốt dừa béo ngậy cứ đi vào nỗi nhớ người dân đất phương Nam và vương vấn với vị khách nào tình cờ ăn phải vị béo ngon ấy.

Ngồi ăn tô bánh canh này lại thèm nhớ tô bánh canh kia. Sáng ngồi ăn tô bánh canh giò ở quán. Nghe câu chuyện của người gần bàn ăn, người đàn ông đứng tuổi nói với người phụ nữ ngồi ăn chung bàn: Má sắp nhỏ điện về quê nói vợ chú Út cuối tuần này mình về làm bánh canh nước cốt dừa ăn.

Nói thím nó ngâm gạo trước đi. Cách nói của người dân quê tui nghe sau thân thương quá, nghe có tình có nghĩa, “má sắp nhỏ”, “thím nó”… nghe là biết dân xứ tui rồi.

Chú làm tôi thèm tô bánh canh nước cốt dừa thịt vịt xiêm của nội quá đi thôi. Món ngọt ngào tuổi thơ của những người con đất phương Nam.

Gạo phải được ngâm qua đêm mới đem xay, nội chọn gạo để ngâm, sao cho con bánh canh ăn vào có độ mềm, dai. Khâu xay bột, xay cho ra dòng bột phải mịn thì con bánh mới mịn, bánh mới ngon.

Người ta gọi đó là “bột chín”. Còn xay cho ra bột “lợn cợn”, người ta gọi đó là “bột sống” thì con bánh canh mất độ dai mềm, con bánh canh sẽ bị bở. Dòng bột trắng tinh chảy vào túi bồng được nội cột sẵn ở miệng cối.

Túi bột ấy được nội dằn cho nước chảy ra để cục bột ráo khoảnh đem ra nhồi cho bột kết thành khối dẻo.

Cái cối mòn lẵn ấy đã cho bọn trẻ chúng tôi những ký ức ngọt ngào bên nội. Với những món bánh dân gian một thời để nhớ, để thèm. Những ký ức trong trẻo ấy như dòng bột trắng tinh trên cối theo dòng chảy.

Trong bếp bắt đầu dậy mùi thơm khi nội chấy tỏi, hành với những miếng thịt vịt xiêm để cho miếng thịt được săn chắc và thả chúng vào nồi nước đang sôi.

Bàn tay nội ngắt khối bột ấy ra từng thành miếng nhỏ, đôi tay thoăn thoắt đưa miếng bột lên một chiếc chai thủy tinh rồi tạo thành miếng thật mỏng. Tay cầm chai tay cầm thanh tre thật mỏng xắt những con bột thật đều và từng con từng con rơi xuống nồi nước đang xôi.

Mỗi lần nấu bánh canh nội thường chọn củi trâm bầu vì loại cây này cháy lửa rất đầm, không cháy hỗn như các loại củi khác.

Chúng tôi rất thích ngắm nhìn những cây củi trâm bầu đang cháy, vì lâu lâu đầu củi còn lại cho những sợi khói bạc mỏng tan cứ nhẹ nhàng bay và tan biến trong tích tắc.

Những cây củi trâm bầu giữ lửa đều để cho ra những sợi bánh canh trắng tinh, mềm và không bị gãy nát.

Chúng tôi rất thích ăn những miếng bột trắng tròn nên nội không quên khi xắt sẽ để dành nắn cho chúng tôi những con bánh canh tròn mỏng. Nội cho vào nước cốt dừa, hành, ngò rí. Chái bếp dậy mùi thơm.

Nội lui cui nấu bánh canh. Chúng tôi thì mải mê chơi. Đường vào nhà nội có hai hàng cau đuôn đuổn, cặp mé kinh với những cây dừa sai buồng, trông rất thanh bình.

Những đứa trẻ chúng tôi rủ nhau “đâm tí”, mấy đứa con trai đu tàu dừa thả mình xuống con nước đầy kinh.

Tắm đến đóng rong rồi mà vẫn chưa chịu lên. Ngụp lặn đến nỗi y như ông cụ non vì đứa nào cũng có hàm râu hết trơn. Đến khi nội bảo, không lên nội cho ăn củi bửa bây giờ. Lúc đó mới lót tót leo lên.

Rồi cái bụng của chúng tôi đói meo. Thật bà nội hết sức “điệu nghệ” với chúng tôi vì vậy chúng tôi không khách sáo. Mỗi đứa cầm hai cái tô, một tô múc ăn liền, còn một tô múc để dành sợ hết.

Nội cười bảo “Tổ cha tụi bây, chưa ăn mà lo sợ hết rồi. Ăn đi rồi mai hay mốt nội làm nữa cho mà ăn”. Thật hồn nhiên như cắn miếng chuối chiên ăn vậy?

Muốn hẹn về quê nội để ôn lại những thời trẻ trâu ấy nhưng đứa này về thì đứa kia lại đi. Vì giờ mỗi đứa mỗi cảnh, đứa vợ con đùm đề, đứa công việc đăng đăng đê đê đâu nói rứt ra đi là đi được.

Rồi quay lại câu chuyện bánh canh, người dân phương Nam tùy theo mùa mà có món bánh canh nước cốt dừa thơm ngon đậm đà và tinh tế.

Chẳng hạn tới mùa mưa bắt cá được nhiều thì sẽ có nồi bánh canh cá lóc, cá trê. Đổ đú, giăng câu với những chú cá lóc, cá trê, cá rô mề, hứa một nồi bánh canh cá ngon lành.

Nếu đến mùa lúa chín thì bánh canh cua đồng. Ngày trước khi vào mùa lúa chín, cua được bắt về rộng bằng hạp, bằng lu vì cua bắt được nhiều lắm.

Nồi bánh canh cua ăn ngọt ngất bởi vị thịt cua đồng. Và nội không quên lựa những chiếc càng to của những chú cua kình để dành luộc cho chúng tôi chấm muối ớt. Và đến mùng năm tháng năm thì có ngay nồi bánh canh tôm kèm với nấm mối. Ôi ngon ngọt ngất ngây.

Nội rất chiều lòng, nếu ai trong gia đình không thích ăn bánh canh mặn sẽ có ngay bánh canh ngọt. Nồi bánh canh đường mía với nước cốt dừa cũng không kém phần hấp dẫn. Chén bánh canh nấu với đường mía có màu vàng rất bắt mắt.

Tôi thích nhất món bánh canh thịt vịt xiêm của nội. Nhất là những ngày mưa như vầy, thèm tô bánh canh nước cốt dừa, với những con bánh canh mềm dai thơm mùi hành, béo vị nước cốt.

Và được ngồi ăn bên chái bếp, mấy bà cháu ngồi quây quần bên chiếc bàn mù u láng bóng. Để nếm lại vị tuổi thơ ngọt ngào và ấm áp.

Cuộc sống tấp nập, hối hả làm cho con người ta luôn bận rộn với công việc. Muốn về để nhìn bàn tay nhăn nhúm đã cho ta tuổi thơ ngọt ngào cũng khó. Tôi rất thích và thèm được như ông chú vậy, thèm bánh canh quê nhà thì về quê nấu ăn cho đã thèm.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh