Gặp "phù thủy" của làng hoa Sa Đéc

05:07, 07/07/2018

Làng hoa Sa Đéc từ lâu được biết đến là vựa hoa, là xứ sở ngàn hoa của miền Tây. Song, ít có ai biết rằng để có một làng hoa bạt ngàn với hơn 2.500 loài hoa như ngày hôm nay thì nhiều thế hệ nông dân ở đây phải đi sưu tầm, tìm kiếm và lai tạo nhiều giống hoa mới và trong số những người tiên phong đó có một lão nông chuyên đi sưu tầm những giống hoa độc, lạ.

Làng hoa Sa Đéc từ lâu được biết đến là vựa hoa, là xứ sở ngàn hoa của miền Tây. Song, ít có ai biết rằng để có một làng hoa bạt ngàn với hơn 2.500 loài hoa như ngày hôm nay thì nhiều thế hệ nông dân ở đây phải đi sưu tầm, tìm kiếm và lai tạo nhiều giống hoa mới và trong số những người tiên phong đó có một lão nông chuyên đi sưu tầm những giống hoa độc, lạ.

Người dân địa phương thường hay ví von ông là “phù thủy” của làng hoa.

Nông dân Trần Văn Tiếp chăm sóc các giống hoa mới.
Nông dân Trần Văn Tiếp chăm sóc các giống hoa mới.

Người “phù thủy” mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là nông dân Trần Văn Tiếp (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông- TP Sa Đéc).

Sở dĩ người ta gọi ông là phù thủy là vì gần 40 năm gắn bó với nghề trồng hoa là bấy nhiêu năm ông đi bôn ba sưu tầm những giống hoa mới, lạ và đặc biệt là mỗi năm ông đều “hô biến” ra một giống hoa mới để cung ứng cho thị trường.

Mặc dù đã biết bao lần trắng tay khi thử sức mình với những giống hoa lạ nhưng ông Tiếp vẫn không từ bỏ tình yêu mà ông dành cho hoa.

Nhắc về một kỷ niệm đáng nhớ trong những tháng ngày thăng trầm với hoa, ông Tiếp bùi ngùi kể: “Tôi nhớ vào thập niên 80, khi tôi mang hoa lên thị trường ở cao nguyên.

Chúng tôi lên đó với một xe tải bự, khi bắt đầu xuống xe thì trời bắt đầu vào mùa rét lạnh, hoa hư gần hết, không bán được.

Tôi kêu công nhân gom giấy báo lại thành một đống rồi chui vô đó nằm. Lúc nằm trong đống báo, tôi mới bồi hồi xúc động và rớt nước mắt cảm nhận sao mình giống mấy con heo chung vô túm lá chuối khô của mẹ tôi quá”.

Cực khổ là vậy nhưng với người đàn ông tóc đã hoa râm này, tình yêu dành cho hoa vẫn luôn cháy bỏng. Những thất bại đã giúp ông đúc kết được cho mình thêm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng hoa.

Thấy những giống hoa truyền thống ngày càng khó bán nên ông Tiếp chuyển sang trồng và sưu tầm nhiều giống hoa mới, độc, lạ để cung ứng cho thị trường.

Những năm gần đây, mỗi năm ông Tiếp đều tung ra thị trường một hoặc nhiều giống hoa mới. Tính đến nay, đã có hàng chục giống hoa mới, hoa ngoại được ông sưu tầm, mang về làng hoa Sa Đéc và được nhiều người đón nhận.

Trong đó phải kể đến như: cây hương thảo, trúc mai, cúc zinna, sao nhái 7 màu, hạt đỉnh lan, hoa ly,… Riêng Tết Mậu Tuất vừa qua, ông chọn trồng giống dưa hấu tí hon Pepino, lần đầu xuất hiện tại miền Tây.

Nói về ý tưởng sưu tầm những giống hoa mới của mình, ông Tiếp tâm sự: “Theo tôi suy nghĩ nếu mình làm hoa truyền thống không mà không có chuyển sang những hoa độc lạ thì thành phố hoa mình không rực rỡ, không tươi đẹp.

Từ những suy nghĩ đó, tôi mới tìm tòi, bỏ công sức để tạo ra những sản phẩm độc lạ. Mục đích của tôi là làm thế nào làm cho thành phố hoa mình nó tươi đẹp, thơ mộng và có những dấu ấn.

Du khách tới là cảm nhận làng hoa Sa Đéc mình rực rỡ với nhiều sắc hoa”.

Mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng đã trót yêu hoa và mang “nợ” với hoa nên chưa bao giờ ông Tiếp muốn ngừng nghỉ công việc sưu tầm hoa, bởi trong con người này luôn nảy sinh nhiều ý tưởng mới, táo bạo với mong muốn góp sức mình vào sự phát triển ngành hoa kiểng của địa phương.

Đơn cử như mới đây, ông đã đầu tư trên 1 tỷ đồng thuê đội ngũ chuyên gia thiết kế hệ thống chiết xuất tinh dầu từ hoa dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới đây nhằm tận dụng tối đa phụ phẩm từ hoa, góp phần gia tăng thêm giá trị sản phẩm hoa Sa Đéc.

Nói về ý tưởng thực hiện việc chiết xuất tinh dầu hoa, ông Tiếp cho biết thêm: “Thường nông dân trồng hoa bán sản phẩm không hết thì chặt bỏ rồi vứt đi rất lãng phí.

Do đó tôi mới nảy sinh ra ý tưởng chiết xuất tinh dầu và tôi quyết định sẽ làm nhà máy tinh dầu cúc trước tiên, vì người dân ở Sa Đéc trồng hoa cúc quá nhiều.

Khi tôi đưa nhà máy này vào hoạt động, tôi sẽ tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nông dân sẽ không còn sợ bấp bênh bởi thương lái ép giá và tôi muốn rằng thành phố hoa Sa Đéc sau này sẽ có những cánh đồng hoa cúc vàng ươm trải dài, ngoài việc lấy tinh dầu, còn phục vụ ngành du lịch của thành phố”.

Tuy sở hữu nhiều giống hoa mới lạ nhưng điều đáng quý ở ông Tiếp là chưa bao giờ ông có ý định giữ riêng một loài hoa nào cho vườn nhà mình mà ông luôn chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách trồng nhiều giống hoa mới cho bà con nông dân xung quanh.

Ông sẵn sàng bán và chia sẻ những cây giống để bà con cùng trồng. Điển hình như mới đây, ông đã dành riêng một phần diện tích đất trước nhà mình vốn dùng để trồng hoa để xây dựng một hội quán mang tên “Hội quán tôi yêu màu tím”.

Đây chính là nơi để ông tập hợp nhiều bà con nông dân có chung sở thích trồng hoa, sưu tầm những giống hoa mới, độc lạ để cùng gặp gỡ, chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm hay.

Ghi nhận những đóng góp thầm lặng của ông- người mang thêm hương sắc cho làng hoa, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã tặng ông bức tranh kèm theo 2 câu thơ như sau:

“Người của hoa của đam mê khát vọng

Đất người tình thêm nữa một bài ca”

Bức tranh được ông trân trọng treo ngay cửa chính trong nhà như một sự ghi nhận của chính quyền địa phương đối với những nỗ lực, cống hiến mà thời gian qua ông đã dành cho hoa Sa Đéc.

Đây cũng sẽ là động lực để ông có thêm niềm tin trên chặng đường đưa hoa Sa Đéc vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THANH NGHĨA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh