Giá cam sành khởi sắc, mong thị trường tiêu thụ ổn định

Cập nhật, 08:02, Thứ Năm, 23/02/2023 (GMT+7)
Các cơ sở, HTX đang nâng sản lượng thu mua cam sành trong tháng 2, để giảm áp lực thu mua trong tháng 3.
Các cơ sở, HTX đang nâng sản lượng thu mua cam sành trong tháng 2, để giảm áp lực thu mua trong tháng 3.
Những ngày gần đây, giá cam sành đã có nhiều khởi sắc, một số thương lái đề nghị đặt cọc thu mua vào khoảng cuối tháng 3/2023 âl với giá 12.000 đ/kg. Đây là tín hiệu vui đối với các chủ vườn. Song, “để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân nên liên kết sản xuất, tham gia vào HTX, tổ hợp tác để gắn kết đầu ra”- theo như khuyến nghị của ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
 
Giá cam tăng nhẹ, thương lái tìm mua cam chín
 
Trên tuyến đường liên ấp Hiếu Xuân- Hiếu Liên (xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm), chúng tôi vào vườn cam sành của anh Ngô Văn Lù (ở ấp Hiếu Xuân) nhân lúc thương lái đang thu hoạch. Anh Lù cho biết, cách nay 2 năm anh chuyển 9 công ruộng lên vườn trồng cam sành. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và không đầu tư nhiều cho cây nên trái không đạt chuẩn, “năng suất chỉ khoảng 5- 6 tấn/công, giá bán 4.500 đ/kg (ngày 21/2/2023), bỏ túi chưa tới 30 triệu đồng/công, trong khi chi phí đầu tư gần cả trăm triệu đồng/công”, anh Lù cho hay. 
 
Gắn bó cây cam sành từ năm 2014, anh Nguyễn Văn Tài (ở ấp Ninh Thuận, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) cho hay: Từ 8 công cam sành ban đầu, anh đã mua được 21,5 công đất ở xã Hiếu Nhơn, cộng với thuê đất thêm, đã phát triển diện tích trồng cam lên 100 công. “Thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá cam sành 10.000 đ/kg, nhưng tôi chưa bán vì muốn... đợi giá lên. Sau khi neo lại một thời gian thì giá giảm còn 8.000 đ/kg. Thấy tình hình có vẻ tiếp tục giảm, nên tôi quyết định bán. Trừ chi phí, tôi vẫn lãi khoảng 1,6 tỷ đồng”, anh Tài kể. 
 
Với 3 công đất trồng cam sành được 7 năm tuổi, trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Thuận Thới (Trà Ôn), bán khoảng 7 tấn cam, giá 4.000 đ/kg. “Đối với vườn cam lâu năm, giá bán 4.000- 5.000 đ/kg thì nông dân không lỗ”, ông Tám khẳng định và cho biết: “Đất Thuận Thới rất hợp với cây cam sành, cây cho năng suất cao vượt trội so với nhiều nơi”. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Tám, hiện giá cam sành đã tăng nhẹ, song tâm lý một số nông dân muốn neo lại, đợi giá cam lên thêm. Hiện nhiều thương lái đang tìm mua cam chín vì có vị ngọt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. 
 
Anh Nguyễn Văn Tài cho biết thêm, cam sành từ lúc trồng đến khoảng 8 năm tuổi thì chi phí đầu tư cho mỗi ký cam khoảng 4.000- 5.000đ. Tuy nhiên, đối với cam cho trái chiếng thì giá bán 10.000 đ/kg trở lên, năng suất 10 tấn/công mới đảm bảo chi phí đầu tư. Vừa qua, một số thương lái đề nghị đặt cọc thu mua cam sành vào khoảng cuối tháng 3/2023 âl với giá 12.000 đ/kg. Tuy nhiên, chủ vườn vẫn chưa quyết định bán. Bên cạnh, cũng có thương lái tìm mua cam chín quá lứa thu hoạch và mua ngang giá cam mới vào vụ, nhưng hiện không còn nhiều nguồn cung.
 
Cần liên kết sản xuất để tiêu thụ ổn định
 
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh có hơn 17.076ha trồng cam sành. Trong đó, huyện Trà Ôn có diện tích trồng cam sành nhiều nhất với 9.918ha, tiếp đến là huyện Tam Bình và Vũng Liêm với diện tích lần lượt 3.310ha và 2.683ha. 
 
Thời gian qua, diện tích cam sành tăng nhanh do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Tại huyện Trà Ôn, năm 2018 có hơn 3.092ha trồng cam sành, đến nay đã tăng lên gấp 3,2 lần. Những năm trước đây, giá bán 15.000- 18.000 đ/kg, nông dân lời từ 1- 1,2 tỷ đồng/ha. Đối với những hộ thu hoạch vụ đầu tiên thì mức lời thấp hơn, do chi phí đầu tư trong 2 năm đầu cao.
 
Sau Tết Nguyên đán 2023, giá cam sành có chiều hướng đi xuống. Trong khi sản lượng cam sành đến vụ thu hoạch khá nhiều, cùng với đó là có những loại cam quá lứa do nông dân neo lại chờ tăng giá. Song, lại rất ít thương lái đến thu mua, dẫn đến tình trạng ùn ứ. 
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, khoảng 1 tuần nay, sản lượng thu mua và giá cam đều tăng, cam tồn đọng không còn nhiều.
 
Đầu tháng 2/2023, sản lượng cam cần tiêu thụ khoảng 57.140 tấn. Đến 20/2, giảm còn khoảng 12.000 tấn, trong đó cam chín cần tiêu thụ ngay là 800 tấn, còn lại là cam xanh, tập trung ở các xã: Thới Hòa, Nhơn Bình, Hòa Bình, Trà Côn, Hựu Thành, Vĩnh Xuân…
 
Ngành nông nghiệp huyện dự báo, giá cam sành sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 3 do sự khởi sắc của thị trường tiêu thụ. Sản lượng cam chín cũng đã giảm mạnh, làm giảm áp lực thu mua cho cả nhà vườn và thương lái. Cũng trong thời gian này, cam sành của huyện đang trong giai đoạn thu hoạch tập trung, dự kiến sản lượng khoảng 50.000- 60.000 tấn. 
Ngành nông nghiệp đang tích cực vận động và hỗ trợ nhà vườn thực hiện mã số vùng trồng để kết nối cung cầu.
Ngành nông nghiệp đang tích cực vận động và hỗ trợ nhà vườn thực hiện mã số vùng trồng để kết nối cung cầu.
 
Qua khảo sát thực tế tình hình tiêu thụ cam sành tại huyện Trà Ôn và Vũng Liêm, ông Trần Văn Trạch khuyến nghị hội viên, nông dân không nên mở rộng diện tích sản xuất ồ ạt. Nông dân nên liên kết sản xuất, tham gia vào HTX, tổ hợp tác để gắn kết đầu ra, tiêu thụ ổn định. Đồng thời, chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị của trái cam. 

 

Ông Lê Vinh An- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Thành: Toàn xã có khoảng 1.100ha trồng cam, trong đó khoảng 1.035ha đang cho trái. Có 30% diện tích trồng cam tạm ổn, còn lại 70% cam tơ. Đến nay, xã chỉ còn khoảng 100ha đất lúa. Dự kiến khi giá cả ổn định, nông dân sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 
 
Anh Trần Văn Thoại- ấp Tường Tín (xã Thới Hòa): Thời điểm giá cam xuống thấp, chỉ những nông dân trồng cam thu hoạch vụ đầu bị ảnh hưởng, đối với nông dân trồng cam lâu năm thì không ảnh hưởng nhiều, tôi thì đã bán cam trước đó, chỉ còn lại 5 tấn cam (thương lái hái còn sót), nên nếu bán thì có tiền xài thêm, không bán cũng chẳng sao. 
 
Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn: Đến ngày 22/2, giá cam sành đã tiếp tục tăng lên. Hiện cam sành đủ chuẩn (đúng kỳ thu hoạch, trái đẹp) giá khoảng 10.000- 11.000 đ/kg; cam chưa đủ chuẩn giá khoảng 7.000 đ/kg.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Các tin khác: