Thời gian qua, để tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, tập trung vào các loài đặc sản có chất lượng, giá trị cao, đa dạng sản phẩm.
Người nuôi thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. |
Thời gian qua, để tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, tập trung vào các loài đặc sản có chất lượng, giá trị cao, đa dạng sản phẩm.
Tuy nhiên, sản xuất thủy sản của tỉnh còn gặp không ít khó khăn, sản lượng và năng suất nuôi trồng vẫn chưa tương xứng tiềm năng; sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống, chưa có nhiều sản phẩm chế biến, thị trường tiêu thụ chưa ổn định…
Người nuôi thủy sản còn gặp khó
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, trong tỉnh, vùng nuôi cá lồng, bè vẫn tập trung chủ yếu các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long. Ngoài 2 đối tượng chủ lực là cá tra và cá điêu hồng, người dân còn nuôi một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế để tăng giá trị sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất như: tôm càng xanh, thát lát, cá hô, cá trê vàng, cá lóc, lươn, ba ba, ếch…
Để hỗ trợ nghề nuôi thủy sản phát triển, thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ con giống, ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân chuyển đổi từ mô hình nuôi truyền thống sang mô hình nuôi theo hướng an toàn VietGAP có hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn theo dõi sát tiến độ thu hoạch cá lồng bè và cá nuôi theo hướng xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh con giống và thức ăn thủy sản, đảm bảo cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; đồng thời, đề ra giải pháp xúc tiến tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thủy sản.
Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi thủy sản vẫn gặp một số khó khăn như: nguồn giống chất lượng khan hiếm, giá thức ăn đầu vào tăng, nguồn lực đầu tư cho phát triển thủy sản chưa tương xứng với nhu cầu và chỉ tiêu tăng trưởng; giá cá tra nguyên liệu giữ ở mức thấp trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp, người nuôi cá tra bị thua lỗ, không còn vốn tái sản xuất. Trong khi đó, thời tiết thay đổi thất thường nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, khiến người nuôi lo lắng.
Theo đó, tính đến tháng 5/2023, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200 chiếc lồng, bè đang thả nuôi; có gần 360ha nuôi cá tra thâm canh giảm 3,5% so với cùng kỳ (trong đó, hiện có trên 190ha đang thả nuôi, giảm 21,7% so với cùng kỳ 2022).
Chú Nguyễn Văn Bảy (xã Chánh An, huyện Mang Thít) cho biết: “Tôi có gần 1ha nuôi cá tra nhưng so với đầu năm giá cá tra đang giảm, chỉ còn 28.000- 29.000 đ/kg, giảm 1.500đ/kg so với tháng trước, giảm 2.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá thức ăn, con giống ở mức cao, với mức giá cá như hiện tại người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Chưa kể nguy cơ dịch bệnh trên cá do thời tiết thay đổi, nguồn con giống khan hiếm, khiến tôi không dám đầu tư tiếp”.
Tăng cường liên kết theo chuỗi
Theo các chuyên gia, ngành thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, hạ tầng thủy sản yếu kém. Ngoài ra, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường chưa được kiểm soát, chế biến chưa sâu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến... cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành thủy sản, chưa nâng cao được giá trị.
Thời gian tới, ngành thủy sản cần tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường. Tổng cục Thủy sản cho rằng, các tỉnh cần thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ từ các yếu tố nuôi trồng- khai thác, chế biến- bảo quản; vận chuyển- lưu thông, tiêu thụ- phân phối đến quản lý chuỗi cung ứng nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, tăng chất lượng, giá trị thủy sản Việt Nam.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện nay tỉnh đang tập trung tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tài nguyên, nhân lực để phát triển ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Đến năm 2030, Vĩnh Long phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.250ha; trong đó diện tích nuôi cá tra 500ha và có 2.000 lồng bè nuôi thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 166.000 tấn/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển sản xuất thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất thủy sản.
Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản ở các khu vực đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả, ảnh hưởng xâm nhập mặn với các loài thủy sản nuôi phù hợp, góp phần cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn, xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, cho biết: Thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng phát triển các đối tượng thủy sản có tiềm năng; đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản.
Đồng thời, tập huấn hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt; quan trắc môi trường ở các vùng nuôi; hỗ trợ phối hợp Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thu mẫu nước cấp vùng nuôi cá rô phi, cá tra tập trung.
Song song đó, tăng cường công tác theo dõi kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn khác để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trên các sông chính, kênh rạch tự nhiên đối với các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt có thể ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin