Kỹ thuật canh tác lúa cho vùng đất bị nhiễm mặn

Cập nhật, 05:47, Thứ Ba, 10/01/2017 (GMT+7)

Mùa khô hạn, xâm nhập mặn vừa qua lúa tôi bị nhiễm mặn, lúa chết nhiều. Vậy mùa khô hạn năm nay tôi cần phải làm gì để đảm bảo năng suất lúa khi nước mặn xâm nhập?

Hồ Văn Em (xã Hiếu Thành- Vũng Liêm)

Anh Hồ Văn Em thân mến! Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL và Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa cho vùng đất bị nhiễm mặn ĐBSCL như sau:

Trà Đông Xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ, vùng bị nhiễm mặn trên 3‰, tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào các kinh mương và tưới cho lúa.

Vùng bị nhiễm mặn dưới 3‰, ngoài biện pháp tích nước ngọt rửa mặn cần tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ.

Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2‰) hoặc dùng nước ngọt tưới phun lá.

Phun một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone...).

Vụ Hè Thu, vùng bị nhiễm mặn trên 3‰ tuyệt đối không xuống giống. Vùng bị nhiễm mặn dưới 3‰ có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau: Sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn như: OM 5451; OM 2517; OM 6976; OM 6162; OM 9921; GKG1; OM 6677.

Cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn. Tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi khi làm đất, lượng 500- 1.000kg vôi bột/ha. Sử dụng các dạng phân Ure chậm tan như đạm vàng (Ure 46A+) hoặc đạm xanh (Ure + NEB26) để chống thất thoát đạm.

Tăng cường bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu. Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trổ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục nhiều lần.

Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2‰ đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh, dưới 1‰ với các giai đoạn mạ, lúa làm đòng và trỗ).

Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng cần tưới phun nước ngọt cho mạ hoặc kết hợp tưới phun nước ngọt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với lượng nước phun khoảng 600- 800 lít/ha.

BẠN NHÀ NÔNG