Chăm sóc, bảo vệ rau màu trong mùa mưa

Cập nhật, 07:06, Thứ Ba, 06/06/2023 (GMT+7)

 

Sử dụng màng phủ nông nghiệp là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ tích cực, giúp người làm rẫy thành công trong mùa mưa.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ tích cực, giúp người làm rẫy thành công trong mùa mưa.

Trồng rau màu trong mùa mưa bất lợi hơn trong mùa khô, nhưng nếu trồng đạt kết quả thì thu nhập cao hơn nhờ giảm công tưới nước, bán được giá cao. Để giảm tổn thất cho rau màu trong mùa mưa, các biện pháp kỹ thuật sau đây cần quan tâm thực hiện.

Đảm bảo thoát nước tốt ở khu trồng

Theo các chuyên gia và nhiều bà con có kinh nghiệm trồng rau màu lâu năm cho biết, điều kiện tiên quyết để vụ màu mùa mưa thành công là nơi trồng phải thoát nước tốt và có bờ bao ngăn nước, chống ngập.

Nên chọn những nơi đất cao hoặc ruộng không bị ngập nước. Đối với ruộng thấp, trước hết phải tiến hành làm đất, lên luống, lên liếp cao ráo, có mương thoát nước tốt. Khu trồng cần củng cố bờ bao vững chắc và có bố trí máy bơm thoát nước vào những ngày mưa lớn hoặc triều cường.

Theo nông dân Ngô Văn Sương (60 tuổi, ở ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) rau màu, nhất là những loại có lá mỏng, thân mềm như cải xà lách lụa, ngò rí, tần ô… chỉ thích hợp trồng mùa khô, nhưng nếu trồng mùa mưa thì bán cao giá hơn gấp 3 lần.

Cây dễ trồng nhưng không chịu úng và không chịu mưa lớn vì lá mỏng và dễ bị đổ ngã. Năm nào, rau tới kỳ thu hoạch mà gặp mưa lớn thì kể như thất thu. Vì vậy, liếp rau phải cao, thoát nước tốt. Cách làm này giúp ông thành công trong nhiều năm liền trồng rau cải trên đất ruộng.

Sử dụng những kỹ thuật hỗ trợ

Sử dụng màng phủ nông nghiệp là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ tích cực, giúp người làm rẫy thành công trong mùa mưa. Vật liệu này giúp liếp không bị mưa gây xói mòn, cuốn trôi đất, phân bón, rau màu không bị hư hỏng, mà còn tạo môi trường cho cây sống khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại và các sinh vật trong đất gây hại đến rau màu; đồng thời giúp tăng năng suất cao hơn phương pháp truyền thống (phủ rơm hoặc không phủ), nhất là đối với những vùng đất giồng cát, đất bở rời.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, đối với hộ, đơn vị sản xuất có điều kiện thì hãy sử dụng nhà lưới, mái che hoặc trồng rau màu trong nhà kính, sẽ giúp làm giảm tối đa tác động của mưa lớn, gió mạnh gây hư hỏng.

Ông Trần Văn Hiền- Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hậu (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho rằng: “Trồng rau màu trong điều kiện mưa dầm, nước nổi cần làm nhà lưới hoặc mái che rất tiện cho bảo vệ cây trồng, giảm thời gian tưới, giúp người trồng chủ động xuống giống, làm cho rau thu hoạch sạch hơn vì không bị nước mưa làm dính bùn đất và cho lợi nhuận cao hơn do nhiều nơi khác không canh tác được. Lưới bên trên nhà lưới hoặc mái che nên sử dụng lưới mùng màu trắng để hấp thu thêm ánh sáng”.

Trồng rau trong nhà lưới sẽ giúp làm giảm tối đa tác động của mưa lớn, gió mạnh trong mùa mưa.
Trồng rau trong nhà lưới sẽ giúp làm giảm tối đa tác động của mưa lớn, gió mạnh trong mùa mưa.

Bên cạnh, nên sử dụng phân hữu cơ hoai mục và phân chuồng để giúp đất thoát nước tốt, tăng độ tơi xốp, hạn chế xói mòn và rửa trôi đất, tăng năng suất và chất lượng rau màu. Ngành nông nghiệp còn khuyến cáo người trồng rẫy cần sử dụng chế phẩm nấm sinh học trichoderma sp. để tăng cường tính kháng đối với nhóm vi sinh vật có hại trong đất, giúp ngừa được các bệnh thối rễ hoặc thối gốc rau màu, đặc biệt là đối với nhóm dưa bầu bí, nhóm rau cải.

Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tạo điều kiện cho rau màu phát triển khỏe, sức chống chịu điều kiện bất lợi do môi trường và sâu bệnh cao. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng rau màu đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế mầm bệnh phát sinh, phát triển.

Theo dõi, kiểm soát các loại dịch hại trên cây rau màu để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Các loại dịch hại quan trọng trên cây rau màu như: sâu đục củ khoai lang, sâu xanh da láng trên hành lá, nhóm bọ trĩ, nhện đỏ trên bầu bí dưa, sâu tơ và rầy nhảy trên cải các loại,… Đây là các đối tượng gây hại quan trọng và khó phòng trừ. Việc phòng trị nên tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG