Theo dự báo của ngành chuyên môn, đợt xâm nhập mặn sắp tới sẽ vào con nước triều cường cuối tháng 2, đầu tháng 3 âl, tới đây. Đây cũng là thời điểm lúa Hè Thu toàn tỉnh bước vào cao điểm xuống giống đợt 2.
(VLO) Theo dự báo của ngành chuyên môn, đợt xâm nhập mặn sắp tới sẽ vào con nước triều cường cuối tháng 2, đầu tháng 3 âl, tới đây. Đây cũng là thời điểm lúa Hè Thu toàn tỉnh bước vào cao điểm xuống giống đợt 2.
Việc chủ động nguồn nước để đảm bảo cho đợt xuống giống này đang là nhu cầu bức thiết, nhất là những vùng có nguy cơ mặn uy hiếp.
Mặn sẽ trở lại từ ngày 9- 13/4, lúa Hè Thu trước áp lực xâm nhập mặn. Trong ảnh: Lãnh đạo ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương khảo sát một số diện tích lúa bị ảnh hưởng hạn- mặn trong mùa khô 2019- 2020 tại huyện Vũng Liêm. |
Theo lịch xuống giống vụ lúa Hè Thu, toàn tỉnh có khoảng 34.000ha lúa tại hầu hết các địa phương trong tỉnh xuống giống vào đợt 2 (từ 22/3- 21/4/2021). Trong số đó, có một số diện tích có khả năng bị xâm nhiễm mặn không thể xuống giống đợt 1 như xã Đông Thành (TX Bình Minh), các xã: Loan Mỹ, Bình Ninh, Tường Lộc (Tam Bình), Chánh An, An Phước, Chánh Hội và một phần các xã: Tân An Hội, Tân Long Hội (Mang Thít), Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, một phần các xã: Quới An, Trung Hiệp, Trung Chánh (Vũng Liêm).
Riêng đối với những vùng trung tâm, trũng, bị nhiễm mặn, chưa chủ động bơm tát cũng như vùng chưa có đê bao hoàn chỉnh dự kiến sẽ xuống giống đợt 3 vào tháng 5/2021, với khoảng 10.000ha.
Để chủ động nguồn nước xuống giống lúa Hè Thu đợt này tại các xã Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, mới đây, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm đề xuất vận hành mở cống Vũng Liêm xuyên suốt từ chiều ngày 2/4/2021.
Bởi thời gian qua, cống này được vận hành đóng- mở xen kẽ nhằm đảm bảo tích nước cho tỉnh Trà Vinh, xả ô nhiễm phía Vĩnh Long cũng như giải quyết vấn đề lưu giông thủy.
Theo bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, hiện độ mặn tại vàm Nàng Âm đã giảm xuống 1‰, do đó việc vận hành mở cống Vũng Liêm xuyên suốt nhằm đảm bảo điều tiết nước phục vụ sản xuất, khi có độ mặn trên 1‰ sẽ tổ chức vận hành theo phương án đã thống nhất.
Thời gian qua, cống Cái Tôm (xã Quới An) đóng dài ngày khiến chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Hiện cống này đã được mở để địa phương xuống giống lúa Hè Thu. |
Thời gian qua, khi cống Vũng Liêm được vận hành đóng mở xen kẽ thì hầu như cống Cái Tôm (xã Quới An) luôn đóng. Theo ông Nguyễn Quang Khiêm- Chủ tịch UBND xã Quới An, thời gian đóng cống dài ngày khiến cho chất lượng nước phía trong cống không đảm bảo.
Trong khi đó, địa phương cũng có một phần diện tích lúa Hè Thu phải xuống giống đợt này nên việc mở cống là cần thiết trong thời điểm hiện nay. Từ nhu cầu bức thiết này, hiện cống Cái Tôm đã được mở để phục vụ sản xuất và dân sinh tại địa phương.
Theo ông Trương Hoàng Giang- Phó Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, từ nay đến khoảng 10/4/2021, dự báo dòng chảy qua Tân Châu và Châu Đốc giảm chậm nhưng ở mức xấp xỉ cùng thời kỳ năm 2020 và cao hơn trung bình nhiều năm từ 20%.
Thủy triều vùng hạ lưu xuống nhanh, sau đó lên chậm. Mực nước trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận xuống theo kỳ triều rằm tháng 2âl. Mực nước thấp nhất xuất hiện vào ngày 6, 7/4/2021 khoảng từ -1,4m đến -1,5m, thấp hơn so với cùng thời kỳ năm trước 0,17m.
Độ mặn trên các sông nội đồng xuất hiện trong vài ngày tới ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo độ mặn cao nhất tại khu vực cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) ở mức 2‰.
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mặn có xu thế tăng trở lại từ 9- 13/4/2021 nhưng ở mức độ thấp hơn ở tháng 3.
Ranh mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu trên các sông chính, các cửa sông Cửu Long từ 40- 50km vùng giữa ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long cần chủ động tích trữ nước và kiểm tra chất lượng nước khi lấy.
Các vùng cách biển từ 40km trở lên có thể tranh thủ lấy nước khi độ mặn cho phép trước khi độ mặn lên cao từ ngày 9/4 tới.
Nhằm chủ động bảo vệ cây trồng, hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn- mặn mùa khô, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc và bảo vệ cây trồng tại các huyện có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng hạn- mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Long Hồ và TX Bình Minh.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để bảo vệ cây trồng, đặc biệt là ở những vùng chịu ảnh hưởng hạn- mặn, nông dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về hạn- mặn từ ngành chuyên môn và các phương tiện truyền thông để chủ động lấy nước ngọt và ngăn mặn xâm nhập.
Đặc biệt đối với sản xuất lúa, nông dân cần tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm tiết kiệm nước, tăng cường sức chống chịu của cây trong điều kiện hạn- mặn.
Bên cạnh đó, nông dân cần tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ lúa trổ, khi có nước ngọt tranh thủ thay nước, rửa mặn liên tục nhiều lần.
Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng, cần tưới phun nước ngọt cho mạ hoặc kết hợp tưới phun nước ngọt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với lượng nước phun khoảng 600- 800 lít/ha.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 45.000ha lúa Đông Xuân (bằng 95% diện tích xuống giống). Ước năng suất bình quân đạt 7,11 tấn/ha với sản lượng khoảng 321.000 tấn, so cùng vụ năm trước năng suất tăng 1,74% (0,12 tấn/ha). Tuy tình hình thời tiết thay đổi bất thường, một số nơi bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động hướng dẫn công tác phòng trừ dịch bệnh và giảm nhẹ thiệt hại, nhờ đó năng suất lúa cao hơn so với cùng kỳ. Lúa Hè Thu hiện đã xuống giống trên 10.281ha, diện tích này được xuống giống chủ yếu ở đợt 1, hiện lúa đang ở giai đoạn mạ đến đòng trổ. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin