Phòng trừ chuột gây hại lúa

Cập nhật, 15:11, Thứ Ba, 14/02/2023 (GMT+7)
Chuột gây hại nhiều hơn trong vụ lúa Đông Xuân này, nhất là các ruộng gần vườn cây ăn trái.
Chuột gây hại nhiều hơn trong vụ lúa Đông Xuân này, nhất là các ruộng gần vườn cây ăn trái.

(VLO) Nhiều nông dân cho hay, vụ lúa Đông Xuân này, chuột xuất hiện phá hoại nhiều hơn khiến năng suất lúa giảm nhiều.

Theo nhiều nông dân, thời gian gần đây, chuột sinh sôi nảy nở nhanh và gây hại nhiều cho sản xuất lúa.

Đây là đối tượng sinh sản nhanh, kết hợp điều kiện biến đổi khí hậu nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng; cây trồng đa dạng xen canh, gối vụ cùng với tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng nhiều là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản phát triển.

Không chỉ vụ này, mà chuột đã xuất hiện phá hoại từ các vụ trước đó. Mức độ gây hại lúa do chuột vụ này phổ biến từ 5 - 10%, những ruộng gần vườn cây ăn trái, đồng trống thiệt hại càng cao.

Chú Nguyễn Văn Thái (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho biết: “Chuột không phải như một số dịch bệnh khác, lây lan theo chu kỳ hoặc cơ chế cố định, chúng di chuyển rất nhanh, xa và liên tục tăng đàn vào mùa sinh sản. Vụ này, chuột phát triển rất nhanh, nhất là vào giai đoạn lúa đẻ nhánh.

Chúng vào ruộng cắn gãy ngang thân cây lúa. Tôi cũng đã dùng nhiều biện pháp để diệt chuột như dùng bạt nilon rào xung quanh ruộng, đánh bả thuốc… nhưng hiệu quả cũng không cao. Vụ này, năng suất lúa giảm là chắc”.

Anh Lê Thanh Hậu (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cũng cho hay: “Vụ lúa Đông Xuân này, từ đầu vụ, vừa xuống giống thì gặp mưa lớn, rồi ốc bươu vàng cắn phải sạ, giặm lại hai lần, giờ thì chuột phá hại. Đặt cả chục cái bẫy không ăn thua. Ruộng tôi gần vườn cam nên thiệt hại nhiều hơn”.

Nông dân cần thăm đồng thường xuyên, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột.
Nông dân cần thăm đồng thường xuyên, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột.

Theo ngành nông nghiệp, hiện nay, chuột gây hại trên diện tích đất gò, tập trung khu vực gần vườn cây ăn trái, đê bao lớn.

Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái trong tỉnh ngày càng tăng đã tạo môi trường thuận lợi cho chuột có nơi trú ẩn và sinh sản.

Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi ngày càng khép kín, cùng với sự canh tác tăng vụ đã tạo điều kiện cho chuột có nguồn thức ăn, sinh sản và phát triển nhanh chóng.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Vụ Đông Xuân này, mức độ chuột gây hại trên lúa tăng nhiều so với vụ trước.

Toàn tỉnh đã có hơn 1.000ha lúa Đông Xuân bị chuột phá hại. Hiện nay, những ruộng lúa giáp vườn bị chuột gây hại nhiều hơn ngoài đồng, tỷ lệ thiệt hại lớn.

Đặc biệt, chuột xuất hiện ở những vùng đất làm lúa không xả lũ, sản xuất liên tục 3 vụ/năm hay các vùng quy hoạch sản xuất xen canh lúa - màu - vườn cây ăn trái…

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, để diệt chuột, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật phòng, chống như: vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột.

Sử dụng các bẫy cơ học như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy bán nguyệt, bẫy ống tre, bẫy lật, bẫy di động... Sau khi bắt được chuột, bẫy cơ học cần được xử lý bằng nước sôi hoặc ngâm nước, phơi khô mới dùng lại vì chuột rất nhạy cảm với mùi đồng loại.

Tìm kiếm các hang, ổ của chuột để đào, đổ nước (nếu gần nguồn nước, đất thịt), hun khói hoặc soi đèn, dùng chó để săn bắt chuột. Lưu ý, không làm hư hỏng các công trình thủy lợi, đê, kè, cống,...

Dùng rào cản bao quanh ruộng hoặc bẫy hàng rào cản; hạn chế săn bắn các loại động vật là thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo...

Có thể sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt việc đảm bảo an toàn.

Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng. Trước khi đánh bả độc cần thông báo rộng rãi cho người dân xung quanh vùng biết, cần phải nhốt gia súc, gia cầm cho tới khi vệ sinh sạch sẽ nơi đặt mồi, thu nhặt chuột chết, mồi thừa và chôn lấp để đảm bảo vệ sinh.

Để diệt chuột hiệu quả, hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần triển khai các biện pháp đồng loạt, cộng đồng và thường xuyên. Bên cạnh đó, cần thực hiện việc lên vườn một cách tập trung hơn, tránh trường hợp lên xen kẽ kiểu da beo, diệt trừ chuột sẽ rất khó.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG