Người ươm mầm thanh long ruột đỏ trên vùng đất Cái Ngang

05:01, 10/01/2017

"Các cây ăn trái khác một năm chỉ có 1- 2 vụ, trúng thất gì thì cũng chịu, riêng cây thanh long ruột đỏ có 17- 18 đợt trái rải đều quanh năm, bại trận này còn trận sau, trận sau nữa..."- đó là khẳng định của ông Lưu Vạn Trường (Ấp 6, xã Hậu Lộc), người đầu tiên đã mang cây thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao về vùng đất Cái Ngang.

“Các cây ăn trái khác một năm chỉ có 1- 2 vụ, trúng thất gì thì cũng chịu, riêng cây thanh long ruột đỏ có 17- 18 đợt trái rải đều quanh năm, bại trận này còn trận sau, trận sau nữa...”- đó là khẳng định của ông Lưu Vạn Trường (Ấp 6, xã Hậu Lộc), người đầu tiên đã mang cây thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao về vùng đất Cái Ngang.

Ông Trường chia sẻ bí quyết trồng thanh long ruột đỏ.
Ông Trường chia sẻ bí quyết trồng thanh long ruột đỏ.

Gian nan trồng thanh long ruột đỏ

Xuất thân là giáo viên nhưng do “có máu nông nghiệp”, ông chuyển sang làm… nghề nông. Hết trồng xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò và cam sành nhưng tất cả đều không thành công do đất xấu và nhiều phèn nên mẫu mã trái không đẹp cho giá thành không cao.

Năm 2010, ông được Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện hỗ trợ 20 triệu đồng mua giống cây thanh long ruột đỏ. “Do đây là giống mới, chưa nắm vững kỹ thuật trồng nên tui quyết đi “tầm sư học đạo” ở Chợ Gạo (Tiền Giang), Châu Thành (Long An) xem đất trồng thanh long ruột đỏ ra sao; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho ra bông, ra trái, xông đèn ra sao để mình học hỏi đem về trồng”- ông Trường kể.

Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ chịu được đất phèn phù hợp với vùng đất Cái Ngang nên ông quyết định trồng 200 gốc thanh long ruột đỏ trên 2 công vườn với chi phí khoảng 36 triệu đồng. Khi đã trồng, ông vẫn lên Long An học hỏi tiếp.

Ông Trường chia sẻ: “Lúc đầu không quen biết ai hết nên tui lân la các quán cà phê để làm quen và nghe họ bàn về cây thanh long ruột đỏ. Dần dần quen biết, họ dẫn tui đến nhà những người trong xóm xem mô hình trồng thanh long ruột đỏ giỏi, hướng dẫn kỹ thuật và cùng với đó tôi lên mạng để tìm hiểu thêm.

Nhờ tích lũy được một số vốn kinh nghiệm, tui mang về tiếp tục áp dụng trên cây thanh long ruột đỏ của mình, vừa trồng vừa học hỏi tiếp”.

Qua thời gian trồng, ông đúc kết kinh nghiệm: “Trồng thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả tốt nhất theo quy cách trụ cao 1,1m, cây cách cây và hàng cách hàng đạt 2,7m.

Việc xông đèn cũng phụ thuộc theo nhiều loại đèn như Compact (thời gian đầu cây phát triển tốt về sau sẽ yếu dần), đèn led (không ra hoa), đèn halogen (cho ra bông nhưng giảm sự phát triển cây), đèn dây tóc (sử dụng sức nóng nhiều và cho cây phát triển tốt nhất nhưng tiêu thụ điện năng nhiều), đèn cao áp (cây tạo nhánh tơ yếu). Từ đây, tui rút ra kinh nghiệm sử dụng xen kẽ như đèn compact và đèn sợi tóc thì sẽ hỗ trợ cho nhau”.

“Mỗi người trồng có bí quyết khác nhau, tùy vào kỹ thuật xông đèn, bón phân và công việc chăm sóc mà cho ra trái đạt loại 1 nhiều hay ít. Đối với vườn lớn, nông dân giỏi có thể chăm sóc cho ra trái loại 1 chiếm 70% tổng sản lượng”- ông Trường cho biết thêm.

Thanh long ruột đỏ cho “trái ngọt”

Thanh long ruột đỏ đã bám rễ tốt trên vùng đất Cái Ngang.
Thanh long ruột đỏ đã bám rễ tốt trên vùng đất Cái Ngang.

Lúc đầu, vườn thanh long ruột đỏ của ông cho trái “em bé”, số lượng chưa nhiều nên ông phải chở đi bỏ mối ở các chợ lớn, nhỏ lân cận mỗi chỗ giao vài chục ký.

Vụ trúng mùa đầu tiên là khi cây được 1,5 năm tuổi, do ông học kỹ thuật chăm sóc và xông đèn nên cây thanh long ruột đỏ cho nhiều trái có mẫu mã đẹp.

Đến khi thu hoạch được khoảng 2 tấn, bán “sô” cho kho Sáu Càu (Long An) được 102 triệu đồng (52.000 đ/kg). Nhờ trúng vụ mùa này, ông có vốn và có đầu ra ổn định nên đầu tư tiếp. Mỗi năm làm thêm vài công, đến giờ ông làm được 2.000 trụ/20 công.

Năm nay, thời tiết không ổn định, số lượng cũng như chất lượng không bằng mọi năm nhưng năng suất trung bình đạt 3,5 tấn/1 công/1 năm (mọi năm là 4 tấn), giá bán sô trung bình là 25.000đ/kg.

Với 20 công trồng cây thanh long ruột đỏ, ông bán được trên 1,75 tỷ đồng. Trừ chi phí phân thuốc, công nhân lao động, điện phục vụ chiếu sáng,… trên 550 triệu đồng trong năm 2016, lợi nhuận còn lại 1,25 tỷ đồng, đó là chưa kể tiền bán giống.

Ông Lưu Vạn Trường hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Cái Ngang. Ông rất nhiệt tình hướng dẫn thành viên trong tổ như: giúp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bóng đèn cho hộ nghèo trồng...

Nhằm nâng cao hơn nữa kỹ thuật chăm sóc cây, tạo thương hiệu cho giống thanh long ruột đỏ Cái Ngang nên ông là người đầu tiên của Vĩnh Long được tham gia khóa tập huấn Mutrap thanh long ruột đỏ do Liên minh Châu Âu tài trợ ở Bình Thuận. Hướng tới trong năm 2017, ông sẽ mở rộng trồng thêm 5 công nữa.

Ông Nguyễn Văn Đông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Lộc (Tam Bình) cho biết: “Anh Lưu Vạn Trường là nông dân sản xuất giỏi của xã, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả cao. Anh nhiệt tình hỗ trợ, nhân rộng giống thanh long ruột đỏ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đỡ tiêu thụ cho những người dân muốn trồng thanh long ruột đỏ- nhất là tổ viên trong Tổ hợp tác Thanh Long Cái Ngang. Hiện tổ này đã được công nhận VietGAP”.

Chia tay ông Lưu Vạn Trường ra về, tôi không quên nhìn lại vườn thanh long ruột đỏ thẳng hàng xanh mướt đang cho trái nhìn... mát mắt. Hy vọng rằng, với quyết tâm làm giàu, không ngại khó, ngại khổ và hơn hết là dám đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông ngày càng phát triển, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân quanh vùng.

Tháng 4/2016, ông thử nghiệm dùng phân hữu cơ được mua từ Bình Thuận cho yếu tố an toàn rất cao đối với cây trồng, đất và người dùng. Tuy giá thành cao hơn các phân vô cơ khác khoảng 30% nhưng cây cho năng suất từ bằng hoặc cao hơn và mang lại nguồn lợi lâu dài. “Sau khi sử dụng phân hữu cơ cho ra trái nặng, dẻ thịt, ngọt và ít nước hơn khi sử dụng phân vô cơ nhờ thế mà sản phẩm của tui ít hàng dạt”.

Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGUYÊN KHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh