Để vụ lúa Hè Thu an toàn với hạn, mặn

Cập nhật, 15:36, Thứ Tư, 23/02/2022 (GMT+7)

 

  Áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để tiết kiệm nước, tăng cường sức chống chịu của cây lúa đối với khô hạn, xâm nhập mặn.
Áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để tiết kiệm nước, tăng cường sức chống chịu của cây lúa đối với khô hạn, xâm nhập mặn.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù hạn mặn không gay gắt nhưng do sản xuất vào mùa khô nên vụ lúa Hè Thu này sẽ gặp không ít khó khăn. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, nhà nông cần phải làm gì?

Chuẩn bị tốt khâu làm đất

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, ở những nơi mới thu hoạch lúa Đông Xuân thì nên thu gom rơm rạ và cày xới đất ruộng. Mục đích để làm tơi xốp lớp đất mặt, là tầng canh tác có chiều dày từ 5- 50cm và hạn chế hoặc phá vở tầng đế cày. Đây là tầng đất cứng khó thoát nước, chứa ít chất hữu cơ, nghèo dinh dưỡng, có nhiều độc chất, nhiều sét, nén dẽ chặt hơn tầng canh tác và tầng đất dưới nó. Trong đó biện pháp cày khô, xới xáo kỹ đến tầng đế cày là quan trọng nhất; tránh cày, trục đất khi đất còn ướt.

Thực hiện cày xới còn làm tăng thêm độ sâu của tầng canh tác, giúp cho bộ rễ cây lúa hấp thụ tốt dưỡng chất và nước sẵn có trong đất. Cày xong, những nơi có điều kiện thì phơi đất ít nhất 1 tháng để đất được tơi ra, đồng thời diệt được mầm bệnh còn lưu tồn trong đất. Việc cày ải trong mùa khô còn rất có lợi, giúp “cắt” được hiện tượng “xì phèn” từ tầng sinh phèn ở dưới đất lên.

Cải tạo đất đã bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Đối với những nơi nông dân không nắm rõ thông tin về xâm nhập mặn, lỡ dẫn nước mặn vào đồng, nếu chưa gieo sạ lúa Hè Thu thì nên rửa mặn ngay, tốt nhất là bằng nước ngọt lấy từ kinh, mương vì nước mưa trong thời kỳ này rất ít, không đủ để rửa mặn.

Để rửa mặn nhanh và triệt để cần tạo hướng lấy nước (cống lấy nước) khác với hướng tiêu, thoát nước, tốt nhất là tạo hướng lấy nước đối diện với hướng thoát nước. Kinh, mương thoát nước rửa mặn cần đào sâu để rút mặn xuống sâu và thoát nước ngầm chứa muối ra khỏi ruộng. Tranh thủ thủy triều lên, kiểm tra độ mặn cho phép (tốt nhất là dưới 1‰) dẫn nước ngọt vào để rửa ruộng liên tục nhiều lần. Trường hợp không có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2‰ đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh; dưới 1‰ đối với giai đoạn mạ, lúa làm đòng và trỗ).

Kết hợp bón vôi trong thời gian làm đất khoảng 500- 1.000 kg/ha để vừa giúp rửa mặn vừa giúp hạ phèn cho đất. Việc này còn giúp cho cây lúa sau khi sạ xuống có khả năng tăng tích lũy nồng độ proline cao để điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây, hạn chế việc hấp thu và vận chuyển các nguyên tố Natri, Clo từ rễ vào thân cây, do đó gia tăng khả năng chống chịu mặn.

Ứng phó hợp lý, hiệu quả với mặn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, do cây lúa chịu mặn yếu (khả năng chịu mặn từ 1,4- 2‰) nên những vùng bị nhiễm mặn trên 3‰ tuyệt đối không xuống giống. Đối với vùng bị nhiễm mặn dưới 3‰ có thể xuống giống nhưng phải sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn (trung bình- khá với độ mặn từ 2- 3‰): OM6976, OM251, OM5629, OM8017, OM9921, OM6677, OM6162, OM5464, OM8108,... Trong vụ Hè Thu năm nay, đơn vị này khuyến cáo sử dụng nhóm giống lúa bổ sung thích ứng tốt với hạn, mặn như: LH8, OM2517, OM9577, OM9955.

Về nguồn nước tưới, nước tưới có độ mặn từ 1,5- 3,5‰ sẽ làm giảm năng suất nhiều loại cây trồng (lúa, cây ăn trái), từ 3,5- 6,5‰ chỉ còn lại cây trồng chịu mặn mới chịu nổi. Như vậy, nước dùng để tưới cho sản xuất nông nghiệp có độ mặn dưới 1,5‰.

Đối với lúa, ở giai đoạn đồng trổ, lúa rất nhạy cảm với mặn, độ mặn khoảng 1,5‰ có thể làm lép hạt lúa, tốt nhất không nên đưa nước mặn hơn 1‰ vào ruộng, nếu cần chỉ bổ sung nước đủ ẩm cho lúa. Sau khi sạ 5- 7 ngày thì đưa nước vào ruộng, giữ mực nước ngập sâu 2/3 cây lúa, ngâm 2- 3 đêm thì tháo cạn nước, sau đó dẫn nước ngọt vào ruộng trở lại và bón phân đợt 1. Nên thay đổi nước ruộng ít nhất 2- 3 lần trong thời gian 30 ngày sau khi sạ.

Trường hợp ruộng bị khô nước, nước trong ruộng có độ mặn 4- 6‰ mà nước ở ngoài sông, ngoài kinh chỉ có 1- 2‰ thì vẫn có thể bơm nước vào ruộng cho ngập sâu 2/3 cây lúa. Giữ nước trong ruộng 2- 3 đêm thì tháo bỏ nước ra để giảm độ mặn trong ruộng.

Tăng cường khả năng chịu mặn cho cây bằng biện pháp kỹ thuật như: bón phân qua lá, phân hữu cơ, phân lân, kali (lưu ý không nên sử dụng phân KCl), silic cho cây trồng, sử dụng urea chậm tan để chống thất thoát đạm, nên bón bổ sung phân sulphate kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu.

Khi phát hiện cây lúa có biểu hiện bị ngộ độc mặn (cháy chóp lá, khô đọt non, chết cây) phải khẩn trương bón vôi CaO, CaSO4 với lượng thích hợp để giải độc. Sau bón vôi khoảng 2- 3 đêm thì rút cạn nước ruộng nhằm đưa lượng mặn trong ruộng ra ngoài và thay nước mới. Nếu ruộng bị khô cần phải bơm nước vào ngập ruộng rồi mới rải vôi.

Nếu không sử dụng vôi thì có thể tháo cạn nước ruộng, sau đó bơm nước trở lại ruộng đồng thời bón Super Humic kết hợp với bón urea hoặc DAP. Khoảng 3 ngày sau kiểm tra thấy lúa ra lá và rễ mới thì chứng tỏ lúa đã phục hồi.

Bên cạnh bị ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn ở đầu vụ, vụ lúa Hè Thu còn bị mưa giông ở thời kỳ cuối vụ, vì vậy cần quan tâm đến việc chống chịu đổ ngã do gió mạnh, mưa lớn vào đầu mùa mưa gây ra đối với lúa trong thời kỳ đòng trổ hoặc chín chuẩn bị thu hoạch. Ngành chuyên môn còn khuyến cáo, trong canh tác lúa nông dân cần tăng cường áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như “ba tăng, ba giảm”, “một phải, năm giảm”, hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI)… để tiết kiệm nước, tăng cường sức chống chịu của cây lúa đối với thời tiết bất lợi như khô hạn, xâm nhập mặn và mưa, gió mạnh.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG