Cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Bình Tân: Trồng trọt chuyển biến tích cực

05:04, 09/04/2021

So sánh hiệu quả kinh tế so với trước khi cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại huyện Bình Tân cho thấy: Hiệu quả trồng lúa- màu, màu chuyên, vườn chuyên canh cây có múi cao hơn 2,2 lần so sản xuất thuần 3 vụ lúa/năm. Đặc biệt, có mô hình cho hiệu quả gấp 7,5 lần so trồng lúa.

(VLO) So sánh hiệu quả kinh tế so với trước khi cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại huyện Bình Tân cho thấy: Hiệu quả trồng lúa- màu, màu chuyên, vườn chuyên canh cây có múi cao hơn 2,2 lần so sản xuất thuần 3 vụ lúa/năm. Đặc biệt, có mô hình cho hiệu quả gấp 7,5 lần so trồng lúa.

Khoai lang là 1 trong 3 cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Khoai lang là 1 trong 3 cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Nâng cao giá trị, hiệu quả

Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả. Về trồng trọt, huyện xác định 3 cây chủ lực: khoai lang, hành lá và cây có múi.

Về vật nuôi, xác định 2 con chủ lực: bò và heo. Về thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn sạch. Trong đó, cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt đang cho hiệu quả tích cực.

Từ đất lúa chuyển sang trồng khoai lang đỏ, khoai lang trắng, rồi trồng khoai lang tím Nhật, ông Lê Thanh Phong (Năm Viễn, ấp Hưng Lợi, xã Tân Hưng) cho biết, nhờ Nhà nước đầu tư thủy lợi khép kín nên nông dân chủ động được sản xuất.

Chi phí đầu tư trồng khoai lang tím Nhật gần 20 triệu đồng/công đối với đất thuê, đất nhà gần 16 triệu đồng/công, năng suất mùa này 3,2- 3,3 tạ/công. “Từ sau tết đến nay, giá khoai ở mức khoảng 750.000 đ/tạ, nông dân có lời nhiều”- ông Năm Viễn nói.

Cũng theo ông Năm Viễn, nhờ trồng khoai mà tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, từ làm đất, cắt dây, trồng khoai, lựa khoai, gánh khoai… đến tận dụng phụ phẩm phát triển chăn nuôi dê.

“Cũng nhờ trồng khoai mà nhà cửa ọp ẹp ngày nào giờ thành nhà tường khang trang, lâu lâu đến thăm là không biết nhà nào mà ghé”- ông Năm Viễn cười tươi.

Theo ông Phùng Văn Phúc- chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020, diện tích trồng khoai của huyện Bình Tân là 10.500- 11.000 ha/năm, nhưng thực tế đã vượt con số này. Riêng năm 2020, diện tích trồng khoai lang của huyện là 12.263ha.

Trong 8 năm (năm 2014- 2020), huyện đã vận động nông dân chuyển đất gò cao trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chuyên canh; cải tạo vườn già cỗi…

Năm 2020, tổng diện tích vườn gần 3.260ha, tăng gần 472ha so năm 2014; diện tích trồng lúa gần 9.800ha, giảm gần 1.371ha; diện tích cây màu gần 23.930ha, tăng gần 7.043ha.

Đồng thời, tuyên truyền nông dân thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt với nội dung “20% diện tích canh tác 3 sản phẩm trồng trọt thế mạnh của huyện đủ điều kiện công nhận sản xuất sạch”.

Diện tích màu của huyện Bình Tân tăng hơn 7.000ha sau 8 năm cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Diện tích màu của huyện Bình Tân tăng hơn 7.000ha sau 8 năm cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Qua phát động, nông dân cam kết sản xuất theo hướng dẫn để đảm bảo sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh, nông dân còn ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu phun xịt thuốc trừ sâu, trừ bệnh trên cây trồng; làm đất để gieo sạ lúa và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; cày xới để vun giồng khoai, vận chuyển ra bãi tập kết.

Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học- công nghệ

Huyện Bình Tân đã tăng cường ứng dụng khoa học- công nghệ trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, từ đó đưa giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản đạt trên 3.566 tỷ đồng (năm 2020), tăng gần 2,2% so cùng kỳ.

Xác định chuyển giao và ứng dụng khoa học- công nghệ là một trong các khâu đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nông dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị thương phẩm cao; phổ biến áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các quy trình sản xuất hiệu quả khác gắn với công nghệ xanh, công nghệ sạch.

Tính đến nay, đã thực hiện các mô hình sản xuất khoai lang theo hướng VietGAP trên diện tích 271ha; đồng thời, được chứng nhận 14,8ha theo hướng GlobalGAP.

Khoai lang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam” vào tháng 8/2013- góp phần tạo thương hiệu cho khoai lang Bình Tân.

Riêng năm 2020, thực hiện mô hình khoai lang chứng nhận VietGAP ở xã Tân Lược, Tân Thành quy mô 60ha; mô hình IPM trên cây khoai lang ở xã Tân Hưng với diện tích 5ha…

Cùng với đó, các sản phẩm từ dự án, mô hình luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và năng suất luôn cao hơn bên ngoài mô hình do giảm lượng phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc và có nhiều sản phẩm khoai lang đạt tiêu chuẩn loại I.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, qua cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông dân đã biết nhìn nhu cầu thị trường để sản xuất ra nông sản bán được giá cao, lợi nhuận nhiều hơn.

Việc tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, đầu tư nhiều cây- con giống, nhiều mô hình trình diễn tiên tiến, sản xuất theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng là xu hướng tất yếu, bền vững hiện nay và trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện- cho rằng: Ngành nông nghiệp đang “gánh” chỉ số phát triển kinh tế của Bình Tân. Đối với các cây trồng chủ lực, “nhờ trồng khoai mà đời sống người dân ngày càng khấm khá, trong đó có khoảng 80% hộ trồng khoai khá giàu”.

Ông Nguyễn Văn Tập cho biết thêm, lợi thế của huyện là có nguồn nước sông Hậu dồi dào- chưa bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, người dân lao động cần cù, có kỹ thuật và kinh nghiệm trồng nhiều năm nên trong chuyển đổi, cơ cấu lại cây trồng có nhiều thuận lợi.

Giai đoạn 2021- 2025, huyện tiếp tục xác định 3 cây trồng chủ lực là cây có múi, khoai lang và hành lá. Hướng tới nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trồng trọt, huyện “đang làm những cái nhỏ để hình thành những cái lớn hơn” như tập trung cho công tác giống, thử nghiệm và nhân rộng sản xuất hữu cơ.

Giai đoạn 2021- 2025, huyện Bình Tân định hướng giá trị nông- lâm- thủy sản tăng 3%/năm. Giá trị sản phẩm trồng trọt- thủy sản trên đơn vị diện tích đạt 250- 300 triệu đồng/ha/năm. Hàng năm, có 20% diện tích đất canh tác 3 sản phẩm trồng trọt thế mạnh của huyện như khoai lang, hành lá và cây có múi đủ điều kiện công nhận sản xuất sạch; 10% diện tích gieo trồng lúa, khoai lang, hành lá và cây có múi có liên kết trong sản xuất.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- SÔNG HẬU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh